LTS: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã chính thức chốt lại con số 6,16%. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã đưa ra nhiều dự báo khả quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là liệu nền kinh tế có tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ một cách bền vững? TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP. Ông Lịch nhận định:
![]() |
Để nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững, cần xem xét lại những trụ cột tăng trưởng. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém tồn tại trong nhiều năm đã làm nền kinh tế nước ta diễn biến không thuận: 2 năm 2008-2009 là giai đoạn khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1998. Tuy nhiên sự suy giảm tốc độ GDP đã “chạm đáy” vào quý 1-2009 và từ quý 2 năm ngoái nền kinh tế nước ta đã bắt đầu giai đoạn hồi phục.
Diễn biến 6 tháng cuối năm 2009 và 6 tháng đầu năm nay cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần đạt mức tăng trưởng của thời kỳ “tiền khủng hoảng”, nếu chỉ xét thuần túy về tốc độ tăng GDP. Riêng kinh tế trên địa bàn TPHCM đã thực sự đạt mức tăng trưởng của năm 2006 (GDP tăng 11%). Từ thực tế tình hình có thể tin tưởng rằng các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2010 Chính phủ đề ra như tốc độ tăng GDP, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu… là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan về tác động xấu hiện nay do “cuộc khủng hoảng nợ công” ở khu vực đồng euro. Nó có thể tác động lây lan đến thị trường tài chính quốc tế, cần được theo dõi sát sao và phân tích diễn biến kịp thời để có sự chủ động trong đối sách nếu tình hình lan rộng, xấu hơn. Để nền kinh tế có thể phục hồi và tăng trưởng bền vững, cần xem xét một cách nghiêm túc những trụ cột bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao cho năm nay và các năm sau.
- PV: Thực tế tăng trưởng kinh tế nước ta phục hồi rất khả quan, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo ông, mức tăng trưởng này liệu có bền vững hay chỉ do tác động của các giải pháp trước mắt? Và những “trụ cột” ông vừa nêu là gì?
Ông TRẦN DU LỊCH: Tuy tốc độ tăng trưởng GDP còn chậm nhưng xu hướng chung từ quý 2-2009 đến thời điểm này là tăng dần. Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ có tốc độ tăng trưởng khá hơn; cả năm có thể đạt cao hơn mức 6,5% như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam không chỉ do tác động của khủng hoảng mới xảy ra yếu tố tăng trưởng thiếu bền vững, mà tính chất thiếu bền vững đã tồn tại từ nội tại nền kinh tế. Vì vậy nếu không có khủng hoảng toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối đầu với những nhân tố bất ổn.
Về ngắn hạn, từ nay đến cuối năm nếu triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô như chính phủ đã đề ra, những thách thức ngắn hạn (năm 2010) hoàn toàn có thể vượt qua. Tôi nghĩ không có vấn đề lớn trong ngắn hạn, nhưng kinh tế Việt Nam nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo bước đột phá để chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất mới chính là thách thức.
Theo tôi, nền kinh tế tăng trưởng bền vững phải dựa trên 3 trụ cột chính: Một, hạ tầng cơ sở phải chắc, đủ điều kiện bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao. Hai, nền giáo dục và nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất. Ba, một nền tài chính bao gồm tài chính công, hệ thống tín dụng - ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng phải phát triển vững chắc. Ba trụ cột đó của nền kinh tế nước ta rất yếu, nên mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao.
Nguyên nhân sâu xa của nhập siêu, hệ số ICOR cao, lạm phát... đều bắt nguồn từ sự kéo dài mô hình tăng trưởng kinh tế không dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả đầu tư. Do đó, nếu không có lộ trình giải quyết bài toán chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì không thể giải quyết vấn đề nhập siêu và cân đối cán cân thanh toán tổng thể, ổn định giá trị VNĐ.
- Theo ông, làm thế nào để giảm tình trạng nhập siêu triền miên hiện nay, để có thể cân đối cán cân thanh toán tổng thể, ổn định giá trị đồng tiền?
Tình trạng nhập siêu triền miên, gốc vấn đề là do cơ cấu kinh tế. Hiện nay chúng ta lý giải nguyên nhân nhập siêu là do nhập máy móc, nguyên liệu, thiết bị phần lớn. Nếu phân tích bao nhiêu phần trăm cái ta gọi là nguyên liệu, máy móc thiết bị nhập về sẽ thấy kết quả thực chất là nhập tiêu dùng. Khác với hàng hóa khác là nhập nguyên sản phẩm, bây giờ là bán thành phẩm, là công đoạn cuối cùng để lắp ráp. Giá trị nội địa trong sản phẩm rất thấp, chỉ 10%-15%. Điều này có thể thấy rõ ở các mặt hàng ô tô, điện tử, điện lạnh và nhiều sản phẩm khác. Bản chất việc nhập đó không phải là nhập sản xuất, mà nhập tiêu dùng. Nếu tính trên tổng thể phải nói nước ta là thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng sản xuất không bảo đảm được.Thị trường nội địa nước ta ngày càng thể hiện tính chất “ tiêu thụ trên sức mình”. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2010 Chính phủ cần sử dụng nhiều biện pháp, kể cả hàng rào kỹ thuật, biện pháp phi thuế quan để hạn chế nhập siêu dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
![]() |
Kinh tế nước ta ngày càng phục hồi, tăng trưởng khá hơn. Ảnh: CAO THĂNG |
- Sau vụ Vinashin, theo ông cần rút ra bài học gì trong việc hỗ trợ, ưu đãi thành phần kinh tế khác để tránh những chuyện đáng tiếc như trường hợp Vinashin?
Vụ Vinashin đang là “chuyện nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do không nắm rõ việc tổ chức và hoạt động của Vinashin như thế nào nên tôi không bình luận gì về khía cạnh quản trị doanh nghiệp nhà nước, mà chỉ nêu ý kiến về phía nhà nước làm sao để tránh xảy ra những Vinashin khác. Đó là Chính phủ nên chấm dứt phương thức đi vay nợ, sau đó cho doanh nghiệp nhà nước vay lại. Đây là điều không nên, nên hỗ trợ bằng phương thức khác, nếu cần phải hỗ trợ cho những ngành kinh tế then chốt, hiệu quả tài chính thấp, nhưng hiệu quả xã hội cao. Ví dụ, doanh nghiệp tự vay nhưng ngân sách bù một phần lãi suất thương mại chẳng hạn; hoặc Chính phủ vay với lãi suất thấp, sau đó giao ngân hàng phát triển cho vay lại và chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính. Chính phủ không chỉ định doanh nghiệp cụ thể (chỉ đưa ra tiêu chí), không nên bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước. Vì làm điều này là Nhà nước tự đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư thay cho thị trường thẩm định.
Từ vụ Vinashin, cần gấp rút cơ cấu lại nợ của các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước theo nguyên tắc chưa cho phép các doanh nghiệp này kinh doanh trái với chức năng mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp đó; nghiên cứu lại chức năng đầu tư tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước; hoàn thiện mô hình SCIC với tư cách là nhà đầu tư tài chính của nhà nước, có nhiệm vụ mở đường và “tạo vốn mồi” cho thị trường đầu tư.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Mai Thảo // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com