Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam gia nhập Công ước Vienna (CISG) : “Bóng” đã về tay DN

Lần đầu tiên việc gia nhập một công ước quốc tế khởi đầu bằng sáng kiến từ cộng đồng DN chứ không phải ý chí của các cơ quan quản lý. Nếu VN tham gia Công ước Vienna về “Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” (CISG) thì nó sẽ là dấu ấn đậm nét về vai trò xây dựng và vận động chính sách của DN. Đây là ý kiến của LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch UB tư vấn về Chính sách thương mại quốc tế, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI.

- Liệu giờ VN mới tham gia CISG có phải đã muộn, thưa ông ?

Nếu nói thời điểm gia nhập CISG của VN thì nó đã chín muồi từ lâu. Hệ thống pháp luật của VN hầu như hoàn toàn tương thích với CISG. Việc gia nhập của VN cũng hoàn toàn không phát sinh nghĩa vụ pháp lý gì cho cả cơ quan quản lý và DN. Đồng thời nó cũng phù hợp với chính sách hội nhập và chủ trương XK của chúng ta.

Từ thực tế hoạt động thương mại quốc tế có thể thấy, DN luôn trong tư thế sẵn sàng gia nhập CISG. Thay vì các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế phải lựa chọn pháp luật nước ngoài thì DN đã có một luật được quốc tế hoá. CISG đã được giải thích rõ ràng và có bề dày hàng chục năm với hàng ngàn án lệ. Do đó, nó có thể được coi là điểm tựa hoàn toàn chắc chắn cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.

- Lộ trình dự kiến đưa ra là cuối tháng 12/2010 sẽ chuẩn bị xong các điều kiện để nộp đơn xin gia nhập và tháng 1/2012, VN sẽ chính thức là thành viên của CISG. Điều này có khả thi, thưa ông ?

DĐDN cũng đã có nhiều hoạt động phổ biến công ước này thông qua các tranh chấp điển hình được đăng thường xuyên trên báo viết và dddn.com.vn.

Lộ trình như vậy là mong muốn của nhóm các chuyên gia nghiên cứu và xúc tiến việc gia nhập CISG. Theo tôi, về lý thuyết không có gì để cản trở việc thực hiện lộ trình này. Vấn đề chỉ còn nằm ở thực tiễn triển khai. Các DN, các học giả chuyên gia pháp lý, khối các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý... tất cả cùng phải vào cuộc khẩn trương để tìm hiểu, đóng góp ý kiến và kiến nghị lên Nhà nước có quyết định cuối cùng.

- Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhận thức của cộng đồng DN về CISG còn nhiều hạn chế. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này ? 

Không chỉ DN có hiểu biết hạn chế về CISG, giới luật gia, luật sư, cả cơ quan nghiên cứu và quản lý đều chưa thực sự hiểu rõ vai trò của CISG. Đây là lý do khiến việc gia nhập CISG của VN đã diễn ra khá chậm chạp. Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết, việc xúc tiến gia nhập CISG của VN đã được đặt ra từ 20 năm nay nhưng không hiểu vì lý do gì đã bị bỏ quên.

CISG về “Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” (CISG) được thông qua ngày 11/4/1980 tại Hội nghị UB của Liên Hợp Quốc về luật thương mại quốc tế, tại Vienna (Áo). Công ước có hiệu lực từ 1/1/1988 với 2 đặc điểm chính là thống nhất các quy tắc về mua bán hàng hoá quốc tế giữa các bên có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau và cân bằng lợi ích giữa bên mua và bên bán. Hiện có 74 quốc gia thành viên và có khoảng ¾ số hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế áp dụng CISG. Đã có 2.500 vụ tranh chấp được áp dụng công ước này để xét xử.

Trong khi thực tế, hầu hết các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của các DN VN với đối tác nước ngoài đều bị tắc bởi điều khoản pháp luật áp dụng. Thường các hợp đồng bị bỏ qua điều khoản này, có trường hợp được quy định áp dụng pháp luật nước đối tác hoặc nước thứ ba, chứ hiếm có hợp đồng nào đối tác chịu áp dụng luật pháp VN. Vì vậy khi có tranh chấp, phía DN VN thường ở thế yếu và khả năng thua kiện là rất lớn.

Để DN, cơ quan quản lý và giới luật hiểu được lợi ích của việc gia nhập CISG nói riêng và nhiều công ước quốc tế khác, không còn cách nào khác là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc tham gia các công ước quốc tế của VN mang tính tất yếu.

- Như vậy, việc VN gia nhập CISG sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn là nghĩa vụ, thưa ông ?

VN gia nhập CISG sẽ đem lại lợi ích cho DN, cho cơ quan tư pháp trong hoạt động xét xử, cho giới luật gia, luật sư và lợi ích Nhà nước. DN sẽ giảm được thời gian và chi phí thương thảo hợp đồng. Giới luật sư, luật gia đỡ được nhiều thời gian và chi phí cho việc tư vấn, nghiên cứu pháp luật các nước trên thế giới khi tham gia các vụ việc. Cơ quan xét xử cũng dễ dàng hơn trong việc thống nhất hệ thống pháp luật áp dụng. Về mặt Nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư, giới doanh nhân quốc tế cũng được nâng nên. Cơ hội giao thương, đẩy mạnh XNK hàng hoá cũng vì thế mà được nâng lên.

Tóm lại, khó có lý do gì để làm chậm tiến trình VN gia nhập CISG.

- Xin cảm ơn ông !

TS Nguyễn Minh Hằng - Giảng viên Đại học Ngoại thương: Bệ đỡ pháp lý an toàn cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế

CISG đã thống nhất pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hoá trên thế giới. Nếu VN tham gia, các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (HĐ MB HHQT) của DN VN sẽ tự động được áp dụng. Điều này tạo sự an toàn pháp lý trong giao thương quốc tế. Những xung đột pháp lý trong các HĐ MB HHQT hiện DN đang gặp phải rất nhiều sẽ được khắc phục. Do đo, rủi ro pháp lý trong giao thương cho các DN VN được giảm thiểu.

Các đối tác nước ngoài sẽ khó có thể áp đặt pháp luật nước mình khi giao kết hợp đồng với DN VN. Do đó, việc áp dụng CISG sẽ giúp các DN giảm chi phí và thời gian tìm hiểu pháp luật nước ngoài khi ký kết hợp đồng. Kể cả chi phí về tranh tụng nếu xảy ra tranh chấp cũng được giảm đáng kể. Một lợi ích mang tầm vĩ mô là tạo sự tin tưởng của các đối tác nước ngoài khi ký kết HĐ MB HHQT.

Các thủ tục về gia nhập CISG cũng rất đơn giản. Các quốc gia chỉ cần xem xét các điều trong công ước có xung đột pháp lý với pháp luật trong nước không. Qua đó, các quốc gia có thể xin bảo lưu một số điều trong công ước (với những điều này sẽ áp dụng pháp luật trong nước). Các quốc gia tham gia CISG sẽ không mất phí và không cần tới một tổ chức giám sát thực thi.

LS Nguyễn Trung Nam - Công ty EP Legal: Lợi ích của các quốc gia XNK

Hầu hết các cường quốc về thương mại quốc tế đều tham gia CISG. Hiện 5 đối tác có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với VN đều là thành viên của CISG. Có thể nói tới ví dụ đầu tiên là Trung Quốc, một trong những quốc gia đầu tiên tham gia CISG. Xuất phát từ việc ký kết hợp đồng mua tàu siêu tốc của Mỹ, năm 1978. Cả hai bên đều muốn áp đặt pháp luật nước mình vào bản hợp đồng này nên đã không thể ký kết. Cuối cùng phải đến khi áp dụng CISG hợp đồng mới được thực hiện. Việc ký kết các HĐ MB HHQT ngày càng được áp dụng rộng rãi khi ngày càng có nhiều quốc gia tham gia. Công ước có hiệu lực giúp việc ký kết hợp đồng được thuận lợi hơn. Cả hai bên tham gia đều thấy quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua và bên bán được công bằng. Rất nhiều quốc gia không tham gia CISG nhưng các DN vẫn ký kết HĐ MB HHQT áp dụng công ước này. Từ lợi ích của việc tham gia CISG khiến hầu hết các quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn đều trở thành thành viên.

Ông Phạm Đình Thưởng - Vụ Pháp chế Bộ Công Thương: Cần tính toán mức độ tham gia

Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự của VN khi xây dựng đã tham khảo khá nhiều từ CISG. Chính vì vậy, các điều khoản của CISG hầu như không có xung đột đáng kể với pháp luật VN. Tuy vậy, nếu VN tham gia CISG, chúng ta vẫn phải nghiên cứu tính toán xem mức độ tham gia đến đâu, cần bảo lưu những điều khoản nào ?

Ví dụ điều 96 của CISG cho phép điều chỉnh các hợp đồng văn bản, hợp đồng miệng... Tuy nhiên, pháp luật thương mại của VN lại chỉ chấp nhận điều chỉnh các hợp đồng bằng văn bản. Do đó, khi tham gia CISG, VN có thể bảo lưu điều 96 của CISG.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - PCT kiêm TTK Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN: DN chưa nắm rõ

Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN hiện có khoảng 3.000 DN thành viên. Việc ký kết các HĐ MB HHQT của các DN diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, ngoại trừ khoảng 100 DN có vốn FDI, còn lại các DN hầu như chưa biết tới CISG. Bằng chứng của việc chưa biết này là các HĐ MBHH QT của các DN chưa hề áp dụng CISG.

Lợi ích của việc tham gia CISG đối với DN là rất rõ ràng. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các DN biết và tiếp cận CISG. Nếu DN hiểu rõ về CISG, chắc chắn họ sẽ ủng hộ việc gia nhập của VN.

Ông Vũ Ánh Dương - Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) : DN vẫn lung túng trong điều khoản áp dụng pháp luật

Theo thống kê của VIAC, 500 vụ xét xử đã thụ lý của VIAC có khoảng 90% hợp đồng đã bỏ qua điều khoản luật áp dụng khi có tranh chấp. Điều này khiến các DN VN gặp rất nhiều thiệt thòi. Nếu VN là thành viên của CISG, các chi phí về tố tụng cũng sẽ giảm đáng kể. Việc tham gia CISG cũng khiến các cơ quan tố tụng như toà án và trọng tài của VN thuận lợi hơn trong xét xử. Chúng tôi rất hi vọng VN sẽ là thành viên thứ 75 của CISG.

GS TS Nguyễn Thị Mơ - Đại học Ngoại thương: VN được rất nhiều

Khi tham gia bất kỳ công ước quốc tế nào, chúng ta cũng thường nâng nên, đặt xuống xem được gì và mất gì ? Chúng tôi có thể khẳng định, nếu là thành viên của CISG, VN không mất bất kỳ một loại quyền lợi gì từ chính trị đến kinh tế. Ngược lại, nếu không tham gia, các DN VN sẽ phải chịu một nút thắt trong giao thương quốc tế. Việc chưa tham gia CISG cũng khiến chúng ta mất đi cơ hội là một chủ thể bình đẳng trong quan hệ thương mại quốc tế. Nếu VN là thành viên của CISG thì DN được, cơ quan pháp luật được, Nhà nước cũng được.

Để trả lời câu hỏi vì sao VN chưa tham gia CISG? Tôi cho rằng, nhận thức của cơ quan công quyền chưa cởi mở và đầy đủ. DN vẫn còn thờ ơ và chưa hiểu hết vai trò của việc áp dụng một pháp luật thống nhất khi ký kết hợp đồng.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Kiểm toán : Không thể… nhiều - nhanh - tốt - rẻ !
  • Nên sửa Luật Hợp tác xã
  • Tăng trưởng, lạm phát đều sẽ rất “nóng”
  • Khơi thông vốn vàng
  • Xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Hàn Quốc: Những điều cần lưu ý
  • Mô hình tăng trưởng của Việt Nam: Thay đổi theo hướng nào?
  • Tình hình nợ công và trách nhiệm của Quốc hội
  • “Giảm phí kiểm toán là tiêu cực!”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi