Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Tuy nhiên, hàng nông sản thực phẩm của VN vẫn chưa có được thị phần tương xứng so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường này. DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Lê An Hải - Tham tán Thương mại VN tại Hàn Quốc xung quanh vấn đề này.
Ông Hải cho biết, năm 2009, Hàn Quốc nhập khẩu xấp xỉ 20 tỷ USD các mặt hàng thực phẩm, chiếm 75% tổng tiêu dùng thực phẩm tại Hàn Quốc. Trong 20 nước xuất khẩu thực phẩm lớn của Hàn Quốc, VN đứng thứ 5 với 480 triệu USD trong năm 2009. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 2,3 – 2,5% tổng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hàn Quốc, chưa tương xứng với tiềm năng nông sản của VN.
- Vậy thưa ông, nguyên nhân chính khiến thực phẩm VN chưa chiếm lĩnh được thị trường Hàn Quốc ?
Phải khẳng định rằng, chất lượng thực phẩm của VN không thua kém các sản phẩm cùng loại của các nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan khiến hàng nông sản thực phẩm của VN vẫn chưa có được thị phần tương xứng so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường Hàn Quốc.
Trước tiên, chúng ta là “người đi sau” các nước khác vốn đã thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, để giành giật và chiếm lĩnh thị trường, vượt qua các đối tác truyền thống của Hàn Quốc là điều không đơn giản, trong khi cơ cấu sản phẩm nông sản của VN cũng không khác nhiều nước.
Bên cạnh đó, phải nói rằng, hàm lượng công nghệ chế biến nông sản của chúng ta chưa thực sự cao.
- Các DN lại cho rằng, các quy định, điều kiện của Hàn Quốc đối với thực phẩm nhập khẩu quá khắt khe (thậm chí hơn cả các thị trường Mỹ, Châu Âu), thưa ông ?
Hàng nông sản thực phẩm của VN chiếm 2,3 – 2,5% tổng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hàn Quốc
Hàn Quốc mãi năm 1995 mới mở cửa nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, nước này áp dụng giải pháp kỹ thuật nhưng đồng thời cũng là rào cản kỹ thuật tương đối phức tạp. (Hàn Quốc cùng với Nhật Bản được coi là hai thị trường khó tính nhất trong việc quy định các điều kiện đối với thực phẩm nhập khẩu. Chẳng hạn như các nước có quy định giới hạn nhất định về phụ gia, phẩm màu đối với thực phẩm chế biến, còn Hàn Quốc thì tuyệt đối không chấp nhận những sản phẩm có sử dụng phẩm màu, chất tẩy trắng...). Trong khi chúng ta mới gia nhập WTO từ năm 2007 thì đây được coi là một khó khăn đối với các DN VN muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, bởi quy định của Hàn Quốc không phải là phân biệt đối xử với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của VN mà quy định chung đối với tất cả các nước.
- Vậy thưa ông, các DN VN muốn xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Hàn Quốc cần lưu ý những điều gì ?
Các lưu ý cho hàng thực phẩm VN và DN xuất khẩu VN khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc cụ thể như về giấy tờ cần có: Vận đơn (BL), hoá đơn thương mại, liệt kê đóng gói hàng hoá; Giấy chứng nhận xuất xứ (chỉ dùng mẫu AK trong trường hợp hàng hoá thuộc danh mục FTA giữa Hàn Quốc và Asean); Mô tả về dinh dưỡng (trong trường hợp là phở, bánh đa nem, bánh kẹo các loại); Mô tả về nguyên liệu đã sử dụng, sơ đồ quy trình chế biến (chỉ dùng cho lần đầu tiên). Các vấn đề kiểm tra trước các DN cũng cần phải lưu ý là: tiêu chuẩn sử dụng và giới hạn của các chất bảo quản, chất gây nghiện trong thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu sử dụng trong canh tác nông nghiệp, các chất phụ gia và màu nhân tạo (hoá học) cho thực phẩm, chất tẩy trắng, trực khuẩn mẫu Coli và thuốc nhuộm Tar.
Bên cạnh đó, thông tin ghi trên nhãn hàng hoá phải đảm bảo thông tin về tên sản phẩm (bằng tiếng Anh và tiếng Hàn), thông tin về tổng trọng lượng và trọng lượng tịnh (gram hoặc kilogram), thông tin chi tiết về nhà sản xuất (tên Cty, địa chỉ, số điện thoại bằng tiếng Anh và/hoặc tiếng Hàn), thông tin về thành phần nguyên liệu đã sử dụng, thông tin về Nguồn dinh dưỡng cung cấp (nếu cần thiết), thông tin về quốc gia xuất xứ, thông tin về ngày sản xuất và hết hạn sử dụng (cần đặt ở nhãn trước của sản phẩm)
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, các DN VN muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc không chỉ đòi hỏi chất lượng sản phẩm, giá cả, mà DN cần phải chú ý phương thức kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, bao bì mẫu mã... Không phải đi bán thứ mình có, mà phải tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của thị trường mà mình nhắm đến, để xuất khẩu sản phẩm mà Hàn Quốc đang cần.
- Theo ông, sản phẩm thực phẩm nào hiện đang là xu hướng đối với người tiêu dùng Hàn Quốc ?
Trước đây, người tiêu dùng Hàn Quốc thiên về các sản phẩm thực phẩm liên quan đến thịt, nhưng giờ thiên về thuỷ sản, gạo, ngũ cốc, sử dụng sản phẩm không sử dụng hoá chất, không sử dụng thực phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen... Và chính xu hướng tiêu dùng của người dân cũng trở thành quy định của Chính phủ Hàn Quốc trong nhập khẩu thực phẩm.
- Vậy Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc sẽ giúp đỡ, tạo điều kiện cho các DN VN như thế nào để dễ dàng hơn trong quá trình tiếp cận với thị trường vốn khắt khe này, thưa ông ?
Hiện VN và Hàn Quốc vẫn chưa có Hiệp định kiểm dịch cho thực phẩm. Vì vậy, Bộ Công Thương chủ trương làm sao trao đổi ký kết hiệp định chung về kiểm dịch thực phẩm giữa VN và Hàn Quốc, tạo khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN VN xuất khẩu thực phẩm sang thị trường này. Chúng tôi cũng đang tiến hành công việc này. Bên cạnh đó, Đại sứ quán không ngừng phối hợp với các tổ chức, các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, quan hệ tốt với các DN hai bên, làm cầu nối DN hai bên hiểu nhau, tăng cường cơ hội xúc tiến đầu tư, hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, đồng thời giúp các DN giải quyết các trnh chấp thương mại xảy ra (nếu có).
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com