Việt Nam sẽ thí điểm điều trị HIV mới - phương pháp điều trị 2.0, giúp giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS trao đổi với Tiền Phong.
Phương pháp điều trị 2.0 giúp giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan đến AIDS Ảnh: Hoài Thanh. |
Thưa ông, vì sao Việt Nam tiên phong thí điểm phương pháp điều trị 2.0 - một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS)?
Với 254.387 người đang có HIV. 5 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng tiếp cận tới điều trị HIV. 54% số người trưởng thành có nhu cầu đã được tiếp nhận điều trị kháng virus. Tuy nhiên, hầu hết người sống với HIV đều bắt đầu điều trị rất muộn khi hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập. Trong trường hợp này, việc điều trị rất ít hiệu quả, dẫn đến gia tăng các ca tử vong. Vì thế, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xung phong thí điểm phương pháp điều trị 2.0.
Xin ông cho biết những ưu điểm của phương pháp 2.0?
Phương pháp này có thể giúp giảm gần như hoàn toàn các ca tử vong liên quan AIDS và giúp dự phòng lây nhiễm HIV. Phương pháp bao gồm một phác đồ thuốc tối ưu hơn cho những người sống với HIV, các công cụ chẩn đoán rẻ và đơn giản hơn, dịch vụ chủ yếu do các cộng đồng tự thực hiện với chi phí thấp.
“Sáng kiến quan trọng này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, phát triển hơn nữa quy mô các chương trình can thiệp về HIV, huy động được nguồn lực từ cộng đồng để mở rộng xét nghiệm và điều trị HIV, giảm kỳ thị và tăng tính bền vững của ứng phó quốc gia với HIV. WHO và UNAIDS sẽ cùng hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện sự đổi mới này”, ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS Việt Nam, Chủ tọa Nhóm Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV tại Việt Nam. |
Các nghiên cứu gần đây khẳng định rằng, ngoài việc cứu mạng sống, liệu pháp kháng virus khi được bắt đầu đủ sớm đã thành công trong việc chặn sự phát triển của HIV và làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác.
Những địa phương nào được lựa chọn để thực hiện phương pháp mới này?
Thí điểm sẽ được khởi động trong năm nay tại hai tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV ở Việt Nam, là tỉnh Cần Thơ và Điện Biên. Với tỉnh Điện Biên, chúng tôi dự kiến xây dựng mô hình tiếp cận tới tận vùng sâu, vùng xa, đặc thù của miền núi phía Bắc.
PGS.TS Bùi Đức Dương. |
Giai đoạn đầu sử dụng bước kiểm tra nhanh để phát hiện HIV. Tiếp đó sẽ phân cấp đến tận tuyến xã, phường với việc xây dựng mô hình liên xã chăm sóc bệnh nhân. Tuyến huyện có nhiệm vụ quản lý, tuyên truyền giáo dục về HIV/AIDS cho cộng đồng. Đồng thời kết hợp điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc Methadone.
Bên cạnh đó sẽ có chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch và phát bao cao su miễn phí. Chúng tôi đã thỏa thuận với Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để cung cấp cho Việt Nam các test xét nghiệm viêm gan siêu vi trùng đối với những người có HIV.
Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn mở rộng. Sau khoảng một năm rưỡi thí điểm phương pháp điều trị 2.0 tại hai địa phương đầu tiên, tới năm 2013, phương pháp sẽ được triển khai mở rộng tại các địa phương khác.
Cảm ơn ông!
Phương pháp 2.0 bao gồm một số thành tố được coi là chiến lược mới trong điều trị HIV/AIDS, sử dụng các thuốc giảm độc tính, giảm kích thước viên thuốc và số lần uống thuốc nhưng vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị để bệnh nhân sử dụng dễ dàng, chỉ sử dụng thuốc viên chứ không dùng thuốc tiêm. Tăng cường các công nghệ chẩn đoán mới, đơn giản hóa quy trình chẩn đoán. Giảm giá thành xét nghiệm, các loại thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội; khi phát hiện sớm bệnh, sẽ điều trị ngay để giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ nhiễm trùng, chi phí đi lại cho bệnh nhân. |
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com