Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xử lý chất thải nguy hại tại TPHCM: Cần nhiều chính sách ưu đãi

Trung bình mỗi ngày, TPHCM tiếp nhận khoảng 300 tấn chất thải nguy hại (CTNH). Tuy nhiên, công suất xử lý loại chất thải này chỉ đạt 20%. Do vậy, để đảm bảo 100% lượng chất thải nguy hại được xử lý vào năm 2015, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước (ảnh), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM về vấn đề này.

° PV:Ông có thể cho biết thực trạng và khả năng xử lý chất thải hiện nay tại TPHCM?

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC

° Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP phát thải khoảng 300 tấn CTNH/ngày. Ngoài ra, còn khoảng vài trăm tấn chất thải khác từ các tỉnh lân cận đổ về. Trong khi đó, công suất xử lý chất thải hiện nay không đảm bảo giải quyết triệt để khối lượng này, vì khoảng 20 đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của TPHCM đều có quy mô nhỏ.

° Vậy khối lượng chất thải không xử lý hết được đổ ở đâu?

° Thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng lén đổ chất thải ra môi trường. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng Cảnh sát Môi trường TP phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này khó khắc phục do TP đang thiếu nhà đầu tư xử lý CTNH đủ lớn để tiếp nhận và xử lý loại chất thải này với giá thành hợp lý.

° Với tư cách là cơ quan chức năng quản lý vấn đề này, Sở TN-MT đã làm gì để khắc phục tình trạng trên?

° Chúng tôi chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư lĩnh vực xử lý CTNH. Giải pháp này đã được áp dụng thành công cho lĩnh vực xử lý chất thải đô thị khi hơn 6.500 tấn chất thải đô thị/ngày đã được thu gom và xử lý triệt để. Hiện đã có 3 đơn vị đăng ký đầu tư lĩnh vực này là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Mộc An Châu và Công ty Môi trường đô thị. Nếu cả 3 dự án trên đều đi vào hoạt động trong năm 2015, TPHCM không còn lo thiếu đơn vị xử lý CTNH.

° Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cho rằng TP thiếu đất xây dựng nhà máy xử lý CTNH?

° Đây là vướng mắc lớn nhất của TP. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm được tháo gỡ trong năm nay để kịp giao đất cho chủ đầu tư vào năm tới. Dự kiến, 200ha tại khu vực Tây Bắc, Củ Chi sẽ được chọn để đầu tư các dự án xử lý CTNH.

° UBND huyện Củ Chi từng cho rằng không nên đầu tư nhà máy xử lý CTNH ở đây vì là thượng nguồn của TP, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

° Nhà máy xử lý CTNH chỉ ảnh hưởng đến nước ngầm trong trường hợp chất thải đưa về không được xử lý tốt. Do vậy, tiêu chí chọn nhà đầu tư xử lý loại chất thải này cũng rất khắt khe. Cụ thể, ưu tiên cho các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến là đốt hoàn toàn, chỉ chôn lấp tro hoặc các chất thải không thể đốt được. Việc chôn lấp giao cho Công ty Môi trường đô thị TP phụ trách chứ không giao cho đơn vị xử lý. Mặt khác, các nhà đầu tư nhà máy xử lý CTNH cũng phải xây thêm hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Vì hiện vẫn còn trường hợp CTNH khi đưa về phải xử lý sơ bộ bằng cách rửa nên phát sinh nước thải. Chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những nhà đầu tư có năng lực và đang đầu tư xử lý chất thải tại TP.

Phân loại rác thải để tái chế nhựa tại Nhà máy xử lý rác Vietstar, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

° Thưa ông, nếu đầu tư xử lý CTNH, doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi gì?

° DN được thuê đất với giá bằng không, được TP hỗ trợ đường, điện, viễn thông và mạng lưới cấp thoát nước đến sát chân rào nhà máy; không nộp thuế DN năm đầu tiên, còn từ năm thứ hai trở đi, cũng chỉ phải nộp 50% thuế DN. Tất cả những thiết bị phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải khi nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi 0%.

° Đúng là có nhiều chính sách ưu đãi, vậy tại sao cho đến nay vẫn có rất ít nhà đầu tư đăng ký tham gia lĩnh vực này?

° Có 2 nguyên nhân chính. Một là do TP chưa có đất trống giao cho nhà đầu tư. Hai là chỉ có những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, mới có thể đầu tư vào lĩnh vực này. Mặc dù ít nhà đầu tư đăng ký tham gia nhưng với những nhà đầu tư đang đăng ký tham gia, khả năng chuyển từ dự án thành nhà máy xử lý trên thực tế rất cao. Đơn cử như Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, Công ty Mộc An Châu và Công ty Môi trường đô thị, đều có vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD… Chúng tôi đang cố gắng để có thể giao đất sớm nhất cho nhà đầu tư, góp phần đưa nhà máy xử lý CTNH đi vào hoạt động, chấm dứt tình trạng thiếu đơn vị xử lý CTNH…

° Khi nào những nhà đầu tư trên mới có đất xây dựng nhà máy?

° Dự kiến năm 2011, TPHCM sẽ giao đất cho nhà đầu tư tại Khu liên hiệp Tây Bắc, Củ Chi. Riêng Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, có thể đầu tư tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước. Trước đây, khu liên hiệp này không có công năng xử lý CTNH nên bây giờ phải điều chỉnh quy hoạch. Chủ trương điều chỉnh quy hoạch này đã được lãnh đạo UBND TP thông qua nên dự án có thể thực hiện sớm mà không cần phải chờ được giao đất tại Khu liên hiệp Tây Bắc, Củ Chi

(Theo ÁI VÂN // SGGP Online)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Vì sao Lâm Đồng thu hồi biệt thự đã giao cho HAGL?
  • Tập trung vào phân khúc nhà ở bình dân
  • Tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra: Rối như canh hẹ
  • Thu tiền sử dụng đất sát giá thị trường: "Sẽ hướng dẫn thêm"
  • Quy định kiểm soát hàng đông lạnh là theo thông lệ quốc tế
  • Sẽ có doanh nghiệp kiểm định vàng độc lập
  • Xây nhà chọc trời ở Hà Nội: “Tôi hơi lo!”
  • Tư vấn xây dựng: Tiền nào của nấy!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi