Hiện các DN tư vấn xây dựng VN đang gặp nhiều khó khăn khó theo kịp tư vấn nước ngoài. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Châu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn Xây dựng VN (VECAS).
Giám đốc một DN tư vấn cỡ lớn phân tích, hiện mức phí tư vấn cho các công trình dân dụng có khảo sát tư vấn thiết kế và giám sát công trình, mời thầu theo Quyết định 975/2009/QĐ-BXD chiếm khoảng 7-8% tổng dự toán công trình, trong khi cùng dạng công trình tương ứng ở nước ngoài, mức chi phí cho tư vấn là từ 12 đến 15%.
Trong khi phí tư vấn thấp hơn nhiều so với mặt bằng thế giới, nhiều DN tư vấn cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong khâu thanh toán sau khi công trình hoàn thành, thậm chí còn bị cắt xén, “lại quả” tới 30 – 40%... Trên thực tế, DN tư vấn chỉ thu được khoảng 3-4% tổng dự toán.
Một vấn đề khác là thuế đối với các DN trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật, xây dựng. Định mức chi phí tư vấn hiện cơ quan thuế vẫn dựa vào những định mức do Bộ Xây dựng công bố, song trong định mức đó có nhiều yếu tố chi phí chưa được tính vào giá tư vấn như chi phí đào tạo, mua phần mềm... nên rốt cục là thuế thu nhập DN của các đơn vị này đã phải chịu cao hơn thực tế.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, cơ cấu giá tư vấn trước đây vẫn theo “khung” của Nhà nước, tức là các DN làm tư vấn xây dựng được Nhà nước bao cấp trụ sở, lương cán bộ... Trong khi DN tư vấn bây giờ phần lớn phải tự đầu tư, họ phải xây trụ sở, mua đất, chi phí thiết bị, phần mềm chuyên ngành cho tư vấn xây dựng... Tất cả các điều kiện trên đều chưa được cho vào chi phí tư vấn.
- Trước những khó khăn đó của các DN tư vấn xây dựng, VECAS đã có giải pháp tháo gỡ gì, thưa ông ?
Chủ trương của hiệp hội là tính đủ, tính đúng phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay các định mức mà Nhà nước công bố còn những hạn chế nhất định, chúng tôi kiến nghị từng bước khắc phục, trước hết phù hợp với cơ chế thị trường, tiệm cận với giá tư vấn quốc tế. Cụ thể là việc đưa ra những nội dung cơ cấu tư vấn, tiền lương của cán bộ tư vấn trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ để xã hội, chủ đầu tư chấp nhận.
Dù đã thực hiện tư vấn cho một số công trình lớn như thủy điện Sơn La, nhưng nhìn chung mặt bằng trình độ chuyên môn tư vấn xây dựng của VN vẫn còn thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới
Tuy nhiên, để có thể theo kịp được với tư vấn quốc tế, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế chính sách, tôi cho rằng, các DN tư vấn cần phải tự hoàn thiện, nâng tầm mình lên, có như vậy thì các nhà thầu mới trả giá cao được.
- Hiện nay đa số các công trình xây dựng lớn, chủ đầu tư ngay từ đầu đã yêu cầu chỉ thuê tư vấn nước ngoài. Điều đó cho thấy các nhà thầu chưa tin tưởng tư vấn trong nước, theo ông đâu là nguyên nhân ?
Điều này cũng đã phần nào lý giải về trình độ nghiệp vụ tư vấn của các DN trong nước, chúng ta chưa tiếp cận được với tầm tư vấn quốc tế. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta cũng đã hợp tác với các tổ chức tư vấn quốc tế để tư vấn nhiều công trình, qua đó trình độ của các DN tư vấn đã nâng lên rõ rệt. Ví dụ, trong ngành giao thông, cầu Mỹ Thuận là cầu đầu tiên chúng ta tư vấn xây dựng, sau đó nhiều công trình giao thông khác như cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân... qua đó khẳng định tư vấn VN đủ tầm đủ sức làm những công trình lớn.
Trong ngành năng lượng, thủy điện Thác Bà, Hoà Bình... chuyên gia nước ngoài cùng chúng ta xây dựng, qua đó chúng ta học hỏi được nhiều, từ đó các công trình khác như thuỷ điện Sơn La là do tư vấn VN thực hiện. Ngay việc xây dựng các KCN, ví dụ khu công nghiệp Bắc Thăng Long Nội Bài, là của người Nhật nhưng phía Nhật đã thuê tư vấn VN từ khâu quy hoạch thiết kế, giám sát thi công...
Còn nhiều công trình đầu tư nước ngoài nhưng họ đã thuê tư vấn VN, các chuyên gia tư vấn nước ngoài chiếm số ít. Những ví dụ thực tế đó cho thấy tư vấn xây dựng của ta hiện đã trưởng thành.
Hiện nay Chính phủ rất quan tâm tới quy hoạch đô thị và đã mời các nhà tư vấn nước ngoài đến để tham vấn. Tôi cho rằng đó là con đường nhanh nhất để chúng ta học hỏi kinh nghiệm những người đi trước.
- Như ông đã nói, tư vấn VN có thể thực hiện được những dự án lớn, nhưng thực tế có rất nhiều công trình chúng ta vẫn thuê tư vấn nước ngoài . Phải chăng đó là tư duy “sính ngoại” ?
Đúng vậy ! Theo tôi điều này có hai mặt, trước hết phải tự mình xem mình, mặc dù chúng ta cũng đang phát triển và có thể đảm nhiệm được một số công trình lớn, nhưng cũng phải thừa nhận kinh nghiệm của ta còn ít, tất nhiên có yếu tố “sính ngoại” . Trong khi tư vấn nước ngoài họ có nhiều kinh nghiệm các công trình lớn nên ngay bản thân các chủ đầu tư cũng yên tâm hơn khi thuê tư vấn ngoại.
Tuy nhiên, có nhiều công trình không cần thiết phải mời tư vấn ngoại nhưng nhiều nhà thầu vẫn mời, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Đành rằng cơ chế thị trường, chủ đầu tư mời ai tư vấn là quyền của họ nhưng tôi cho rằng công trình nào mới, đòi hỏi trình độ cao hãy thuê tư vấn nước ngoài, còn nếu tư vấn trong nước đảm nhiệm được thì nên mời tư vấn trong nước.
Ví dụ, với các dự án lớn của Nhà nước, đòi hỏi trình độ tư vấn rất cao, trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm như: Xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn 2030 – 2050. Đây là dự án lớn nên chủ trương mời tư vấn nước ngoài tôi cho là hợp lý. Hay như một số dự án khác liên quan tới công năng, công nghệ... các nhà tư vấn trong nước chưa có kinh nghiệm nên mời tư vấn ngoại, thông qua các dự án này chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích.
- Vậy giải quyết vấn đề tự chủ của tư vấn trong nước thế nào, thưa ông ?
Trước hết là công tác đào tạo, phải đào tạo có hệ thống trong các trường đại học. Người kỹ sư khi ra trường phải có đào tạo chuyên sâu hơn nữa để trở thành người kỹ sư tư vấn. Ở các nước có lộ trình bài bản về tư vấn, không phải anh cứ học xong đại học là trở thành kỹ sư tư vấn, muốn trở thành tư vấn phải trải qua giai đoạn đào tạo nghiệp vụ nâng cao để có đầy đủ kiến thức của một nhà tư vấn. Tôi cho rằng muốn trở thành một kỹ sư tư vấn thực thụ, một sinh viên khi ra trường cần có thời gian khoảng 5 năm học hỏi để trở thành một kỹ sư tư vấn kinh nghiệm.
Tôi cho rằng việc vừa làm, vừa học là giải pháp tốt nhất. Do chúng ta còn thiếu thốn tài chính, trình độ, kinh nghiệm... nên chúng ta có thể hợp tác với tư vấn nước ngoài để học hỏi và tự hoàn thiện mình. Tôi cho rằng với sự phát triển như hiện nay, chỉ trong 5-10 năm nữa chúng ta sẽ có một đội ngũ tư vấn xây dựng đạt trình độ quốc tế.
Bản thân hiệp hội chúng tôi cũng đang xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ về tư vấn, ví dụ trong quá trình lập dự án đầu tư cần có những công đoạn nào, cách làm, công nghệ kỹ thuật ra sao ? Phân tích ảnh hưởng của dự án đó tác động đến kinh tế, xã hội cho chủ đầu tư... Đặc biệt là tác động tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Lâu nay ta vẫn xem nhẹ nội dung này.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng quan tâm tới năng lực thiết kế, giám sát thi công... để một dự án từ giai đoạn làm dự án, thiết kế, triển khai xây dựng, nghiệm thu, vận hành... là một giai đoạn dài, cần phải đào tạo bài bản.
- Xin cảm ơn ông !
Thiếu năng lực tài chính, non về trình độ, về công nghệ, và đặc biệt thiếu tính độc lập với chủ đầu tư, với nhà thầu... là những nguyên nhân khiến nhiều công trình lớn đều “rơi” vào tay các nhà tư vấn xây dựng ngoại. Đây là nhận xét chung của các chuyên gia khi đánh giá về thực trạng ngành tư vấn xây dựng hiện nay. Phải thừa nhận trong thời gian vừa qua, lực lượng các nhà tư vấn xây dựng của VN đã phát triển khá mạnh. Đặc biệt số lượng các DN tư vấn xây dựng tư nhân rất lớn. Theo số liệu của Hiệp hội tư vấn xây dựng hiện cả nước có hàng chục ngàn DN lớn, nhỏ hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng nói là các DN này, đặc biệt là các DN nhỏ hoạt động tư vấn chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu bài bản, hoạt động của họ vẫn theo kiểu “phụ hoạ” chủ đầu tư, thiếu tính độc lập khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ, trì trệ có hoàn thành thì chất lượng kém, đưa vào sử dụng chi phí bảo dưỡng còn tốn kém hơn cả chi phí đầu tư. Điều này đang ảnh hưởng lớn tới các DN tư vấn lớn, xa hơn nó còn ảnh hưởng tới uy tín của các DN tư vấn có uy tín của VN trước các đối tác nước ngoài. Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành tư vấn xây dựng: "Sự phụ thuộc và thiếu tự chủ lớn nhất xảy ra đối với DN tư vấn là làm cho các dự án công. Vì chi phí tư vấn thấp, lương kĩ sư bèo bọt, sợ mất quan hệ, mất mối làm ăn. Cho nên không thể phát huy tính sáng tạo, không thể đưa ra được những quan điểm khách quan, chính xác, khoa học có lợi cho dự án". Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, do nhiều nguyên nhân khách quan, “cái khó bó cái khôn” nên nhiều tư vấn móc ngoặc với chủ đầu tư, với đơn vị thị công... để kiếm lời khiến hiệu quả công trình kém. Bên cạnh đó, với các DN lớn, DN nhà nước... hiện vẫn bị ảnh hưởng của phong cách làm ăn cũ, không chịu học hỏi kinh nghiệm, thiếu độc lập ở một bộ phận cán bộ,sức ép về tiến độ dự án khiến DN tư vấn không có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra các giải pháp so sánh, không đưa ra được các luận cứ khoa học rõ ràng, chính xác; hình thức lựa chọn tư vấn không rõ ràng, thiếu am hiểu thông lệ quốc tế; thiếu hụt lực lượng chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực... là những nguyên nhân khiến các DN tư vấn thiếu tính độc lập trong quá trình tư vấn. Các DN cho rằng, để tạo điều kiện cho các DN tư vấn hoạt động, các cấp quản lý nhà nước, chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn cho DN bằng cách nghiên cứu tăng mức phí tư vấn sao cho phù hợp với mặt bằng chung của quốc tế và thực tế chi phí đầu vào ở VN. Các chuyên gia khuyên rằng, trước hết phía chủ đầu tư cần cập nhật thông lệ quốc tế trong công tác lựa chọn tư vấn kỹ thuật dựa trên tiêu chí: giỏi chuyên môn, có uy tín, độc lập khách quan, kinh nghiệm... chứ không phải các tiêu chí giá thấp, dễ điều khiển như hiện nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng mức phí tư vấn sao cho phù hợp với mặt bằng chung của quốc tế và thực tế chi phí đầu vào ở VN. Các cơ quan có thẩm quyền cần có quy định trong điều luật là phải trả tiền đầy đủ cho các nhà tư vấn lập dự án tiền khả thi, khả thi khi họ chứng minh rằng dự án đó là không có hiệu quả, không nên làm, và phải trả họ gấp đôi, gấp 3 lần theo định mức thông thường. Đồng thời điều luật cũng qui định trách nhiệm của các nhà tư vấn lập dự án khả thi nếu dự án sau này bị thất bại (bồi thường tiền hay bị qui trách nhiệm hình sự). |
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com