Trước những lo lắng giá cả tăng mạnh sẽ đẩy lạm phát tăng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lạm phát cả năm mà vẫn giữ nguyên mức 7% đặt ra trước đó.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 2,09% so tháng trước và tăng 3,87% tháng 12/2010. Tính bình quân, CPI hai tháng đầu năm 2011 tăng 12,24% so cùng kỳ năm 2010.
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá chủ yếu là do giá hàng hoá trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, phân bón, lương thực, thực phẩm tăng mạnh đã gây áp lực tăng giá thị trường hàng hoá trong nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, cùng với khó khăn, thiệt hịa trong sản xuất nông nghiệp do đợt rét đậm, rét hại kéo dài cũng đã làm cho giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện có thể làm CPI cả năm tăng thêm 2%. Như vậy, tính đến thời điểm này lạm phát đã xấp xỉ tăng khoảng 6%. Nếu tính với mục tiêu khống chế CPI là dưới 7% thì 10 tháng còn lại chỉ được phép tăng dưới 1%.
Trước thông tin này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lạm phát cả năm. Mục tiêu vẫn giữ nguyên mức 7% đã đặt ra.
Theo Bộ trưởng, độ mở nền kinh tế nước ta hiện nay rất cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đến 160-170 tỷ USD trong khi GDP chỉ khoảng 100 tỷ USD. Do vậy, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế thế giới. Việc điều hành chính sách trong bối cảnh hội nhập phải được tiến hành phù hợp với diễn biến toàn cầu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, sức ép giá cả hàng hoá từ thị trường thế giới và giá đầu vào các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu,…sẽ tạo áp lức tăng giá hàng hoá, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. Tình hình đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp và các chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.
(VnMedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com