Bảo lãnh chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam. Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh, không cấp tái bảo lãnh. Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc này và giao cho Bộ Tài chính thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khoản vay hoặc từng đợt phát hành trái phiếu.
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án. Ảnh minh họa |
Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khoản vay hoặc từng đợt phát hành trái phiếu trong phạm vi hạn mức vay nước ngoài và bảo lãnh chính phủ được duyệt.
Trường hợp hạn mức bảo lãnh chính phủ đã được phê duyệt trong năm đã được cấp hết nhưng vẫn có đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ cho các trường hợp dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạn mức bảo lãnh chính phủ của năm đó nhưng phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về nợ quốc gia.
Điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ
Ngoài các điều kiện tại Điều 34 của Luật Quản lý nợ công, một số quy định chi tiết về điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ cũng được quy định cụ thể.
Theo đó, chương trình, dự án được cấp bảo lãnh phải nằm trong danh mục chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ; đối với các chương trình, dự án đặc biệt không nằm trong danh mục phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng chương trình, dự án.
Còn điều kiện đối với khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế được bảo lãnh chính phủ là phải nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, loại tiền vay là ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của dự án
Cam kết bảo lãnh chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc quyết định bảo lãnh. |
Theo Nghị định, mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án trong đó đã bao gồm tất cả các chi phí vay có liên quan, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công.
Đối với trường hợp doanh nghiệp có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh chính phủ nêu tại Điều 32 của Luật Quản lý nợ công, việc bảo lãnh chỉ được thực hiện cho phần vốn vay tương ứng với trách nhiệm của bên Việt Nam trong doanh nghiệp.
Trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ mà Bộ Tài chính đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay và người được bảo lãnh không có khả năng hoàn trả cho Bộ Tài chính thì tài sản thế chấp được xử lý để đảm bảo thu hồi nợ cho Bộ Tài chính.
Tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp được thu về cho Quỹ tích lũy trả nợ làm nguồn trả nợ cho khoản bảo lãnh.
(Theo Hoàng Diên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com