Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính phủ ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2011 hôm nay (2/3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, "kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay" và các bộ, ngành địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay - Ảnh: Chinhphu.vn

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay (2/3), Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 2 năm 2011 nhằm thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2011.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển tích cực

Thảo luận về kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển tích cực.

Trong tháng 2, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 của Chính phủ; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm bảo an toàn cho nhân dân trên mọi miền tổ quốc đón Tết vui tươi, đầm ấm…

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2/2011 tiếp tục đà tăng trưởng cao, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung, 2 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp đạt khá, tổng diện tích gieo cấy tính đến gữa tháng 2/2011 ước đạt trên 2.580 ha (bằng 94,1%) so với cùng kỳ năm 2010.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt trên 12,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua.

2 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 14,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32%. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2/2011 giảm so với cùng kỳ là sữa, các sản phẩm từ sữa, phân bón các loại…

Thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc trong những ngày đầu tháng 2/2011 với chỉ số VN-Index đạt đỉnh 522,6 điểm, phản ánh tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế trong nước.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2011 ước đạt trên 304,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người neo đơn, người có công được quan tâm; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững…

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng nhận định, bên cạnh những kết quả cơ bản đạt được nêu trên, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm nền kinh tế nước ta phải đối mặt một số khó khăn thách thức. Đó là giá cả lương thực, thực phẩm, năng lượng trên thế giới tăng cao, đi liền với đó là lạm phát trong khu vực tăng mạnh, nhất là ở Trung Quốc; thiên tai dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sản xuất… đã gây áp lực tăng giá trong nước, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trước tình hình trên, các thành viên Chính phủ cho rằng, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là kịp thời với những nội dung chỉ đạo cụ thể và quyết liệt. Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện rất quyết liệt Nghị quyết này của Chính phủ.

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế thế giới qua Diễn đàn kinh tế thế giới Davos; báo cáo về công tác cải cách hành chính tháng 2/2011; Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020…

Ảnh: Chinhphu.vn

Kiềm chế lạm phát - Ưu tiên hàng đầu

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trên tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP, các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011 với chương trình, kế hoạch cụ thể trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, coi kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu hiện nay.

Để thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, trước hết các Bộ, ngành, địa phương phải hết sức lưu ý tới việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt với các giải pháp chủ yếu là giảm bội chi, tiết kiệm chi tiêu công, tăng thu ngân sách.

Cùng với đó là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; kiểm soát tốt tỷ giá, chống tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả chính sách kiểm soát giá cả thị trường, chống tình trạng đầu cơ tăng giá bất hợp lý; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an sinh xã hội; an ninh quốc phòng…

Đi liền với việc hỗ trợ các hộ nghèo, tiếp tục thực hiện điều hành chính sách xăng dầu theo lộ trình cơ chế thị trường.

Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau; làm tốt công tác thông tin truyền truyền; đặc biệt các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các ngành, địa phương phải tăng cường hơn nữa thông tin cho  các phương tiện thông tin đại chúng về những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của mình trong lĩnh vực mình phụ trách để cho người dân biết, dân hiểu và tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển-xã hội chung của đất nước.

“Trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phải luôn lấy yếu tố con người là trung tâm, là quyết định”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, các Bộ, ngành hữu quan, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 để Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.

(Theo Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi