Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không né tránh "va chạm", đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nếu triển khai thực sự hiệu quả, lợi ích của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là rất lớn, có thể tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCN phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Tại “Hội nghị giao ban các bộ, ngành về rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30” chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách về cải cách thủ TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Kết quả rà soát 256 thủ tục hành chính ưu tiên cho thấy nếu triển khai thực sự hiệu quả, lợi ích của việc đơn giản hóa TTHC là rất lớn, lên tới 6.000 tỉ đồng/năm.

“Như vậy, lợi ích tiềm năng của việc đơn giản hóa trên 5.400 TTHC còn lại có thể tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, nếu chúng ta đưa ra được các phương án cải cách hiệu quả, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý. Vì thế, mục tiêu cắt giảm 30% TTHC và 30% chi phí là có thể đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Bộ Tài chính “đi đầu”

Theo Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, trong quá trình thực hiện rà soát, nhiều bộ, ngành đã tích cực, chủ động đưa ra các phương án cắt giảm các TTHC thuộc phạm vi quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội...

Trong đó, riêng Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát 86/256 thủ tục, chiếm 1/3 tổng số các TTHC ưu tiên rà soát nhanh đợt này.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chánh văn phòng kiêm Tổ trưởng Tổ công tác cải cách hành chính Bộ Tài chính cho biết: Sau khi tham vấn Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị đơn giản hóa 95% thủ tục thuộc lĩnh vực Hải quan và 100% đối với lĩnh vực Thuế. Tính toán ban đầu cho thấy, ngành Tài chính sẽ giảm chi phí khoảng 2.100 tỉ đồng khi tiến hành đơn giản hóa TTHC.

Vẫn theo ông Chi, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành các văn bản pháp quy để sửa đổi, bổ sung các TTHC đã có phương án đơn giản hóa. Tuy nhiên, một số thủ tục do các bộ, ngành khác ban hành đã làm nảy sinh thủ tục của ngành Tài chính. Điều đó, đòi hỏi quá trình cắt giảm, sửa đổi phải tiến hành thật sự đồng bộ.

Không ngại “va chạm” với lợi ích cục bộ, cá nhân

Đại diện các Tổ công tác của các bộ, ngành đều cho hay, việc cắt giảm các TTHC là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng “va chạm” với không ít cán bộ của chính các cục, vụ của bộ, ngành mình bởi tư duy quản lý cũ và cả lợi ích cá nhân trong đó.

“Bản thân tôi đã mời một cán bộ cấp trưởng phòng của một cục trong Bộ GTVT ra về để xem xét lại khi anh ta nói rằng, thủ tục đó đã thực hiện hơn 20 năm nay, các ông biết gì mà cứ đòi cắt bỏ, sửa đổi”, ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 30 của Bộ GTVT kể lại.

Bà Đào Hồng Lan, Tổ trưởng Tổ cải cách TTHC Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, làm công việc này phải thực sự không ngại va chạm với các đơn vị khác và kiên quyết thì mới có thể cắt giảm các thủ tục không cần thiết được.

Trả lại kết quả rà soát TTHC không đạt yêu cầu

Nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án 30, ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng nêu rõ: Còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa vào cuộc nghiêm túc, phương án đơn giản hóa gửi tới Tổ công tác của Thủ tướng còn mang tính hình thức, chủ yếu thiên về hoàn thiện pháp luật, chưa mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục đem lại lợi ích cục bộ, chưa thực sự cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC.

“Vẫn còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng, do vậy nhiều bộ, ngành mặc dù đạt chỉ tiêu đơn giản hóa 90% các TTHC nhưng cắt giảm chưa tới 10% chi phí tuân thủ TTHC. Với cách làm này sẽ không đạt được chỉ tiêu Thủ tướng giao cho từng bộ, ngành”, ông Ngô Hải Phan cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, song song với việc cắt giảm 30% TTHC phải cắt giảm được 30% chi phí tuân thủ TTHC, thực sự đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng sẽ kiên quyết trả kết quả rà soát của bộ, ngành nào không đạt yêu cầu, chỉ tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải khắc phục ngay tình trạng một số cán bộ, công chức có dấu hiệu quan liêu, coi đây là công việc đột xuất của ngành mình, mà phải vào cuộc với tinh thần không ngại va chạm và đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

 

(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi