Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gỡ vướng cho 2 "không gian khoa học và sáng tạo"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, chậm nhất đến 15/4/2010, 2 khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và TP.HCM thống kê thành danh mục chi tiết những kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cần giải quyết, tháo gỡ nhanh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong tháng 4/2010 sẽ trực tiếp làm việc với 2 Khu CNC để có đánh giá chính xác về các nhu cầu của doanh nghiệp tại 2 khu CNC này - Ảnh: Chinhphu.vn

Sáng 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi buổi làm việc trực tuyến với 2 Khu CNC Hòa Lạc và TP HCM  để đánh giá thực trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đánh giá, nhìn lại 10 năm triển khai, kết quả đạt được của 2 Khu CNC rất đáng trân trọng, chứng tỏ chủ trương xây dựng Khu CNC là đúng đắn. Trên cơ sở đó, có thể tổng kết về công tác xây dựng Khu CNC, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách làm đòn bẩy cho KHCN phát triển trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết Khu CNC chỉ thực sự chuyển động mạnh mẽ từ năm 2007 với nhiều đầu tư và quy hoạch cụ thể. Trong số hơn 2000 người thường xuyên làm việc tại Khu CNC này, đa số là các kỹ sư, tiến sĩ và các nhà nghiên cứu nước ngoài.

Theo Quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500 dự kiến được hoàn thành trong năm 2010, Khu CNC Hòa Lạc sẽ gồm 10 khu chức năng chính và bước đầu sẽ giao cho các nhà đầu tư như Viện KHCN Việt Nam, Đại học KHCN Hà Nội, các doanh nghiệp như Vinashin, Viettel, FPT, Vinagame…

Hiện, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu tắc nghẽn gây nhiều bức xúc nhất tại Khu CNC Hòa Lạc. Thậm chí, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù trước đây nay tiếp tục tái lấn chiếm để yêu cầu tiền đền bù thêm. Ông Nguyễn Văn Lạng cho biết, năm 2009 công tác này gần như rơi vào bế tắc.

Còn tại Khu CNC TP.HCM, tiến độ xây dựng và triển khai khả quan hơn. Với khẩu hiệu: “Hướng tới một không gian khoa học và sáng tạo”, Khu CNC TP. Hồ Chí Minh hiện giải quyết 8.280 việc làm thường xuyên, thu hút 1,7 tỷ USD đầu tư (bình quân 42,7 triệu USD/1 dự án và 18,2 triệu USD/1 ha đất). Năm 2009 Khu CNC đã xuất khẩu được 259 triệu USD với sự đóng góp khá lớn của Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ).

Trong thời gian tới, Khu CNC TP.HCM đề nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu “đặc biệt” nhằm thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư dự án “Làng Khoa học và Công nghệ Việt kiều” tại Khu CNC này.

Khu CNC TP.HCM: Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, ngân sách Trung ương đã chi 830 tỷ đồng, TP.HCM đã chi 2.997 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và khoảng 800 tỷ đồng cho các hoạt động khác.

Khu CNC Hòa Lạc: Rộng 1586ha (đất sạch là 845ha), tổng kinh phí đầu tư tính đến 31/12/2009 là 1.484 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 1.200 tỷ đồng.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Văn phòng Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản về Khu CNC. 

Dự kiến, trong tháng 3 - 4/2010, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì các cuộc họp để nghe ý kiến của đại diện 2 Khu CNC, quan điểm của 2 UBND Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về các chính sách liên quan, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp tại 2 khu CNC này.

Đồng thời, Văn phòng Chính phủ thông báo với UBND TP Hà Nội, trong tháng 4/2010 sẽ tổ chức một cuộc họp riêng về công tác giải phóng mặt bằng, với mục tiêu tới 2012 phải giải phóng xong mặt bằng ở khu CNC Hòa Lạc.

Năm 2010, cả 2 khu CNC cần tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư thu hút chất xám của người nước ngoài. Phó Thủ tướng ủng hộ về nguyên tắc việc xây dựng “Làng Khoa học và Công nghệ Việt kiều” tại TP.HCM.

Về vốn đầu tư cho 2 Khu CNC, Phó Thủ tướng yêu cầu cuối tháng 4/2010, Ban quản lý của cả 2 Khu CNC phải có báo cáo cụ thể về nhu cầu vốn trong thời gian tới để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Chậm nhất vào 15/4/2010, 2 Khu CNC thống kê thành danh mục chi tiết những kiến nghị về chính sách cần giải quyết, tháo gỡ nhanh, qua đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ trong tháng 6/2010.

(Theo Từ Lương // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi