Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 16/3, Quốc hội khóa XII sẽ họp kỳ họp thứ 7 từ ngày 20/5-25/6, trong đó, xem xét, thông qua 12 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật.
Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn |
Sẽ thảo luận văn kiện trình Đại hội Đảng và 2 dự án lớn
Theo ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký Kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 29 ngày rưỡi, xem xét, thông qua 12 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật, xem xét và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn và một số vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục được thực hiện theo nhóm vấn đề với nhiều cải tiến, từng được các đại biểu và cử tri đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của cử tri, dư luận xã hội.
Vẫn theo ông Trần Đình Đàn, để khắc phục từng bước hạn chế “chưa đào sâu, phân tích mổ xẻ đến nơi đến chốn, chưa đi vào gốc rễ của vấn đề”, tránh trường hợp “hỏi dài như phát biểu, trả lời như thuyết trình và giải trình” mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra khi tổng kết Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội sớm đề xuất các nhóm vấn đề cần quan tâm, thống nhất với Chính phủ về việc phân công người trả lời chất vấn, chuẩn bị có chất lượng các câu hỏi và trả lời.
Cũng tại Kỳ họp tới, theo chủ trương chung về lấy ý kiến hoàn thiện Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI, dự kiến các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiến hành thảo luận một số văn kiện trong thời gian 1 ngày rưỡi.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.
Không để chậm, nhưng không “cố ép”
Đóng góp ý kiến cho việc chuẩn bị Kỳ họp tới, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để việc xem xét, thảo luận các dự án luật, nghị quyết chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác của đất nước ngày càng chất lượng và hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan trình văn bản và cơ quan thẩm tra cần khẩn trương trình các Ủy ban của Quốc hội để tiến hành thẩm tra Luật Thủ đô, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh...
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu đều cho rằng, để nâng cao chất lượng xây dựng luật và xem xét những vấn đề quan trọng, các cơ quan soạn thảo cần sớm trình Quốc hội để thẩm tra, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước.
“Hiện nay còn một số dự án luật vẫn chưa được trình Quốc hội”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Quan điểm trên được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình và đề nghị việc bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng pháp luật cần đảm bảo chất lượng, thời gian để các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng, phối hợp thẩm tra cùng cơ quan khác.
“Có thực trạng là các cơ quan phối hợp thẩm tra ít khi được cơ quan soạn thảo gửi tài liệu, mà chủ yếu gửi cho cơ quan chủ trì thẩm tra. Việc này khiến cho cơ quan phối hợp thẩm tra không có thông tin, tài liệu để thảo luận”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phản ánh.
Vẫn theo bà Thu Ba, để nâng cao chất lượng thẩm tra, cơ quan được phối hợp thẩm tra cần có báo cáo thẩm tra độc lập của mình cho Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra.
Chốt lại những ý kiến nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến chất lượng của các văn bản trình Quốc hội. “Chúng ta kiên quyết không lùi thời gian việc trình và thẩm tra các văn bản, nhưng cần căn cứ vào thực tế các văn bản có đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội hay không chứ không nể nang, cố ép đưa vào”, ông nói.
(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com