Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa yên tâm về các giải pháp chống tham nhũng, lãng phí. |
Tiếp tục phiên họp thứ 35, cả ngày 30/9, sau khi nghe 9 báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn không đầy một giờ để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cùng kết quả công tác năm của các ngành tư pháp.
Tuy nhiên, vẫn có không ít hạn chế của các lĩnh vực trên được chỉ ra với sự quan ngại, lo lắng sâu sắc trước tình hình tội phạm, lãng phí và tham nhũng…
Nhân dân cũng tiêu xài lãng phí
Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, có 20 bộ, ngành và 7 tỉnh, thành phố mua mới 112 xe ôtô, tổng giá trị 26,7 tỉ đồng. Trong đó có 19 xe phục vụ công tác chung với giá trị 9,6 tỉ đồng và 93 xe chuyên dùng với giá trị 17,1 tỉ đồng.
“Việc mua sắm xe ôtô thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ”, Bộ trưởng khẳng định.
Chính phủ cũng đánh giá, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã dần đi vào nề nếp, tình trạng sử dụng sai mục đích, lãng phí từng bước được chấn chỉnh, khắc phục. Bộ Tài chính đã phối hợp với các địa phương tiến hành thu hồi do sử dụng không hiệu quả hơn 1 triệu m2 đất và hơn 356.000m2 nhà.
Tuy nhiện, hiện tượng buông lỏng quản lý gây lãng phí tiền, tài sản Nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và tình trạng tiêu xài lãng phí trong nhân dân vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển đất nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Chính phủ nhìn nhận.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng “vẫn còn nhiều lãng phí”. Khá nhiều bộ, ngành địa phương phân bổ và giao dự toán vượt định mức, chi tiêu vượt dự toán, sử dụng sai nguồn kinh phí, vượt tiêu chuẩn, chế độ quy định.
Để Quốc hội đánh giá xác thực hơn
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ tám tới đây dự kiến sẽ bố trí 1 ngày rưỡi để Quốc hội nghe và thảo luận những báo cáo quan trọng nói trên. Vậy nên phải đánh giá thật chính xác thực trạng và làm rõ trách nhiệm trong từng lĩnh vực.
Đa số ý kiến thảo luận cho rằng, việc chuẩn bị các báo cáo năm nay đã có “tiến bộ hơn mọi năm”. Song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị “các ngành có thể nâng cấp 1 chút để giúp Quốc hội có đánh giá xác thực hơn”.
Lo lắng của vị chủ nhiệm này xuất phát từ “bức tranh tội phạm là sự đau lòng”, tội phạm giết người tăng và nguyên nhân dẫn đến giết người nhiều khi rất đơn giản. Trách nhiệm của xã hội thế nào?, nếu không nhận thức đúng được vấn đề thì đây là nguy cơ rất lớn, ông Thuận lo ngại.
“Thực sự lo lắng về trật tự xã hội” Trưởng ban Dân Nguyện Trần Thế Vượng đồng cảm với quan ngại của Chủ nhiệm Thuận. Khi ngày càng có nhiều vụ giết người quá dã man, có cả lý do “giết người vì buồn” hay cả nữ học sinh 14 tuổi cũng trở thành sát nhân chỉ vì cần tiền chơi game…
Tình hình tội phạm hết sức nghiêm trọng đến mức báo động như vậy thì đánh giá thế nào, nếu chỉ nói là do mặt trái của cơ chế thị trường thì có đủ không?, ông Vượng nêu câu hỏi.
Với tình hình chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba lo ngại trước thực trạng chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện được hành vi tham nhũng. Trong tổng số 373 bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, chỉ có 0,3% cán bộ cấp trung ương. 166/479 bị cáo đã xét xử được hưởng án treo…
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng tỏ rõ sự đồng cảm khi cơ quan thẩm tra nêu băn khoăn của dư luận về tính khách quan trong việc tham mưu xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật và cho rằng có biểu hiện cục bộ trong việc bảo vệ lợi ích của một nhóm người.
“Có thể dư luận chưa chắc đã đúng nhưng tôi đề nghị làm rõ vấn đề này”. Rồi ông Vượng phân tích quá trình lập đồ án quy hoạch Thủ đô, lúc đầu rộ lên trục tâm linh (trục Thăng Long), đẩy giá đất ở Ba Vì lên ngút trời. Sau đó khi thảo luận Quốc hội không đồng ý thì giá đất lại tụt xuống dưới vài chục lần. Vì thế nên dư luận cho rằng “nhiều anh giàu lên rất nhanh từ cái trục này”.
“Để dư luận đặt ra vấn đề như thế là hết sức đáng suy nghĩ”, ông Vượng nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý làm rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế như tình trạng án oan sai, phải cải sửa, hủy chưa giảm. Hay với tội tham nhũng, việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo có nơi lên đến hơn 70%.... Đồng thời đề nghị các cơ quan chuẩn bị báo cáo và cơ quan thẩm tra nên có sự thống nhất về số liệu cũng như một số vụ việc cụ thể khi gửi đến đại biểu Quốc hội.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com