Sau 2 năm thực hiện thí điểm, Việt Nam sẽ sớm chính thức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cả nước, tạo cơ sở kinh tế bền vững để bảo vệ, phát triển rừng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việt Nam sẽ sớm chính thức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cả nước - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thông tin này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại Hội thảo quốc tế về chi trả dịch vụ môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp một số tổ chức quốc tế tổ chức hôm nay (21/6) tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
“Với diện tích che phủ bình quân hơn 39%, địa bàn sinh sống của hơn 25 triệu người, rừng Việt Nam có các chức năng và giá trị rất lớn về môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và kinh tế xã hội. Chính phủ Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược là phải bảo vệ và phát triển rừng, gắn liền với xóa đói giảm nghèo và đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ quan trọng này”, Phó Thủ tướng nói.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) là một trong những hướng đi quan trọng thực hiện mục tiêu quy hoạch khoảng 44% diện tích của quốc gia cho phát triển lâm nghiệp.
Chính sách này (thể hiện tại Quyết định 380/2008/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng) là chính sách đầu tiên về lâm nghiệp coi việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ.
Mọi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức được sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ này phải trả tiền trực tiếp cho những người cung ứng dịch vụ (các chủ rừng và các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng).
Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm chính sách PES, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực và những bài học kinh nghiệm ban đầu, đặc biệt là sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, các hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo rất phấn khởi, đồng tình. Nhiều hộ dân hưởng chính sách thí điểm đã xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển.
Phó Thủ tướng biểu dương những đối tượng thực hiện và những kết quả tích cực trong quá trình triển khai Quyết định 380 cũng như khẳng định chủ trương tiếp tục hoàn thiện, mở rộng chính sách này. Đồng thời đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đề nghị các tổ chức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện chính sách PES sau khi được nhân rộng trên cả nước.
Khuyến khích cơ chế tự nguyện cung cấp dịch vụ
Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo từ các tổ chức quốc tế, quốc gia trong khu vực đều hướng tới mục tiêu xây dựng một khuôn khổ chính sách chung để các quốc gia trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao được nhận thức xã hội về chính sách PES.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn sơ khai, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dịch vụ môi trường rừng đa dạng, có nhiều dịch vụ cần Nhà nước thay mặt các đơn vị thụ hưởng trả”, đại diện đến từ Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á nêu quan điểm.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, cho đến nay, các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thuỷ điện, công ty cung cấp nước…) đã đồng thuận cao với chính sách thí điểm, thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc chi trả tiền dịch vụ.
Người dân thực hiện việc tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên hơn; đơn vị chủ rừng, hộ nhận khoán và chính quyền địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở hai tỉnh thí điểm đã giảm đáng kể.
Với sự kết hợp hai nguyên tắc này trong áp dụng chính sách PES, năm 2009 tỉnh Lâm Đồng thực hiện chi trả 203.335 ha và hơn 8.000 hộ bảo vệ rừng được thụ hưởng với mức bình quân 8,1-8,7 triệu đồng/năm, gần gấp 3 lần so với thu nhập nhận khoán trước đây, đại diện từ Lâm Đồng cho biết.
Các ý kiến từ các nước cũng cho biết, những kết quả sau 2 năm thực hiện chính sách PES ở Việt Nam đang trở thành nơi để các nước trong khu vực học hỏi kinh nghiệm và mô hình này sẽ sớm được nhân rộng ra các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, Campuchia và Thái Lan.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có các đánh giá, góp ý về cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng của PES, cơ chế thực hiện chi trả DVMTR đối với các đối tượng là ban quản lý rừng, doanh nghiệp thuê rừng, phương pháp tính toán khoa học, công khai, dân chủ và công bằng cho mức chi trả của từng loại hình dịch vụ./.
Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng được áp dụng thí điểm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng chi trả PES là các nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn, các công ty, chi nhánh cấp nước Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), các tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ… Số tiền thu được từ việc chi trả trực tiếp PES sau khi thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, người được chi trả có toàn quyền quyết định để đầu tư vào việc bảo vệ, phát triển rừng... |
(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com