Ngày 29/1, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2010, chủ nhà WEF Đông Á 2010 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Những câu trả lời cặn kẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đáp ứng được sự mong đợi của giới truyền thông quốc tế - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng đánh giá cao WEF Davos 2010 đã lựa chọn các chủ đề rất có ý nghĩa, thảo luận về các giải pháp phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững thời kỳ hậu khủng hoảng và những năm tiếp theo, trong đó có tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn; tái định hình nền quản trị toàn cầu; an ninh lương thực thế giới; xây dựng cộng đồng Đông Á.
Việc nhiều nhà lãnh đạo thế giới, các học giả danh tiếng, các tập đoàn hàng đầu thế giới quy tụ tại Davos để bàn thảo những vấn đề thiết thực nhất của thế giới đã khẳng định uy tín và sự phát triển thành công của WEF trong 40 năm qua.
Cảm ơn Diễn đàn Kinh tế thế giới đã lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Diễn đàn kinh tế Đông Á năm 2010, Thủ tướng cho biết: Diễn đàn sẽ được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, một thành phố lớn, thân thiện, năng động, có tốc độ tăng trưởng cao. Chính phủ Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Diễn đàn kinh tế thế giới để xây dựng một chương trình nghị sự hữu ích cho các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, các học giả và giới truyền thông quốc tế tham dự Hội nghị.
Về việc Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN từ 1/1/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động", thể hiện phương châm hành động xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010.
Theo đó, trọng tâm và ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 sẽ là việc triển khai Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, tăng cường hợp tác để ứng phó với những biến động toàn cầu, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối tác của ASEAN trên tinh thần thúc đẩy vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển đến bạn bè quốc tế thông điệp của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển và mong các nước tích cực hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò này.
Về kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, an sinh và phúc lợi xã hội được coi trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 12%; chính trị xã hội tiếp tục được ổn định; đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, hiện nay Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; huy động các nguồn lực để xây dựng đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, y tế, giáo dục, thủy lợi; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ, thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng mạnh vào phát triển theo chiều sâu chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý hiện đại, nâng cao giá trị nội địa và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Thủ tướng giải đáp cặn kẽ trước sự quan tâm của các nhà báo quốc tế về các biện pháp của Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2010, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo an sinh xã hội.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Israel về việc trong tương lai, đứng trên góc độ toàn cầu, liệu có đồng tiền nào thay thế đồng USD của Hoa Kỳ và đã đến thời điểm ra đời đồng tiền chung châu Á? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là những ý tưởng rất đáng chú ý, song cần phải có thêm thời gian nữa mới nên tính đến chuyện này.
Trước sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế về việc liệu Việt Nam có phá giá đồng tiền của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam thực hiện tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, điều hành linh hoạt để vừa duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và kiểm soát được lạm phát.
(Theo Việt Đông // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com