Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vùng kinh tế trọng điểm phải đi trước, về trước

Đi trước, về trước và tạo được sự lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội cả nước là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động điều phối phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) hiện nay.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Cả nước có 4 vùng KTTĐ (Bắc – Trung – Nam – Đồng bằng sông Cửu Long) gồm 24 tỉnh, thành, tổng diện tích gần 90.400 km2, dân số 43,7 triệu người. Hiện các vùng KTTĐ này đang gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Hôm nay (16/3), tại Hội nghị Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và 24 tỉnh, thành đại diện cho các vùng KTTĐ, các biện pháp khơi thông 3 điểm nghẽn này để tạo đột phá cho sự phát triển của các vùng KTTĐ đã được bàn tới. 

Trong giai đoạn 2005-2009, tốc độ tăng trưởng GDP các vùng KTTĐ đạt 12,5%, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP cả nước là 7%. GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 29,5 triệu đồng/người so với mức bình quân cả nước đạt 19,4 triệu đồng/người.

Kim ngạch xuất khẩu chiếm 91,4% của cả nước.

Khắc phục bất cập về quy hoạch, hạ tầng và lao động

Đa số quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cho các vùng KTTĐ đã được xây dựng từ trước năm 2004.

Hiện các quy hoạch đang bộc lộ khá rõ những bất cập, thiếu tính kết nối trong bài toán phát triển nội vùng và liên vùng, nhất là trong phân bố xây dựng các dự án năng lượng, hạ tầng giao thông. 

Lãnh đạo của các địa phương đều cho rằng đã đến lúc phải sớm xây dựng những quy hoạch tổng thể mới, phù hợp với những thay đổi lớn về bối cảnh, nhiệm vụ phát triển trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết Bộ sẽ tập trung sửa đổi trong quy hoạch mới và đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch của mình và các ngành tổ chức xây dựng quy hoạch ngành trên các vùng KTTĐ để phối hợp hiệu quả.

Hạ tầng liên vùng, đặc biệt là giao thông kết nối, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải của vùng KTTĐ cũng được kiến nghị cần khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai. Hệ thống đường cao tốc, đường kết nối, đường bộ ven biển đều đã có quy hoạch nhưng nhìn chung không đạt được tiến độ yêu cầu, dẫn tới sự mờ nhạt trong gắn kết và liên thông trong vận tải, lưu chuyển giữa các địa phương.

Một thực trạng hiện nay được phản ánh là tình trạng thiếu lao động phổ biến ở các trung tâm kinh tế, nhất là vùng KTTĐ phía Nam đang thiếu cả lao động phổ thông lẫn lao động chất lượng cao. Trong khi đó, việc xây dựng các Trung tâm đào tạo lao động cũng như hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đều chủ yếu dừng ở việc xây dựng kế hoạch.

Phát triển các vùng KTTĐ tạo sự lan tỏa phát triển KT-XH cho cả nước - Ảnh minh họa

Vùng KTTĐ phải đi trước, về trước

 “Đi trước, về trước và tạo được sự lan tỏa cho phát triển KT-XH cả nước là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động điều phối phát triển cả 4 vùng KTTĐ hiện nay”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Tán thành với những phản ánh, kiến nghị từ các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch phát triển các vùng, tạo sự phù hợp với tình hình mới.

Đây cũng là dịp để các địa phương cùng xem xét và nhận định lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình để tạo sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong đầu tư phát triển cả vùng hoặc liên vùng.

Tương tự, đối với 2 thách thức lớn đòi hỏi giải quyết căn cơ, kịp thời đối với các vùng KTTĐ là xây dựng hạ tầng và nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề kế hoạch đồng bộ, dài hơi và công tác chuẩn bị dự án đi trước một bước, giúp các địa phương sớm xác định nhu cầu, chủ động thu hút hiệu quả các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư.

“Là địa bàn có khả năng thu hút mạnh các dự án ODA và FDI, các địa phương trong vùng phải xem làm tốt công tác đối ứng, giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm trong bài toán phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và năng động nhất cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong các vấn đề tổng thể nêu trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét, tháo gỡ những vướng mắc đang gây cản trở đối với sự phát triển hoặc phối hợp đồng bộ trong và giữa các vùng KTTĐ.

Cụ thể như kế hoạch triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, cơ chế liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, kế hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp và thoát nước toàn vùng, công tác thông tin, chỉ đạo điều hành từ các tổ điều phối các hoạt động chung của các vùng KTTĐ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Nhà máy xử lý rác Công ty CP Môi trường Đồng Xanh - Ảnh: Chinhphu.vn

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới thăm một mô hình xử lý chất thải rắn tại Đồng Nai là Nhà máy xử lý rác Công ty CP Môi trường Đồng Xanh. Dự án xử lý rác thải thành phân vi sinh này đã đi vào hoạt động 2 năm với công suất hiện tại đạt hơn 400 tấn/ngày, xử lý 75% lượng rác thải sinh hoạt của TP. Biên Hòa./.

(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi