![]() |
Đa số người LĐKT thường chăm chỉ, tận tâm với công việc, ít vắng, trễ, do vậy ít xảy ra tai nạn hay sự cố trong công việc |
Tại hội thảo Giới thiệu hội đồng tư vấn người sử dụng lao động cho người khuyết tật, do VCCI tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều DN thừa nhận lao động khuyết tật (LĐKT) có kỹ năng và hiệu suất công việc không khác gì người bình thường. Nhưng thực tế nhiều DN đang thiếu lao động lại không nhắm đến nguồn LĐKT còn rất dồi dào này. Vậy ích lợi của việc sử dụng LĐKT là gì?
Nhân lực nhiều, sử dụng ít
Ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, Việt Nam có khoảng 6 triệu lao động khuyết tật, trong đó 80% không kiếm được việc làm. Thực tế cho thấy, phần lớn LĐKT đều có khả năng lao động, thậm chí không ít người còn làm việc giỏi, hiệu suất cao hơn hẳn người thường. Vấn đề quan trọng là phải tạo cơ hội cho họ, để họ có điều kiện thể hiện mình.
Ông Robert phân tích thêm, mặc dù nhiều lợi ích như vậy, nhưng việc sử dụng LĐKT trong các DN hiện vẫn hạn chế. Vì sao DN đang thiếu lao động, trong khi nguồn LĐKT có kỹ năng, tay nghề dồi dào họ lại e ngại sử dụng. Vấn đề ở đây chính là thái độ và cách nhìn nhận. Sự nhìn nhận không đầy đủ về người khuyết tật đã dẫn đến sự e ngại khi dùng nguồn lao động này, thậm chí nó tồn tại ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ. Ở Mỹ có 50 triệu người khuyết tật, chiếm 20% dân số, nhưng chỉ có khoảng 50% số người khuyết tật có việc làm.
Ông Rober Horvath - Hội Trợ giúp người khuyết tật VN cho biết sẽ có hàng loạt lợi ích cho DN và xã hội khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Cụ thể, khi dùng LĐKT, DN sẽ giảm chi phí nhân công hơn so với người bình thường. Đa số người LĐKT thường chăm chỉ, tận tâm với công việc, ít vắng, trễ, do vậy ít xảy ra tai nạn hay sự cố trong công việc. Mặt khác, LĐKT thường làm việc thủy chung, không muốn thay đổi, vì thế DN không lo bị xáo trộn, khủng hoảng lao động mỗi dịp cao điểm. Về mặt xã hội, đa phần người khuyết tật nằm trong đối tượng nghèo nhất của xã hội, trở thành gánh nặng về kinh tế… Khi được đi làm, chính họ sẽ gián tiếp làm giảm gánh nặng phúc lợi xã hội, đồng thời lại trực tiếp nộp thuế, tăng nguồn thu. Hơn nữa, khi người khuyết tật đi làm, họ sẽ có tiền chi tiêu, mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt khi có việc làm, tâm lý họ sẽ tự tin hơn, không còn mặc cảm và vui vẻ sống, cống hiến cho xã hội.
Đâu là rào cản?
Ông Greig Crapt- Chủ tịch tập đoàn Protec tại VN tâm sự về chính đứa con khuyết tật của mình. Con trai ông vì một tai nạn bỗng nhiên thành người tàn tật, phải ngồi xe lăn. Nhưng dù nó bình thường hay khuyết tật thì nó vẫn là con ông, vẫn được bình đẳng. Thế nên, ông Greig rất ngạc nhiên khi nhiều người tới thăm nhà máy sản xuất nhãn hiệu mũ bảo hiểm Protec rất nổi tiếng của ông đã khóc. Hỏi ra thì họ trả lời vì thấy dưới sàn nhà máy có nhiều LĐKT quá. Ông Greig bảo, nếu đã coi họ bình thường như bao người bình thường khác thì sao phải xúc động. Vấn đề ở đây là cái tâm lý sẻ chia, thương hại người khuyết tật đã tồn tại sâu trong tâm trí. Chính tâm lý này là sự bất bình đẳng, làm người khuyết tật rất buồn. Thế nên, theo Greig, phải giáo dục cho trẻ em có cái nhìn bình thường về người khuyết tật để không có sự phân biệt.
Ông Trần Mạnh Huy – giám đốc chi nhánh FPT Đà Nẵng tâm sự rằng bản thân ông cũng là người khuyết tật và cũng phải cố gắng rất nhiều để vươn lên để đạt được kết quả như ngày hôm nay. Xã hội luôn tạo sự công bằng cho người khuyết tật. Vấn đề là tự mỗi người phải dũng cảm vượt qua khó khăn của mình để vươn lên khẳng định. Công ty của ông Huy nhận rất nhiều LĐKT với lý do họ làm được việc. Ông Huy nói: “Lao động chưa học hết lớp 12 cũng được chúng tôi coi là khuyết tật (khuyết tật về mặt xã hội). Với trình độ này, các em khó mà kiếm được việc làm. Nhưng với chúng tôi, chúng tôi sẽ nhận, sẽ đào tạo thêm kỹ năng nghề nghiệp cho các em”.
Rào cản lớn nhất khiến người khuyết tật không kiếm được việc làm chính là thái độ, suy nghĩ tiêu cực của DN. Nhiều DN nhận LĐKT vì yếu tố tình thương là chính chứ không xuất phát từ lợi ích công việc. Họ cho rằng người khuyết tật vốn đã thiếu về thân thể, lại không được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, giao thông, các công trình xây dựng, bản thân hay tự ti, thế nên khó có hiệu suất công việc như người thường. Ông Robert cho biết, nhận thức như vậy là bất bình đẳng, và phải thay đổi cách nhìn. Phải xem người LĐKT không phải là gánh nặng xã hội. Người VN có câu nói rất hay, “tàn mà không phế”. Những NKT, họ cũng có kỹ năng, kiến thức và khả năng lao động như người bình thường, vậy thì vì sao lại e dè sử dụng họ? Ông Robert kết luận, DN chỉ cần thay đổi cách nhìn, sẽ khai thác được nguồn LĐKT rất dồi dào và hiệu quả này.
(Theo Tâm Vũ // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com