Tin cô giáo Hằng (Trường THCS Tân Hào, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) đoạt giải cuộc thi Giáo viên thế giới làm cả xóm chợ Hương Ðiểm xôn xao. Ðồng nghiệp, hàng xóm qua nhà chúc mừng tíu tít. Giải thưởng của cuộc thi là suất học bổng để tham gia khóa học phát triển kỹ năng giảng dạy dành cho giáo viên của Viện Bell International.
Cuộc thi "Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL" năm học 2009 -2010 được phát động vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Ðối tượng dự thi là các giáo viên đang tham gia giảng dạy trong chương trình giáo dục bắt buộc (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có trình độ tiếng Anh tối thiểu ở cấp độ trung cấp (cấp độ B2 theo Khung Trình Ðộ Chung Châu Âu, tương đương FCE của Cambridge ESOL). Chủ đề xoay quanh việc cảm nhận được gì nếu tham gia vào khóa học trau dồi kỹ năng dành cho giáo viên dạy tiếng Anh toàn thế giới. Cô giáo Lê Xuân Hằng (Trường THCS Tân Hào, xã Tân Hào, Giồng Trôm) vượt qua hơn 2.000 bài viết của giáo viên trên khắp thế giới, đứng hàng thứ hai trong danh sách năm thí sinh đoạt giải đặc biệt cuộc thi.
Hằng kể, cô tình cờ được biết về cuộc thi nói trên tại buổi họp hội đồng sư phạm ở trường. Khi thầy Hiệu phó phổ biến công văn của Sở GD - ÐT Bến Tre về cuộc thi cho các giáo viên, thầy có nói vui là nếu không đoạt giải thì biết đâu cũng được bộ tài liệu. Vì đang "khát" tài liệu dạy học nên ngay đêm đó, khi vừa soạn xong giáo án, cô truy cập ngay vào địa chỉ Website được công bố. Ý tưởng chính của bài dự thi bỗng dưng toát lên và cô liền viết ra một mạch. Cô cho rằng, cơ hội để tham gia khóa học chính là cơ hội để chia sẻ. Ðiều cô muốn sẻ chia cùng đồng nghiệp khắp thế giới là mình đã phải gặp nhiều khó khăn như thế nào khi dạy tiếng Anh ở một trường vùng sâu, nơi mà ngoài sách giáo khoa và sách bài tập, còn rất thiếu sách vở tham khảo, nhất là sách ngoại văn. Những gì dạy học sinh cũng chỉ là những gì cô được học ở trường cao đẳng, trường đại học. Cô thú thật rằng 10 năm nay, mình chưa có cơ hội tiếp xúc với một người nước ngoài nào, may chăng là một lần duy nhất có ông "Tây ba-lô" ghé vào thăm trường. Và cô cũng nói rất thật rằng, cô cũng không có đủ kỹ năng tiếng Anh để chia sẻ hết những khó khăn ấy với đồng nghiệp. Cô ước mơ được chính người Anh hướng dẫn mình cách nói tiếng Anh, phương pháp giảng dạy, cách truyền thụ tiếng Anh như thế nào là tốt nhất, đặc biệt với trẻ em vùng sâu... Không nghĩ ngợi gì nhiều, cô viết đúng như những gì mình vẫn cảm nhận. Bài viết được hoàn thành và gửi đi ngay trong đêm và cô không hy vọng mình sẽ đoạt giải. Hằng nói: "Cuộc thi sẽ có 105 thí sinh đoạt giải, trong đó có năm giải đặc biệt, còn lại giải khuyến khích và phần thưởng của giải này là bộ tài liệu về phương pháp dạy tiếng Anh. Tôi tham gia, với hy vọng được bộ tài liệu từ Trường Ðại học Cambridge là mừng lắm rồi".
Theo nhận xét của Ban giám khảo, bài viết của cô giáo Hằng tuy chỉ 150 từ nhưng đã thể hiện sâu sắc những lợi ích mang lại cho giáo viên và học sinh khi tham dự các chương trình nâng cao nghiệp vụ giáo viên. Và cũng chính "sự thổ lộ riêng tư nhưng rất thật" của người viết đã thật sự thuyết phục mọi thành viên trong ban giám khảo.
Mười năm trước, sau khi tốt nghiệp khoa Anh văn, cô sinh viên Lê Xuân Hằng của Trường CÐ Sư phạm tỉnh Bến Tre đã tình nguyện về nhận nhiệm vụ ở Tân Hào. Ðây là xã vùng sâu của tỉnh Bến Tre, trong kháng chiến là vùng căn cứ cách mạng đặc biệt - nơi khai sinh Ðội du kích Tân Hào. Kể về kỷ niệm mười năm đứng trên bục giảng, Hằng cho biết, cô đến với nghề giáo theo nguyện vọng của ông ngoại là Cựu chiến binh Lê Ngọc Xương. Vốn là bộ đội từng được dân Tân Hào cưu mang, ông Xương luôn mong muốn con cháu mình làm giáo viên và về dạy cho con em Tân Hào cái chữ, để phần nào đền đáp công ơn của những người nông dân chân lấm tay bùn một lòng nuôi bộ đội, trong đó có ông. Hằng tâm sự: Khi ông mất, cô chỉ mới hai tuổi nhưng vẫn nhớ in lời ông trăng trối. Mong muốn của ông ngoại đã thôi thúc cô đến với Tân Hào ngay sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Ngày cô Hằng đi, ba mẹ đã gạt nước mắt cho con vào vùng sâu để đem con chữ đến với các em học sinh. Những ngày đầu đến với xã vùng sâu này, mọi thứ đều lạ lẫm, thiếu thốn, Hằng tưởng mình không thể vượt qua. Nhưng những bỡ ngỡ ban đầu trôi qua rất nhanh, chính tình cảm chân thành của người dân đất bưng biền đã níu chân cô ở lại nhiều năm qua, động viên cô say mê, yêu nghề hơn.
Thầy Võ Văn Chẳm, Hiệu trưởng THCS Tân Hào cho biết, Hằng là giáo viên rất tận tâm với nghề, từng bốn lần liên tiếp đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, là một trong số giáo viên nòng cốt của bộ môn tiếng Anh của trường. Là trưởng nhóm Anh văn của trường, cô giáo Hằng luôn trăn trở làm thế nào để truyền thụ kiến thức tốt nhất cho các em học sinh. Cô và các đồng nghiệp đã áp dụng nhiều phương pháp khuyến khích các em viết bài những môn học khác bằng vốn từ tiếng Anh, viết nhật ký bằng tiếng Anh để học từ vựng; trao đổi bằng tiếng Anh để luyện nói... Tuy nhiên, với môn nghe thì cả học trò và cô giáo ở nông thôn như Tân Hào đều chỉ có một kênh duy nhất là nghe qua máy Cassette.
Mười năm đứng lớp, nhưng đến giờ, vợ chồng Hằng vẫn còn ở nhờ trong căn nhà lá tuềnh toàng của một đồng nghiệp. Chồng cô giáo, thầy Nguyễn Ðức, cũng là giáo viên Trường THCS Tân Hào. Hai người đều là dân Bến Tre nhưng học xong thì về Tân Hào dạy học. Trước, anh chị vốn học chung khóa, chung trường THPT Nguyễn Ðình Chiểu nhưng "chỉ thấy mặt quen quen". Sau rồi cứ cùng nhau cuối tuần về thăm nhà, đi riết mà thành duyên chồng vợ. Hai thầy cô đã có với nhau một bé trai đang học lớp một, lại cùng nhau học xong khóa tại chức đại học do trường Ðại học Ðà Nẵng mở. Ba năm vừa xong, chẳng hè nào là hai vợ chồng không miệt mài đi học.
Với giải nhất cuộc thi "Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL", cô Hằng sẽ tham gia khóa học hai tuần tại Học viện ngôn ngữ Bell International vào tháng 7 tới. Khóa học không những giúp giáo viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mà còn là cơ hội để các giảng viên quốc tế cùng nhau học hỏi và trao đổi về phương pháp giảng dạy. "Ðây cũng là cơ hội tốt để tôi có thể nâng cao vốn tiếng Anh khi được giao tiếp với người Anh bản xứ", cô Hằng cho biết.
(Theo TRẦN HỮU NÊN // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com