Cần nhìn nhận vấn đề người khuyết tật một cách toàn diện cả ở góc độ y tế và xã hội, giúp họ chủ động hòa nhập và có cơ hội bình đẳng tham gia các hoạt động trong cộng đồng.
![]() |
Đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ công cộng |
Phải xóa được “rào cản” cho người khuyết tật
Thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật chiều nay 28/5, các đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận), Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, trên thực tế người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể.
Do đó, các ĐB đề nghị cần nhìn nhận vấn đề người khuyết tật toàn diện hơn cả ở góc độ y tế và góc độ xã hội nhằm giúp họ chủ động hòa nhập và có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.
Nhấn mạnh chính sách đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải tiến tới giảm thiểu, xoá bỏ các rào cản với họ, ĐB Bùi Thị Lê Phi (Cần Thơ) cho rằng dự thảo Luật phải có những quy định rõ hơn về việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận với các công trình công cộng, nhà chung cư, phương tiện giao thông công cộng...
Đối với các công trình công cộng và các phương tiện đã đưa vào sử dụng thì phải quy định rõ lộ trình cụ thể về cải tạo, điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật.
Việc làm cho người khuyết tật: Không thể trông chờ lòng hảo tâm
Giải quyết việc làm, sử dụng lao động là người khuyết tật là nội dung mà nhiều ĐB tập trung góp ý.
Theo dự thảo Luật có 2 phương án trong vấn đề này: Phương án 1, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc; phương án 2, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% lao động là người khuyết tật.
Đa số ĐB Quốc hội nhất trí với phương án 1 và đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể chính sách khuyến khích, ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Danh Út (Kiên Giang) cho rằng quy định như vậy sẽ có tính khả thi hơn là quy định bắt buộc đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật.
Tuy nhiên cũng có ĐB lo ngại, bởi nếu chỉ trông chờ vào tính tự giác, lòng hảo tâm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì cơ hội có việc làm của người khuyết tật sẽ rất khó khăn, vì trình độ của họ thấp, phần lớn chưa qua đào tạo nghề... nên rất có thể doanh nghiệp không muốn nhận vào làm việc.
Về trách nhiệm đối với người khuyết tật, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc người khuyết tật chứ không chỉ tập trung vào trách nhiệm của Nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi lạm dụng sức lao động hoặc lạm dụng danh nghĩa trung tâm bảo trợ người khuyết tật để khai thác sức lao động của họ.
Dự thảo Luật Người khuyết tật đã được xem xét trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII. Tại kỳ họp này, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, gồm 10 chương, 54 điều; trong đó có thêm 1 chương mới – Chương II: Xác nhận khuyết tật.
(Theo Nguyễn Hoàng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com