Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hé mở khả năng tạo “bước đệm” cho nền kinh tế


Việc có hay không thực hiện gói kích cầu đang được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét.

Phương án triển khai gói kích cầu thứ hai đã được Chính phủ giao cho các bộ ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng trong thời gian tới.

Đó là thông tin được lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 1/9.

Tốc độ tăng trưởng đã cải thiện

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đó, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đều thống nhất về việc đánh giá tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm.

Các thành viên Chính phủ đánh giá, trong tháng 8/2009, nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng cao hơn so với tháng trước: sản xuất công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đạt mức tăng cao như: Đà Nẵng tăng 17,6%, Hà Nội tăng 16,8%, Thanh Hóa tăng 15,4%, Tp.HCM tăng 11,4%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua tăng 18,4%, xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, nhập siêu 5,1 tỷ USD - bằng 13,7% kim ngạch xuất khẩu. So với tháng 7/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,24%. So với tháng 12/2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,47%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, đạt khoảng 42,5% GDP, trong đó vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 6,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, mặc dù suy thoái kinh tế thế giới đã có dấu hiệu chững lại ở một số nước nhưng nhìn chung còn diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động đến tất cả các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, kém phát triển. Đà hồi phục của các nền kinh tế thế giới không ổn định và còn rất nhiều khó khăn.

Đối với kinh tế - xã hội trong nước, theo các thành viên Chính phủ, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng thấp, nhất là những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế thế giới.

Với lý do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giãn, miễn, giảm thuế; điều hành linh hoạt chính sách thuế, tiền tệ, tín dụng linh hoạt theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đang cân nhắc gói kích cầu thứ hai

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc kiến nghị có gói kích cầu thứ hai cũng đã được Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia và một số chuyên gia kinh tế đề xuất với Chính phủ.

Sau khi xem xét khả năng thực hiện, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, phân tích tính cần thiết và hợp lý của gói kích cầu này.

Tuy nhiên, theo như lời ông Bảo thì Chính phủ đang hé mở khả năng tạo một “bước đệm” cho nền kinh tế trong năm tiếp theo. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo.

Tăng giá xăng vẫn đúng quy định

Về việc tăng giá xăng dầu vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vừa rồi do giá xăng dầu thế giới tăng cao ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp, do vậy Bộ đã chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá để đảm bảo hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Cũng theo Thứ trưởng Nghiệp, đúng là Thông tư của Bộ Tài chính có quy định mỗi lần tăng giá xăng dầu không quá 500 đồng/lít, nhưng là trong điều kiện bình thường. Song, Thông tư cũng nói rõ, khi quỹ bình ổn giá chưa hoạt động, doanh nghiệp vẫn bị lỗ thì có thể tăng trên mức 500 đồng/lít.

Thứ trưởng Nghiệp cũng khẳng định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không lấy từ người tiêu dùng bởi, khi giá thị trường cao, doanh nghiệp bán giá thấp thì được trích một  phần từ quỹ để bù lỗ, khi giá thị trường thấp, doanh nghiệp bán ra giá cao thì phải trích một phần doanh thu đóng góp vào Quỹ bình ổn. Hoàn toàn không có chuyện người dân phải đóng thuế 2 lần cho xăng dầu.

Liên quan đến sự cố ngừng hoạt động nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, vừa qua, Ban Quản lý dự án, đại diện nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ đồng thời mời nhà thầu Technip xem xét tìm nguyên nhân để kịp thời khắc phục sự cố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xem xét đang được tiến hành nên chưa thể công bố được.

Tuy nhiên, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đang ở giai đoạn vận hành  thử, nhà thầu chưa bàn giao nên nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi có sự cố xảy ra.

Có thể cắt giảm thêm sân golfnếu thấy cần thiết

Trả lời câu hỏi của báo chí về những vấn đề nổi lên trong tháng 8 như cấp phép sân golf, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: vấn đề cấp phép các dự án sân golf cũng được Chính phủ xem xét. Hiện trên cả nước có 166 dự án xây dựng sân golf do các địa phương phê duyệt, sau quá trình rà soát điều tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ cắt giảm 51 dự án, giữ lại 115 dự án.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phúc, đến nay Chính phủ vẫn chưa phê duyệt đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Không những vậy, nhằm mục tiêu không để thu hẹp diện tích đất màu, đất trồng lúa, khu đô thị, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát 115 dự án sân golf trên và có thể tiếp tục cắt giảm hơn nữa nếu thấy cần thiết. 

(Theo Từ Nguyên // VnEconomy)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Bước đột phá trong loại bỏ thủ tục "hành dân"
  • Hành trình thực phẩm bẩn: Những điều mắt thấy
  • Hạt viên trà trân châu "ngậm" chất tẩy trắng
  • Hà Nội: Ngày 2/9, thêm 90 bệnh nhân cúm A/H1N1
  • Cúm A/H1N1 có mặt ở 48 tỉnh, thành
  • Đấu thầu điện tử sẽ giúp chi tiêu công tiết kiệm hơn
  • 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ: Hồ Chí Minh với phát triển bền vững
  • Bánh Trung thu thủ công mập mờ thời gian sử dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi