Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ: Hồ Chí Minh với phát triển bền vững


Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây nhân Tết Kỷ Dậu.

Hồ Chí Minh không phải là nhà kinh tế học có những học thuyết uyên thâm. Người chỉ là nhà lãnh đạo chính trị quốc gia. Song từ thực tiễn của một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, vừa thoát khỏi ách thực dân với nạn đói khủng khiếp, khi tìm những giải pháp khắc phục hậu quả nặng nề đó, Người đã đưa ra những quan điểm, những chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam và chính ở đây, Người đã bắt gặp những tư tưởng tiên tiến của thời đại.

Một trong những tư tưởng lớn đó là phát triển kinh tế bền vững.

Mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX, sau những báo động về thảm họa môi trường và bất ổn xã hội, người ta mới thấy cần thiết phải bổ sung “những nội dung xã hội và khái niệm tăng trưởng kinh tế”. Sự phát triển bền vững phải được xác định ở khái niệm ba chiều: bền vững về kinh tế, về xã hội và môi trường.

Từ mảnh đất tận cùng của sự nghèo đói, Người đã phát hiện ra rằng, giải quyết vấn đề kinh tế không thể tách rời những vấn đề xã hội. Người cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc chính là giải phóng lực lượng sản xuất. Người viết “Tầng lớp tư sản Việt Nam đã bị kinh tế thực dân đè nén không cất đầu lên được, khiến cho kinh tế Việt Nam bị tiêu diệt, dân cùng tài tận... Chúng tôi chủ trương làm cho tư sản Việt Nam phát triển. Mà chỉ có thống nhất và độc lập thì tư bản Việt Nam mới có thể phát triển” (Toàn tập, tập 5 tr.169- 170).

Ngay sau khi giành được chính quyền, Người đã nêu ra nhiệm vụ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” (Toàn tập, tập 5, tr. 440). Việc kết hợp này đã thể hiện đầy đủ quan điểm phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội. Tiếp đó, Người nêu ra các mục tiêu cơ bản của công cuộc kiến quốc là: “- Làm cho dân có ăn - Làm cho dân có mặc - Làm cho dân có chỗ ở - Làm cho dân được học hành” (Toàn tập, tập 4 tr.152). 40 năm sau, những mục tiêu ấy lại trở thành mục tiêu thiên niên kỷ của nhân loại.

Song tầm nhìn của nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở những nét khái quát cơ bản đó. Người hiểu rằng, muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải đặt nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại. Từ góc nhìn đó, Người đưa ra những chính sách vô cùng mới mẻ vào thời điểm bấy giờ: chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế. Khi người nêu ra 4 chính sách kinh tế quan trọng, người đặc biệt lưu ý đến chính sách “Lưu thông trong ngoài”.
Người đã nêu ra chính sách kêu gọi đầu tư ngay từ lúc mới giành được chính quyền. Người viết: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác... Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đóng góp cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia” (Toàn tập, tập 4 tr. 79).

Người đặc biệt nhấn mạnh đến tư tưởng chủ động hội nhập quốc tế: “Chúng tôi hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa với kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình” (Toàn tập, tập 5 tr. 170).  Tư tưởng chiến lược này đã thể hiện trong thực tế vào thời kỳ đổi mới.

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Năm 2008, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với 186 quốc gia và khu vực trên thế giới. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ 1988 đến 2008 đã đạt vốn đăng ký đến 163,607.2 tỷ USD và thực hiện 59,945.5 tỷ USD (Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2008 tr.105).

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh sức mạnh nội sinh. Người thực hiện quan điểm đó bằng chính sách tự lực cánh sinh. Người yêu cầu toàn dân tiết kiệm để đầu tư, phát huy mọi tiềm năng sẵn có, “không để ai không sử dụng những năng lực, tiền tài, trí tuệ, ruộng đất, máy móc...”, nhưng “phải có kế hoạch”, “phải khéo tổ chức”, phải kiên quyết chống tham những. Người gọi bọn tham nhũng là “giặc nội xâm”. (Toàn tập, tập 5 tr.255,632, 641).

Người đặc biệt nhấn mạnh đến tăng năng suất lao động bằng tri thức và kỹ năng. Người viết: “Thợ học cho tinh xảo”, thì lợi nhuận sẽ tăng gấp 5, gấp 10 (Toàn tập, tập 5 tr.106). Sau này, từ góc độ khoa học kinh tế, người ta đã phát hiện nguyên lý gọi là “phần dư Solow” hay tổng năng xuất nhân tố (TFP), điều mà Hồ Chí Minh đã diễn đạt ở dạng sơ khai.

Hồ Chí Minh cũng sớm nhận ra vấn đề công bằng xã hội. Lý thuyết cổ điển và tân cổ điển, đặc biệt là mô hình tăng trưởng chữ U ngược của Kurznets (1955), đều nhấn mạnh, khi xã hội phát triển tới mức cao nhất định thì mức độ bất bình đẳng sẽ giảm đi, lúc đó thu nhập và phúc lợi có xu hướng được phân phối lại công bằng hơn. Nhiều kiểm định thực tế đã bác bỏ giả thuyết này: bất bình đẳng về phân phối thu nhập không những không giảm đi mà còn tăng lên ở mức cao ngay cả ở nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh.

Hồ Chí Minh, ngay từ rất sớm đã đưa ra quan điểm phải gắn kết phát triển kinh tế với công bằng xã hội ngay từ đầu.

Hồ Chí minh chỉ ra rằng thực hiện công bằng xã hội theo nguyên tắc ngang bằng nhau giữa người và người trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ... Do đó không thể coi việc thực hiện công bằng xã hội như là sự cào bằng trong nghèo khổ. Người lại viết: “Bình quân chủ nghĩa là trái với chủ nghĩa xã hội” (Toàn tập. t.8 tr.386).

Hồ Chí Minh cho rằng bình đẳng xã hội, trước hết là phân phối phải theo lao động và theo phúc lợi. Người viết: “Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”. (Toàn tập, tập 8 tr.386). Những người đó được phân phối theo quỹ phúc lợi.

Người chủ trương phải phát triển các thành phần kinh tế. Khi giải thích chính sách Công tư đều lợi, Người viết: “Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sự lãnh đạo cả nền kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị”.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghiệp. Đó cũng là những lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. (Toàn tập. t.7. tr. 222).

Người cho rằng, để đạt được công bằng xã hội, trước hết phải điều hòa lợi ích của cá nhân và xã hội, lợi ích của các tầng lớp dân cư. Người nhấn mạnh “ chính sách chủ thợ đều lợi”. Người viết: “Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ chỉ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời vì lợi ích lâu dài, anh chị em làm thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên” (Toàn tập t.7. tr.222).

Người nhấn mạnh, sự điều hòa lợi ích là động lực hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế. Người viết: “Chủ phải luôn nhớ rằng: nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc, thì họ mới đủ sức, đủ sức thì họ mới làm việc tốt...

Nếu công nhân biết rằng: họ chẳng những làm lợi cho chủ, mà họ cũng có một phần lợi thì họ sẽ hăng hái làm. Vì vậy, muốn được việc thì đối với lương bổng, nhà ở, vệ sinh và cách đối đãi công nhân, phải rộng rãi, tử tế.

Lại nên có những lớp học cho thợ và con thợ. Thợ học cho tinh xảo hơn, con thợ học thế cho những thợ già về hưu... (Toàn tập, t.5. tr.166). Mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX, Bộ tiêu chuẩn lao động mới ra đời, những người ta có thể tìm thấy trong bộ tiêu chuẩn SA 8000 có đầy đủ những lời nhắn gửi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trên từ 50 năm trước.

Hồ Chí Minh chủ trương chính sách nhân đạo và khoan dung. Chính sách đó là “Lo toan và đảm bảo những điều kiện sống cho mọi người trong xã hội, bất kể thành phần, vị trí, hoàn cảnh. Đối với người nghèo, lo cơm ăn áo mặc, học hành. Đối với người hữu sản, lo làm sao giúp đỡ họ có thể đem tài năng và những phương tiện để phát triển sản xuất, góp phần kiến quốc” (Lịch sử kinh tế Việt Nam t.1. tr.278). Chính sách đó là tiền đề của Chương trình An sinh xã hội sau này.

Cuối cùng, Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường. Vào lúc sinh thời, Người cũng không biết rằng “thực tế tình trạng suy thoái rừng đóng góp khoảng 15-20 tổng lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người gây ra”. Người dự cảm thấy cây xanh là nguồn sinh lực của đất nước. Vào năm 1958, Người phát động tết trồng cây và cố gắng làm cho nó trở thành phong tục tốt đẹp của dân tộc. Người viết:

 “Mùa xuân là tết trồng cây.
 Để cho đất nước càng ngày càng xuân”

28 năm sau đó Chương trình Chăm lo cho trái đất ra đời và trồng rừng, bảo vệ rừng trở thành một nội dung quan trọng của sự phát triển bền vững.

40 năm đã qua, kể từ ngày Người ra đi vĩnh viễn, đất nước đã có nhiều thay đổi: đã ra khỏi cuộc khủng hoảng vào những năm 80, đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Nhiều tư tưởng của Người về phát triển bền vững đã trở thành hiện thực. Ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó đã thể hiện và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển bền vững.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 200 USD vào năm 1990 lên 1.028 USD vào năm 2008. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 18% vào năm 2004 xuống 13,5% vào năm 2008 (TBKTVN. Kinh tế Việt Nam 2008 - 2009 tr. 75). Chỉ số HDI đã đạt mức trung bình: 105/177 quốc gia.

Còn nhiều thách thức trên con đường tiến tới một “xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”. Song, chúng ta rất tự hào về những thành tựu to lớn trong thời gian qua, xứng đáng với lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

(Theo Hồ Văn // VnEconomy)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • Bánh Trung thu thủ công mập mờ thời gian sử dụng
  • Hơn hai năm, một xã có 59 người ung thư
  • Better Work Việt Nam cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp ngành may
  • 44 tỉnh, thành đã có cúm A/H1N1
  • Trường học đầu tiên ở Huế có học sinh bị cúm H1N1
  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao
  • Đồng Nai: Cứu sống một người bị đâm thủng tim
  • Lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng ở mức nguy hiểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi