Ở phía đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa, mưa rào và có nơi có dông; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía tây Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, phía đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4; ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc cấp 5. Trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời lạnh.
Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Lục Yên (Yên Bái), trận lốc xoáy xảy ra ngày 22-4 đã làm 17 nhà và bốn lớp học bị sập đổ hoàn toàn, 249 nhà bị hư hỏng, 15 ha ngô, hoa màu khác bị vùi dập và 14 cột điện bị đổ. Ngay khi mưa lốc đi qua, chính quyền các huyện đã nhanh chóng huy động lực lượng giúp các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, lên danh sách các hộ bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ cụ thể.
Ðêm 22, sáng 23-4 trên địa bàn tỉnh Lào Cai mưa khá to và kéo dài, lượng mưa trung bình từ 30 đến 35 mm, các con sông, suối khu vực đầu nguồn tỉnh đã được cải thiện, mức nước sông Hồng, sông Chảy tăng 15-30 cm. Tranh thủ có mưa, bà con nông dân đã chủ động dẫn nước dự trữ và tưới cho lúa và hoa màu vụ xuân. Dự báo đợt mưa này còn kéo dài hai ngày nữa. Như vậy, Lào Cai đã bước qua thời kỳ hạn hán gay gắt nhất từ cuối năm 2009 đến nay.
Hồi 20 giờ 30 phút ngày 22-4, tại cột hải đăng Cửa Sót, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã xảy ra lốc xoáy, làm chìm tàu đánh cá, ÐN 36775 của ông Nguyễn Văn Tư, sáu thuyền viên trên tàu được cứu thoát. Trước khi tàu chìm, thuyền trưởng đã nhanh chóng phát tín hiệu cấp cứu. Ngay lập tức lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhân viên cảng Cửa Sót đã điều tàu cứu hộ ra ứng cứu và đưa sáu thuyền viên lên bờ an toàn.
Tại Hưng Yên, dịch tai xanh trên lợn đã bùng phát và lan nhanh ở tám xã của huyện Văn Lâm, làm gần 10 nghìn con mắc bệnh. Huyện đã cấp kinh phí mua 500 lít thuốc nước và cử bốn tổ lưu động phun thuốc khử trùng tiêu độc, cấp hơn 10 tấn vôi bột và 350 kg thuốc bột sát trùng; đồng thời tạm ứng lần 1 cho các xã có dịch hơn 40 triệu đồng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chi cục thú y tỉnh cấp phát 2.000 lít thuốc khử trùng tiêu độc cho các huyện, thành phố; riêng huyện Văn Lâm được cấp bổ sung một máy phun thuốc bằng động cơ.
Theo UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam), trong ba ngày qua, tại địa bàn xã Bình Ðào đã xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn, làm hơn 40 con lợn bị chết. Tuy chưa có kết quả xét nghiệm chính thức, nhưng qua những triệu chứng, nhiều khả năng đàn lợn chết do bệnh tai xanh... Ngày 23-4, huyện Thăng Bình đã bố trí lực lượng chốt chặn trên các tuyến giao thông trọng yếu; cấm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn trong vùng đang xảy ra dịch. Ðồng thời, tăng cường thêm máy bơm động cơ và các loại hóa chất, hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra các vùng lân cận.
Theo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, đến nay đã có hơn 11 ha tôm ở huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh bị bệnh đốm trắng làm thiệt hại hàng chục nghìn con giống. Chi cục thú y tỉnh đã cấp 400 lít chlorine cho hai xã Cẩm Lộc và Cẩm Lĩnh để phun tiêu độc khử trùng các ao nuôi. Ðồng thời cử cán bộ về hướng dẫn các hộ nuôi tôm các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch đốm trắng; khuyến cáo người dân nuôi tôm cần bổ sung thêm thức ăn và lượng chất khoáng bảo đảm để tôm có sức khỏe tốt chống lại dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra độ pH, và bảo vệ môi trường ở hồ nuôi.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 25/3.000 ha hồ tôm nuôi bị nhiễm bệnh, làm chết hơn 80 triệu con tôm giống. Trong đó, 15 ha tôm chết do bị bệnh đốm trắng, chủ yếu tập trung ở huyện Phong Ðiền và rải rác ở các huyện, đặc biệt chín ha hồ tôm ở các xã ven biển như Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân (Phú Vang), Vinh Hưng, Vinh Mỹ (Phú Lộc) chết chưa rõ nguyên nhân. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, tôm mới thả nuôi bị chết là hiện tượng khác thường so với mọi năm. Hiện Chi cục đang gửi mẫu đến Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để xét nghiệm, sớm xác định nguyên nhân tôm chết.
Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long vừa tuyển chọn thêm giống lúa ngắn ngày OM 5464 có khả năng chịu được độ mặn 3-4%o, kháng rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá khá tốt. Ðến nay, Viện đã tuyển chọn được 16 giống lúa chịu mặn và có 15/16 giống đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển. Các giống lúa được tuyển chọn có ưu điểm kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, ổn định, đạt chuẩn xuất khẩu và đang được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến khích sử dụng rộng rãi trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn như hiện nay. Ðược biết, nước mặn xâm nhập sâu trong mùa khô năm nay gây ảnh hưởng xấu cho lúa đông xuân tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre với diện tích 100/650 nghìn ha, chiếm 16% diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên.