25/8/2010 ngày sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng được thế giới tôn vinh là huyền thoại của thế kỷ XX.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. Ảnh Tư liệu |
Cùng với việc thể hiện thiên tài quân sự trong cuộc đấu tranh giữ nước, vị tướng huyền thoại còn là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà chiến lược trong thời kỳ xây dựng đất nước. Ông là một con người có đức độ tuyệt vời trong sáng, kết hợp hài hòa sự kiên định, cứng rắn với lối ứng xử uyển chuyển, văn hóa.
Khí phách, tâm hồn Việt Nam
Ông là nhà chiến lược mang đậm chất thuần hậu, nhân văn nhưng đầy khí phách của con người Việt Nam. Khi tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara sau cuộc chiến, ông nói:
-Chúng tôi là một dân tộc có tinh thần bất khuất, hàng ngàn năm từng chống giặc ngoại xâm, nhưng chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình. Từ thế kỷ XV, sau khi đánh thắng quân Minh, đã từng có những lời tuyên ngôn trong các áng văn bất hủ như Bình Ngô đại cáo, Phú núi Chí Linh của Nguyễn Trãi:
“Đem lại hòa bình muôn thuở
Dập tắt muôn đời chiến tranh”
Các ngài nên đọc những sách đó !
Câu nói dường như không phải của một võ tướng. Đó là lời khuyên của một giáo sư sử học.
Ông nói với vị Bộ trưởng chiến tranh này:
-Tôi nhất trí với ngài Mc Namara là không có nước nào có thể áp đặt được ý định của mình cho các dân tộc khác, nhất là đối với Việt Nam. Phải tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi trên nguyên tắc bình đẳng.
Về quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, Đại tướng nhắc lại:
-Nước lớn có vai trò của nước lớn, nhưng tôi muốn nhắc với ngài rằng: nước nhỏ cũng có vai trò của nước nhỏ. Danh dự, sức mạnh của độc lập tự do, sức mạnh văn hóa của một đất nước không thể đo bằng cây số vuông.
Ngày nay, muốn xây dựng một trật tự thế giới mới, thì các dân tộc phải bình đẳng và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Tôi mong rằng những điều tôi suy nghĩ đã lâu, bây giờ nói rất ngắn với các ngài, sẽ giúp cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam.
Và khi trả lời câu hỏi “Vị tướng nào trong chiến tranh vừa qua được ngài đánh giá cao nhất?”, ông đã trả lời: “Quân đội nhân dân Việt Nam, ở cả miền Bắc và miền Nam, là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Còn vị tướng, dù có công lớn lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả.
Các ngài gọi tôi là “vị tướng huyền thoại”, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng như người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng. Cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, mùa khô 1972 - 1973. Ảnh: Vương Khánh Hồng |
Ngoài những nhân vật quan chức trọng yếu đã đến tận nhà thăm Đại tướng, Đại tướng cũng đã dành thời gian tiếp những người Mỹ bình thường sang xin gặp, từ con trai cựu Tổng thống Mỹ Kenedy đến những nhà hoạt động quần chúng.
Bà Nancy Griffith, nữ nhạc sỹ đồng quê đến Hà Nội cùng với ông Bobby Muller, Chủ tịch Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam sang tham gia giúp Việt Nam gỡ bom mìn của thời chiến để lại, đã hào hứng kể lại trên màn ảnh truyền hình ngày 31/12/2006 về cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng ở nhà riêng của Đại tướng.
Bà đã kể:
-Tôi đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông hỏi tôi làm gì, tôi trả lời:
-Tôi đàn và hát. Tôi chơi đàn ghi ta.
-Còn tôi (ông nói), tôi cũng là người chơi đàn. Tôi chơi piano.
Và cũng có làm một số bài hát. Lần sau tôi có thể làm chung với bà một bài hát để cùng đàn chung với nhau.
Đối với người phụ nữ Mỹ này, Đại tướng rất chú ý. Bà có chồng sang tham gia chiến tranh ở Việt Nam và trong thời gian dài chờ chồng trở về, bà đã thấy sự vô lý trong cuộc chiến tranh của nước Mỹ ở cái xứ sở cách nước Mỹ bằng cả một đại dương. Bà đã sáng tác nhiều bài hát phản đối chiến tranh và tự đi trình bày ở khắp nơi trên đất Mỹ.
Bà cảm phục sự lớn lao ở Đại tướng không chỉ bởi ông là nhà quân sự mà còn là nhàchính trị- quân sự và nhà văn hóa trong đời sống hàng ngày với kiến thức sâu rộng, óc thẩm mỹ tinh tế.
Ông rất biết tác dụng của âm nhạc và văn nghệ nói chung đối với con người và sự nghiệp cách mạng, rất quý trọng các nghệ sĩ nhân dân, đối đãi với các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Thành, Đỗ Nhuận như những người bạn.
Ông rất thích hội họa, rất ham xem tranh ảnh. Ông thân thiết với họa sĩ cựu chiến binh Lê Duy Ứng và rất quý trọng những họa phẩm của người họa sĩ khiếm thị. Được biết có người họa sĩ dân gian đã sáng tạo nên một dòng tranh tre mới lạ, ông đến tận làng thăm hỏi, động viên, khuyến khích…
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông quan tâm cụ thể đến những nhà thơ chiến sĩ ở Trường Sơn. Ở chiến trường có những tiêu chuẩn chỉ cấp chỉ huy sư đoàn mới có. Riêng nhà thơ – chiến sĩ Phạm Tiến Duật được Đại tướng đặc cách cho hưởng để phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Đại tướng rất biết tác dụng của thơ văn cũng như những sáng tạo nghệ thuật khác của người nghệ sĩ - chiến sĩ đối với việc động viên tinh thần của những người lính.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần thăm Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Chiến lược gia tài năng trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội
Đất nước hoàn toàn giải phóng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến vào thời kỳ xây dựng đất nước trong điều kiện non sông đã thu về một mối. Đại tướng càng có điều kiện phát huy mạnh mẽ thế mạnh tư duy của nhà trí thức cách mạng, có kiến thức khoa học sâu rộng để đề xuất với Đảng và Nhà nước những kế hoạch sáng suốt về hiện đại hóa nông nghiệp[1], về kinh tế và quốc phòng biển đảo[2], về khoa học và giáo dục[3] về đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới công tác Quốc hội, chỉnh đốn Đảng[4], xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Từ góc độ phát huy nội lực để Tổ quốc cất cánh bay cao, nhanh chóng thoát khỏi cảnh nghèo nàn tụt hậu, Đại tướng đã vạch ra quốc sách bồi dưỡng và sử dụng người hiền tài, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Ngay từ khi mới giải phóng miền Nam, ở cương vị Phó Thủ tướng phụ trách công tác khoa học kỹ thuật, ông đã hết sức coi trọng việc đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học.
“Tôi không tán thành việc sử dụng bất hợp lý cán bộ nghiên cứu của chúng ta. Cần phải kiểm kê lại tất cả cán bộ. Ngoài ra, sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta có thêm những cán bộ khoa học và kỹ thuật…đã làm việc dưới chế độ cũ. Cần phải hết sức coi trọng những cán bộ đó, làm sao cho anh chị em phát huy hết tài năng và trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta”, ông từng nói như vậy.
Ngay sau những ngày đi công tác tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, Tây Nam Bộ, ra các đảo Thổ Chu, Côn Sơn, ngay từ năm 1977 ông đã đề xuất thiết lập một cơ chế kinh tế nhiều thành phần để huy động được sức mạnh của toàn dân phát triển một nền kinh tế quốc dân năng động , nhanh chóng đi vào một sự nghiệp phát triển bền vững[5].
Nhà nước (Trung ương) lập kế hoạch phát triển từng vùng. Nhà khoa học giúp đỡ nhân dân từng địa phương thực hành sản xuất, kinh doanh hợp lý, tránh sự tùy tiện phát triển cục bộ, mang tính địa phương, tỉnh này ảnh hưởng không hay đến tính khác, làm nát bản đồ kinh tế của đất nước.
Để phát triển kinh tế hợp lý, Đại tướng đặc biệt coi trọng tác động của yếu tố con người, cảnh báo những tác động phá hoại của con người đối với thiên nhiên đất nước, cố gắng tìm cách phát huy năng lực khoa học của con người.
Ông không quên những đồng bào ở xa Tổ quốc, muốn phát huy năng lực xây dựng lại đất nước quê hương của họ. Ngay từ khi còn giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, ông đã đích thân mời Giáo sư Bùi Trọng Liễu, Tiến sĩ khoa học ở Trường Đại học Paris về Hà Nội, trình bày kế sách để phục vụ việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đóng góp cho sự nghiệp giáo dục để nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng tụt hậu.
Hai mươi mấy năm qua, Giáo sư Bùi Trọng Liễu cùng các bạn trí thức Việt kiều khác đã hưởng ứng lời mời gọi của ông, cống hiến cho nước nhà nhiều ý tưởng chân thành và làm được nhiều việc có ích cho Tổ quốc. Đến năm nay 2010, từ Paris, trước khi từ giã cõi đời, Giáo sư Liễu còn gửi về nước những bài viết tâm huyết đối với ngành giáo dục nước nhà.
Bằng những suy tư, hành xử cụ thể của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm thứ 100 của đời mình vẫn còn là nhà chiến lược tài năng, vị tướng văn võ song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một, chỉ sống theo một phương châm duy nhất “Dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích công, lợi ích chung của toàn dân lên trên hết.
Bà Virginia Moris, một trí thức nước ngoài khi sang Việt Nam, đến thăm ông, đã kể với tờ nhật báo The Guardian (Người bảo vệ) về buổi sáng tiếp xúc với ông ở ngôi nhà riêng, số 30 đường Hoàng Diệu: “Không vịn vào tay người đỡ, Tướng Giáp đứng dậy hôn tôi vào hai má khi từ biệt. Rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, ông bảo rằng ước vọng cuối cùng của ông là sống được đến ngày mà đất nước (từng phải tranh đấu biết bao năm để giành độc lập) sánh vai được cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”.
Ngày 25/8 năm nay là ngày sinh nhật thứ 100 của vị Đại tướng văn võ song toàn, con người được nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới yêu mến, kính trọng. Xin cầu chúc cho ước vọng cao đẹp ấy của ông sớm trở thành hiện thực.
(Theo Trần Thái Bình // Tin Chính phủ)
(1) Võ Nguyên Giáp: Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta. NXB Sự thật 1978.
(2) Võ Nguyên Giáp – Khoa học biển và kinh tế miền biển. NXB Sự thật 1977 và 1981.
(3) (4) Võ Nguyên Giáp – Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới. NXB Chính trị QG 2001.
(5) Trần Thái Bình – Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ. NXB Văn hóa Sài Gòn 2007.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com