Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Tòn gánh gỗ”

Đó là ba tiếng trích trong một bài hát truyền miệng, lời tự bịa ra còn nhạc thì hình như nhái theo điệu Hồ Quảng, mà hồi đó trên xứ cao nguyên đất đỏ Bình Long của tôi, mỗi lần tôi vô tình buột miệng hát (ở Bình Long hồi đó, lớn nhỏ gì cũng biết bài hát này đó) là bị má tôi rầy, cấm.

Bởi vì đó là câu hát chọc ghẹo “người Tàu”, mà ba tôi là người Tàu chính gốc. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn thuộc nguyên bài, cả cái cách hát vuốt đuôi mấy tiếng cuối câu, và mấy tiếng “á a” đệm vào cho nó có “tính nhạc”. Nhưng thiệt tình là tôi không dám chép lại ra đây.

Nhớ hồi đó, má tôi chỉ cần nghe người ta nhắc tới bài hát đó là bà đã bực mình. Vì thế, tôi chỉ xin phép được tiết lộ một câu thôi: “Ngộ có cái tòn gánh gỗ”. Người Hoa, cho tới bây giờ, vẫn còn có người không phát âm được âm “đ”, ví dụ điện thì nói là tiện, đi thì nói là li. Vì vậy “tòn” có nghĩa là “đòn”.

Đòn gánh gỗ chứ không phải đòn gánh tre như người Việt. Nhưng cũng gánh tất cả những thứ gánh được trên đời. Gánh rau. Gánh đồ đạc. Gánh hàng ra chợ bán. Gánh đứa con cưng thò lò mũi xanh...

Tôi nhớ lại câu hát có cái đòn gánh này, vì nó gợi cho tôi về sự mở mang bành trướng buôn bán của người Hoa, ở bất cứ nơi nào trên khắp thế giới mà họ đặt chân tới. Họ bán mọi thứ có trên đời. Nhỏ xíu như hạt muối, hạt đường; đồ trang sức như đồng hồ, mắt kiếng; đồ bỏ đi như ve chai, lông vịt...

Ở những cái chợ có người Hoa sinh sống, thế nào cũng có một bà già bán bún tàu, tàu hũ ky ngọt, tàu hũ ky tươi, tàu hũ ky cây, đậu hũ miếng chưa chiên mà vàng ươm... Thế nào cũng có một hàng bán dưa cải chua xắt khúc khô queo, giá đậu nành, tàu xì (hột tương đậu nành đen thui), hầm vỉ (mắm cá mặn)...

Ở đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ Thuận Kiều tới Dương Tử Giang, hai bên bày bàn thờ đủ kiểu đèn nhấp nháy, lư nhang, chung rượu, ông thần tài... và tất cả những thứ liên quan tới việc thờ cúng. Đường Hải Thượng Lãn Ông bán nhưng món đồ làm bằng giấy như đèn lồng, tập học trò, sổ tay, giấy làm bông giả, những đồ treo máng dán tường khi nhà có đám cưới... Đường Hòa Hảo bán phụ liệu, bàn chân gỗ để làm giày dép. Khu thương xá Đại Quang Minh trên đường Châu Văn Liêm bán kim chỉ, nút áo khuy quần, đăng ten, sợi len phục vụ nghề may. Đường Tạ Uyên bán đồ cơ khí, bù loong, ốc vít... Dọc đường rải rác những xe nước sâm, những xe bánh bao, những xe chiên bánh tiêu, giò cháo quẩy, bánh bao chiên, hủ tíu mì hoành thánh...

Thôi không kể nữa. Càng kể càng thấy không thể kể hết được. Nếu ai bắt bẻ “Mấy thứ đó người Việt cũng có bán” thì xin hãy thử đọc những bảng hiệu mà coi. Thu Thủy, Kim Loan, Ngọc Hương... chỉ là một chút điểm xuyết trong rừng bảng hiệu có cái đuôi là Ký, cái đầu là Vĩnh, và rất nhiều Xương (thịnh vượng). Người Việt ai dám đặt tên là Xương, ngoài ông Tú Xương độc nhất vô nhị?

Sự buôn bán là máu thịt của người Hoa. Tuần rồi, tôi gặp một ông đã từng định cư ở Mỹ. Ở bên đó hoài cũng chán, ông về Việt Nam, mua lại căn nhà cũ của mình, cất lên nhà lầu hai tấm. Tầng trên cho mướn, tầng trệt ở để coi nhà, kiểm soát người vào ra. Ngồi không nhìn ngó bâng quơ rất uổng phí thời giờ, ông mở một hàng tạp hóa nhỏ, chăm chỉ bán từng gói mì ăn liền, chai dầu gội hai trong một, cục xí muội nhăn nheo, cuộn khăn giấy... Vậy thôi. Khi nghèo đói thì bán để kiếm miếng ăn. Khi giàu sang thì bán để tránh sự làm biếng.

Ba tôi kể, ở bên Tàu, ông nội tôi là thầy pháp, cúng giải trừ tà ma trong làng. Ba tôi được cho đi học chữ. Vậy mà tôi lớn lên trong tiệm tạp hóa, dầu hôi, nước mắm, bánh kẹo... chồng chất khắp nhà, ở nhà ngoài muốn vô nhà trong, có khi phải leo qua mấy bao gạo. Tôi học trung học trường tư, đóng học phí bằng những đồng lời kiếm từ việc ba tôi hàng ngày thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, cắt tiết nhổ lông, mang ra chợ bán những con gà sạch bong, mập ú, vàng lừ.

Những ngày khó khăn sau giải phóng, ba tôi làm gan xách hai con gà ra đầu chợ, đứng bán cầu may. Bán hết. Trời ơi mừng quá, vội vàng chay về nhà bắc nồi nấu nước, làm tiếp vài con nữa. Bán được ít nhưng nỗi lo sợ trong lòng ba tôi bớt đi nhiều lắm. Vậy là cũng còn được buôn bán. Nếu không thì ba biết làm gì nuôi con ăn học.

Người nghĩ ra lời hát nhạo truyền miệng ngày xưa, vô tình đã nói giùm quyết tâm sinh tồn của một con người lương thiện, quyết tâm kiếm ăn bằng chính sức lực tay chân, mồ hôi nước mắt của mình.

Khi gồng gánh xuôi về phương Nam nóng bức, không đất đai và cũng thường không có cả bà con chòm xóm, những ông bà cố của thế hệ hôm nay đã sử dụng hiệu quả đa năng của cái đòn gỗ gánh đôi bồ đựng vài bộ quần luồn dây rút, áo gài nút xéo qua nách, tấm chăn đơn, nồi cơm, chai xì dầu, cái siêu nấu thuốc Bắc... thành cái đòn gánh hàng rong đi bán đủ thứ lớn nhỏ.

Đôi chân cần mẫn đi bộ từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, lặn lội từ dòng sông này tới dòng sông khác, vừa đi bán, vừa học cách nói năng. Hầy dà! Cái thứ tiếng nước người này! Sao mà nó lên xuống, bổng trầm lắm lố! Như cái cánh con cò kia đang bay lả, bay la.

 

 

(Theo Lưu Thị Lương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Kiếm bạc tỷ nhờ bán cau
  • Dâu mới đau đầu sắm tết nhà chồng
  • Sắm tết tiết kiệm, chị em về quê mua chung
  • Tết buồn của các đại gia thời suy thoái
  • Tết buồn của người lao động
  • “Cơn gió thổi” của Nguyễn An Ninh
  • 100 tỉ đồng xây dựng “Làng nghề một thoáng VN”
  • Vì sao hôm nay là một ngày đặc biệt?
  • Sản phụ bị mổ 5 lần trong 3 tuần kiện bệnh viện
  • Thành lập Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM
  • Hội thảo "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt"
  • Giá hàng hoá dịch vụ nhích lên theo xăng dầu
  • "Đào tạo là phần quan trọng chiến lược cán bộ"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi