Dựa chủ trương khơi thông luồng thuỷ tại cửa biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), công ty Phước Luân (Vũng Tàu) đã ào ạt vét cát tận thu đem bán. Trong số hàng chục phương tiện tập kết lấy cát ở đây có cả một bộ tàu (tàu cuốc và sà lan) quốc tịch Trung Quốc. Hậu quả, hai bên bờ, nhiều dự án du lịch bị sạt lở, hàng triệu USD của các doanh nghiệp bị đe doạ trôi sông.
![]() |
Khu vực sạt lở de doạ các dự án du lịch ở cửa biển Lộc An |
Trong những tháng vừa qua, các doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch tại khu vực xã Lộc An liên tục gởi đơn lên UBND tỉnh BRVT, đề nghị tạm dừng việc nạo vét luồng vào cửa biển Lộc An. Theo bà Nguyễn Thị Còn, giám đốc công ty cổ phần H&T, từ tháng 5.2008, công ty H&T đã được UBND tỉnh chấp thuận cho phép triển khai dự án khu du lịch Làng Chài – Lộc An. Tuy nhiên vào ngày 15.3.2009, có 17 sà lan đến cửa biển Lộc An để nạo vét lòng sông và làm sụp lở bãi đất làm dự án của công ty. Công ty TNHH – DV Mỹ Mỹ cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh ngăn chặn và xử lý ngay việc nạo vét cát ở cửa biển Lộc An của công ty Phước Luân, vì gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến dự án khu du lịch nghỉ dưỡng mà doanh nghiệp đang triển khai…
Trao đổi với phóng viên báo SGTT, ông Nguyễn Anh Triết, phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh BRVT cho biết, dự án nạo vét cửa biển này tỉnh đã có chủ trương từ lâu. Ban đầu tỉnh BRVT tính thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, do kinh phí lớn, khoảng 7 tỉ đồng, tỉnh lại thiếu vốn nên mới cho phép công ty Phước Luân đưa phương tiện vào nạo vét cửa biển này với phương án: tận thu nạo vét cát để bán làm vật liệu xây dựng, nhằm bù đắp chi phí.
Cũng theo ông Triết, ngay sau khi nhận đơn của các doanh nghiệp và có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Giao thông – vận tải đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình nạo vét luồng. Tại thời điểm kiểm tra, ngày 13.4.2009, trên tuyến luồng Lộc An có 10 chiếc tàu tự hành đang neo đậu, không thi công, trong đó có một bộ tàu (một tàu cuốc và một xà lan) quốc tịch Trung Quốc có làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam (trong đó, trên xà lan nước ngoài có 100m3 cát); 10 chiếc tàu tự hành có trang bị máy bơm hút cát trong đó có sáu chiếc bị hư hỏng, bị cạn... đang neo đậu để sửa chữa. Đặc biệt, việc tập kết nhiều tàu hút này, công ty Phước Luân đã không báo cáo sở GTVT. Do vậy, đoàn liên ngành đã yêu cầu đơn vị thi công cam kết di chuyển số lượng tàu thuyền trên ra khỏi tuyến luồng Lộc An. Tiếp đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đình chỉ thi công nạo vét luồng Lộc An tại khu vực có thể dẫn đến sạt lở đất ven biển.
Theo ông Triết, cửa biển vào cảng cá Lộc An là một trong hai tuyến luồng chính phục vụ cho các phương tiện đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, cả hai tuyến luồng này thường xuyên chịu tác động của sóng, gió biển đưa cát vào bờ bồi lắng làm cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng. Do đó, việc nạo vét là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên việc nạo vét như thế nào để bảo bảo sự hài hoà giữa lợi ích của nhà nước và DN là vần đề luôn được tỉnh quan tâm. Do vậy, dự án nạo vét luồng vào cảng cá Lộc An do công ty Phước Luân thực hiện hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế khi chưa tìm ra biện pháp nào khả thi hơn.
Các doanh nghiệp làm du lịch ở đây cũng cho biết, họ không hề phản đối việc UBND tỉnh nạo vét cửa biển. Nhưng cách nạo vét như thế nào để đất không bị sạt lở, hàng triệu USD tiền đầu tư của họ không bị trôi theo dòng nước thì tỉnh BR–VT nên cân nhắc.
Theo thiết kế, dự án nạo vét có tổng chiều dài 2km gồm hai đoạn: đoạn 1 dài 1,2km nằm trong đất liền với bề rộng 45m, đoạn 2 dài 0,8km nối tiếp đoạn 1 kéo dài ra biển với bề rộng 60m. Theo đánh giá của UBND xã Lộc An, khơi thông tuyến luồng trên không gì hiệu quả bằng việc sớm triển khai các dự án chỉnh trị luồng, xây dựng bờ kè, mở rộng cảng.
(Theo Bài và ảnh: Thiên Linh/SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com