![]() |
Người dân đang thu hoạch thanh long. Ảnh: TC. |
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ thả ra các vườn trồng thanh long hàng trăm ngàn con ruồi đực bị triệt sản bằng công nghệ xử lý bất dục (bằng tia phóng xạ).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, mục đích thả những con ruồi đực đục quả thanh long bị triệt sản nhằm xây dựng được vùng thanh long có tỷ lệ quả bị ruồi gây hại dưới 2%.
Ông Viễn cho biết, nếu ruồi đực bị triệt sản thì khi giao phối với ruồi cái sẽ không sinh sản được. Như vậy, chỉ sau một vài lần giao phối tỷ lệ ruồi đục quả sẽ giảm xuống.
Lý do Viện Bảo vệ thực vật thực hiện dự án này là trong thời gian qua có thời điểm tỷ lệ trái thanh long ở BÌnh Thuận bị ruồi đục quả lên đến 20%, nên chỉ bán cho trị trường nội địa mà không xuất khẩu được.
“Theo quy định hiện tại của những thị trường nhập khẩu thanh long Việt Nam như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, chỉ những diện tích trồng thanh long có tỷ lệ trái bị ruồi đục trái dưới 2% mới được đưa vào chiếu xạ, xạ nhiệt, còn nếu cao hơn tỷ lệ này thì không thể xuất khẩu được”, ông Viễn nói.
Ông Viễn cho biết, sở dĩ dự án chỉ thực hiện ở Bình Thuận mà không thực hiện ở Tiền Giang (địa phương có trồng thanh long) là vì Bình Thuận có diện tích trồng thanh long tập trung, trong khi đó ở Tiền Giang cây thanh long lại trồng xen kẽ với những cây ăn trái khác nên hiệu quả không cao.
Theo đề án quy hoạch cây thanh long của UBND tỉnh Bình Thuận, đến ăm 2015 tỉnh sẽ có 15.000 héc ta. Tuy nhiên, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận cho biết, đến cuối năm 2011 diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận đã lên tới 18.600 héc ta.
Ông Viễn cho biết, sau khi kết thúc dự án vào năm 2015, Viện bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra môi trường tự nhiên những loại côn trùng gây hại cho cây xoài, nhãn nhưng đã bị triệt sản…
Đây là dự án dùng công nghệ hạt nhân để làm bất dục côn trùng đầu tiên của Việt Nam. Dự án được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEAE) hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo nhân lực. Tổng kinh phí cho dự án là hơn 521.000 đô la Mỹ, trong đó, vốn ODA không hoàn lại là gần 350.000 đô la Mỹ.
(TBKTSG Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com