Hà Nội là đất trăm nghề, có khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân khu vực ngoại thành, nhanh chóng hiện thực hóa công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đề án xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giữ 1/3 số lao động làm nông nghiệp, còn lại sẽ chuyển sang sản xuất sản phẩm làng nghề.
Dây chuyền dệt kim tại làng La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền
Tiềm năng làng nghề
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, chiếm 59% tổng số làng, với 47 trong tổng số 52 nghề trên toàn quốc; với hàng chục nhóm ngành, nghề phát triển như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, kim hoàn... Toàn thành phố có 272 làng nghề được công nhận theo tiêu chí, trong đó có 198 làng nghề truyền thống; 116 người được công nhận "Nghệ nhân Hà Nội", có một Nghệ nhân Nhân dân, 13 Nghệ nhân Ưu tú, hàng nghìn thợ giỏi... Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 627.000 lao động với 167.000 hộ sản xuất, hơn 2.000 công ty cổ phần, 4.500 công ty TNHH… Hằng năm, doanh thu từ sản xuất tại các làng nghề đạt trên 7.650 tỷ đồng/năm. Nhiều làng nghề đạt giá trị sản xuất cao như gốm sứ Bát Tràng 350 tỷ đồng/năm, dệt kim La Phù 810 tỷ đồng/năm, mộc Vạn Điểm (Thường Tín) 240 tỷ đồng/năm…
Trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, vai trò của phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn bao gồm công nghiệp và dịch vụ là rất quan trọng. Nhờ đó đã tạo việc làm cho lao động dư thừa; phát triển thị trường nông thôn, tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, nông dân thiếu việc làm, việc hướng họ vào làm tại các làng nghề là giải pháp tối ưu. Thu nhập bình quân của lao động trong các làng nghề ổn định ở mức cao so với sản xuất nông nghiệp, dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, có nơi trên 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khu vực kinh tế làng nghề, đặc biệt là các nghề truyền thống còn sử dụng được lao động cao tuổi, khuyết tật mà các khu vực kinh tế khác không nhận. Đây được coi là lợi thế rất lớn để Thủ đô nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tại hội thảo bảo tồn, phát triển làng nghề Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh, Hà Nội cần tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế ngoại thành, nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến tới xây dựng NTM.
"Ly nông" không "ly hương"
Dự kiến đến năm 2015, toàn thành phố sẽ có từ 140 đến 160 xã đạt tiêu chí NTM. Giai đoạn 2016-2020, triển khai chương trình đề án tại 100 xã. Giai đoạn 2020-2030, các xã còn lại sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM. Trong cuộc kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại các huyện, phần lớn lãnh đạo địa phương cho biết, tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân là khó thực hiện nhất. GS Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, kinh tế nông thôn thuần nông có nhiều hạn chế, nông dân nhiều nơi không thể làm giàu được trên mảnh ruộng của mình dù đã cố gắng xoay xở hết cách. Làng nghề sẽ mở ra cho họ một hướng làm ăn khác ngay trên đất quê hương. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các nghề truyền thống tại địa phương sẽ góp phần tích cực giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nghề truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của làng nghề cả về quy mô và số lượng.
Thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các vùng nông thôn hiện nay là việc chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp để tăng năng suất lao động và tăng thu nhập của nông dân. Cần phải phát động một phong trào phát triển khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn, phát triển cụm công nghiệp từ các làng nghề truyền thống là hướng phát triển có nhiều triển vọng. Tại hội thảo Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ rõ, Hà Nội cần phải xác định rõ những làng nghề có giá trị cần bảo tồn, để từ đó có cơ sở phát triển nghề, làng nghề truyền thống theo hướng bền vững. Hiện khu vực nông thôn có rất nhiều lao động thất nghiệp, làng nghề phát triển sẽ giải quyết việc làm nhóm đối tượng này. Đồng thời phát triển làng nghề là gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống; tạo ra bộ mặt đô thị hóa cho nông thôn để nông dân "ly nông" nhưng không "ly hương", có thể làm giàu trên quê hương mình.
Thiết nghĩ, xây dựng NTM không chỉ là đầu tư tiền của để xây dựng hạ tầng khang trang... Điều quan trọng nhất trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Phát triển làng nghề chính là giúp người nông dân cái "cần câu", để họ tự vận động, phát huy khả năng của mình trong xây dựng, đổi mới quê hương.
( Theo Đào Huyền // Báo Hà nội mới Online )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com