Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư xe buýt mới không hấp dẫn

Đề án thay mới xe buýt của Sở GTVT TPHCM đang gặp khó vì lãi suất tăng cao - Ảnh: Anh Quân

Theo đề án đổi mới xe buýt đang được Sở Giao thông vận tải TPHCM lấy ý kiến, các doanh nghiệp đầu tư xe buýt mới trong giai đoạn 2011-2013 sẽ được thành phố hỗ trợ lãi cố định là 5 %/năm trong thời gian tối đa 7 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và HTX xe buýt cho rằng với lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay mức hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

Nợ cũ chưa trả xong

TPHCM hiện có khoảng 3.200 xe buýt các loại, trong đó hơn 1.300 xe được đầu tư từ năm 2003, còn lại là xe của các HTX, doanh nghiệp vận tải tự đầu tư. Năm 2010, Sở Giao thông vận tải (GTVT) phải loại bớt 108 xe buýt hoạt động ở một số tuyến không hiệu quả. Hiện nay, xe buýt tại TPHCM đang trong tình trạng xuống cấp cả về nội, ngoại thất, một số xe còn không đạt các tiêu chuẩn về môi trường.

Ngày 17-6, Sở GTVT bắt đầu làm việc với các doanh nghiệp xe buýt để tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp theo đề án đổi mới. Sau khi đề án này được đưa đến các doanh nghiệp, họ đều cho rằng đề án khó thu hút nhà đầu tư tham gia.

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM cho rằng, số xe buýt đang sử dụng hiện nay vẫn còn sử dụng được 10 năm nữa nếu thay mới thì quá lãng phí. Ông Hải cho rằng xe nào xuống cấp thì doanh nghiệp phải sửa chữa, nâng cấp thì xe vẫn sử dụng tốt. "Trong đề án đổi mới xe buýt năm 2003, chúng tôi vay vốn mua tổng cộng 653 xe buýt lớn nhỏ các loại. Đến năm 2010 mới trả được nợ gốc 50 xe và cuối năm 2011 sẽ trả nợ tiếp 192 xe. Theo lộ trình đến cuối năm 2013 số xe còn lại mới trả hết nợ gốc. Đó là theo lộ trình, trên thực tế còn phụ thuộc vào việc vận chuyển hành khách các năm tới như thế nào mới có thể xác định việc trả nợ có đúng hạn hay không ” ông Hải nói.

Chính số vốn còn nợ từ đề án năm 2003 đã khiến nhiều doanh nghiệp từ chối không tham gia đề án lần này. Điển hình là Công ty xe khách Sài Gòn (Saigonbus) - đơn vị có một lượng xe khá lớn tại TPHCM. Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó giám đốc Saigonbus, cho biết số xe đang hoạt động của công ty còn niên hạn đến 10 năm nữa nên đề án lần này Saigonbus không tham gia.

Còn bà Tạ Thị Hồng Thanh, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, băn khoăn số tiền còn nợ từ việc chuyển đổi xe buýt năm 2003 còn chưa trả xong, giờ lại thêm nợ mới nên HTX của bà cũng không muốn tham gia đề án này.

Lãi cao doanh nghiệp ngại đầu tư

Theo đề án đổi mới xe buýt giai đoạn 2011-2013, số xe buýt được đầu tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cửa lên xuống, sàn thấp, tổng sức chứa, máy lạnh; đồng thời, xe phải đạt tiêu chuẩn khí thải từ Euro 3 trở lên hoặc sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên CNG. Doanh nghiệp đầu tư phải trả trước 30% giá trị xe, 70% còn lại sẽ vay ngân hàng trong thời hạn 7 năm và được hỗ trợ một phần lãi suất vay cố định của thành phố là 5%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại doanh nghiệp phải trả.

Để có thêm nguồn kinh phí thay mới xe buýt, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TPHCM cho phép bán thanh lý gần 2.000 xe buýt đã đầu tư từ năm 2003. Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc hợp tác xã 19-5 cho biết, nếu thanh lý mỗi chiếc xe buýt cũng chỉ thu về khoảng 150-200 triệu đồng vì xe đã qua gần 10 năm sử dụng.

Trong khi mỗi xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3, loại 40 – 55 chỗ có giá khoảng 1 tỉ đồng, loại 80 chỗ khoảng 1,4 tỉ đồng. Nếu vay theo đề án mới, nhà đầu tư phải trả trước 30%, vay 70%, thì hàng năm số tiền lãi doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng đã lên đến cả trăm triệu đồng. Ông Triệu còn cho biết thêm, mặc dù năm 2003 lãi suất chỉ là 3%/năm nhưng đến nay nhiều HTX còn không có khả năng trả đúng hạn. Bây giờ, thành phố hỗ trợ lãi suất cố định 5%/năm nhưng với lãi suất ngân hàng ở mức từ 20-22%/năm thì xã viên vẫn phải chịu 15 -17%/năm.

Theo ông Hải, việc đầu tư xe buýt đạt các tiêu chuẩn về môi trường để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như tiêu chuẩn đề án mới đưa ra đều được các doanh nghiệp, HTX ủng hộ và mong muốn góp phần thực hiện.

Đại diện các doanh nghiệp, HTX, cho rằng trong thời buổi lãi suất ngân hàng tăng cao, xe buýt chưa thu hút được người dân đi lại, việc đầu tư trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nếu thành phố muốn thu hút doanh nghiệp thay mới xe buýt thì có thể áp dụng chính sách như đề án năm 2003, có nghĩa là các HTX khi mua xe được hưởng lãi suất ưu đãi tại thời điểm hiện tại và không cần phải bỏ thêm số vốn nào nữa.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi