Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm sáng kinh tế ở Nhơn Hội

Cảng Quy Nhơn nhiều năm liền dẫn đầu miền trung về sản lượng hàng hóa thông qua.  
Bình Định có vị trí địa lý và điều kiện giao thông khá thuận lợi, nằm trên ngã ba của 2 hành lang Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19, là cửa ngõ ra phía Đông của Tây Nguyên, Hạ Lào và Đông Bắc Cam pu chia. Ngoài tuyến đường bộ và đường sắt, Bình Định còn có đường hàng không với sân bay Phù Cát, đường thủy với Cảng biển Quy Nhơn. Sự ra đời của Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH) được xem là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của miền trung và cả nước đầu thế kỷ 21. Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ thực hiện sự thích ứng chiến lược của KKTNH với đất nước và khu vực.

I. Theo TS Trương Đình Hiển, ' các dự án như Khu kinh tế Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội và nhiều dự án lớn khác của đất nước, thì: 'KKTNH là một vùng non nước tuyệt vời, với vị trí và vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ riêng tỉnh Bình Định mà còn đối với miền trung và Tây Nguyên - cửa ngõ lớn của tiểu vùng sông Mê Công ra biển Đông... Đây là con đường ra biển gần nhất của các nước Thái lan, Myanmar, Lào, Cam-pu-chia và vì thế KKTNH có vai trò quan trọng trong việc phát triển và tạo dựng một gạch nối lớn về kinh tế theo cả hai trục Đông - Tây và Bắc - Nam'.

Con đường 18B của nước bạn Lào nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) đã hoàn thành cách đây hơn ba năm. Con đường nối với Quốc lộ 19 xuống cảng Quy Nhơn được người dân Quy Nhơn bắt đầu quen với hình ảnh xe ô-tô mang biển số Thái lan, Cam-pu-chia và Lào. Đi từ Ubonrachathani - thủ phủ của đông bắc Thái lan đến Quy Nhơn (Việt Nam) chỉ mất nửa ngày chạy xe qua ba quốc gia. Còn từ các tỉnh nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia (qua cửa khẩu Đắc Cơ - Gia Lai) thời gian sẽ ít hơn. Điều đó cho thấy rõ ràng cảng biển và KKT phức hợp Nhơn Hội có một vị trí chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế của cả khu vực rộng lớn này. Sự ra đời của KKTNH đã thúc đẩy sự phát triển của vùng trọng điểm kinh tế miền trung, Tây Nguyên, góp phần quan trọng trong việc mở rộng và kéo dài trục phát triển công nghiệp dọc duyên hải miền trung từ Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) - Đà Nẵng -Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi) - Nhơn Hội (Bình Định). Theo hướng bố trí các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu thực sự có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Ở thời kỳ đầu KKTNH phát triển theo hướng công nghiệp với nền sản xuất hướng ngoại và thương mại tự do. Trong giai đoạn tiếp theo là thời kỳ phát huy ảnh hưởng của nó đối với Tây Nguyên và dải đất dài rộng phía sau đó.

II. Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 12 nghìn ha, được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào tháng 6-2005, được biết đến như một điểm đến đầy tiềm năng để phát triển thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Sau một thời gian xây dựng hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, năm 2010 và các năm sắp tới chính là thời điểm thích hợp nhất để tiếp nhận các dự án phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ với nhiều quy mô khác nhau. Trong KKT, quỹ đất phát triển sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 1.400 ha, có thể nói đây là khu công nghiệp tập trung, mặt bằng liên tục có quy mô lớn của cả nước. Hiện tại, có khoảng 500 ha đã hoàn thiện các công trình hạ tầng đi kèm, có thể triển khai ngay việc xây dựng các cơ sở sản xuất và dịch vụ. Chậm hơn nhưng đó là sự cần thiết để lựa chọn phương án tốt nhất (đấu thầu quốc tế) về thiết kế quy hoạch khu đô thị mới Nhơn Hội trên quy mô diện tích 680 ha với triết lý hiện đại, thân thiện môi trường và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Cùng với đó, một số địa điểm khác cũng rất thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế.

Hiện nay, các trục lộ giao thông chính dùng chung có tổng chiều dài khoảng 20 km chạy dọc KKT cơ bản hoàn thành, mạng lưới giao thông nội vùng các khu công nghiệp đã thông suốt và kết nối với giao thông đối ngoại của KKT, các công trình hạ tầng cấp thiết khác như điện, nước đã sẳn sàng cung ứng. Công trình cảng tổng hợp thuế quan và cảng phi thuế quan đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, hàng hóa vận chuyển qua đường biển có thể sử dụng tạm thời cảng biển quốc tế Quy Nhơn ở phía đối diện…

Những thông tin nêu trên đã phần nào phản ánh xu hướng đầu tư trở lại của các doanh nghiệp sau thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên, qua đó cũng khẳng định được cơ hội và thời điểm đầu tư tại KKT Nhơn Hội đã thật sự chín muồi, bảo đảm cho sự đồng hành cùng các nhà đầu tư. Khai thác lợi thế về vị trí địa kinh tế kết hợp với việc sớm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và triển khai mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, cải cách hành chính… kết quả đến nay, đã tạo dựng hình ảnh KKT Nhơn Hội thành một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Nếu như trước đây, điều kiện chung chỉ cho phép tiếp nhận một số dự án sản xuất nhỏ và ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng thì nay đã có thể tiếp nhận đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau với quy mô đa dạng, đồng thời hướng tới các dự án sản xuất có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng cao.

III. Cuối năm 2006, chúng tôi tham gia đoàn công tác trong chuyến đi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định sang thăm các tỉnh nam Lào. Thông qua Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Chămpasak, ngài Tỉnh trưởng Ubonrachathani đã mời đoàn công tác đến thăm tỉnh này. Tại đây, ngài Tỉnh trưởng đã phát biểu: “Chúng tôi đã chờ đợi giờ phút này từ rất lâu rồi. Như vậy, thông qua con đường này, con đường ra biển gần nhất của vùng đông bắc Thái lan sẽ là đường xuống cảng Quy Nhơn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Nó mở ra khả năng liên kết phát huy thế mạnh về nhiều mặt của cả các bạn và chúng tôi”.

Cũng như các khu kinh tế khác, KKT Nhơn Hội là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế với xã hội, bao gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch, thương mại - dịch vụ. Điểm khác biệt của KKT này là KKT duy nhất có kết hợp các loại hình du lịch tại các điểm thuộc khu du lịch trọng điểm quốc gia Phương Mai-Núi Bà. Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKTNH là: phát triển công nghiệp có quy mô lớn, xây dựng và kinh doanh kho trung chuyển quốc tế, xây dựng các khu đô thị mới gắn liền với du lịch sinh thái đầm-núi-biển. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn trong và ngoài nước lợi thế so sánh của KKTNH là: nằm cạnh thành phố Quy Nhơn - một đô thị loại 1 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn, làm hậu cứ vững chắc cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ phục vụ khu kinh tế. Ngoài ra, đây là một khu kinh tế có qũy đất lớn 12 nghìn ha và chủ yếu là đất đồi cát, địa chất ổn định, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho quy hoạch và xây dựng mới công trình với chi phí thấp. Vị trí biệt lập, ba mặt giáp biển và đầm. KKT Nhơn Hội là đầu mối giao thông quan trọng với đủ loại hình giao thông: đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt. Chính vì những lợi thế ấy, cộng với cơ chế chính sách thông thoáng, rõ ràng minh bạch nên dù chỉ mới có quyết định thành lập nhưng KKT này đã hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong hơn 10 năm qua, lượng hàng hóa thông qua cụm Cảng Quy Nhơn luôn dẫn đầu miền Trung. Năm ngoái con số này là xấp xỉ 5 triệu tấn. Điều đó nói lên vai trò quan trọng kích hoạt phát triển của cụm cảng này đối với cả khu vực. Để phát huy thế mạnh này, Bình Định đang tập trung nâng cấp mở rộng cụm cảng Quy Nhơn hiện hữu và tiếp tục thu hút đầu tư xây mới các cảng biển có qui mô lớn hơn tại KKT Nhơn Hội. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng đang tăng cường đầu tư, nâng cấp mở rộng qui mô ga đường sắt và sân bay Phù Cát, nhằm tăng tần suất bay đến Bình Định từ cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặt khác Bình Định cũng đang và sẽ tăng cường công tác quảng bá, thu hút đầu tư vào tỉnh và các tỉnh lân cận.

Một tín hiệu đáng mừng từ đầu năm ngoái, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định với chủ đề: “Bình Định - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”. Tại Hội nghị, đã có các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và ngoài nước đến tham dự, và có nhiều Giấy chứng nhận đầu tư, Thỏa thuận hợp tác đầu tư được trao và ký kết. Đến nay có chín dự án với tổng vốn đầu tư 8.733 tỷ đồng được trao Giấy CNĐT và năm dự án khác, thuộc lĩnh vực lọc dầu, cảng biển nước sâu, khu đô thị mới... với tồng vốn khoảng 6,5 tỷ USD. Con số 32 dự án đăng ký đầu tư vào KKT với tổng vốn đầu tư trên 32.400 tỉ đồng là tín hiệu mới ở Nhơn Hội. Một số nhà đầu tư tiềm năng khác đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục với vốn đăng ký đầu tư hàng tỷ USD. Trong KKT đã hình thành ba khu công nghiệp và một khu phi thuế quan đang được đầu tư xây dựng hạ tầng; một số dự án công nghiệp đã được triển khai xây dựng, bắt đầu đi vào hoạt động.

Khu kinh tế Nhơn Hội đã, đang và sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư bởi chính yếu tố hội tụ và lan toả.

 

(Theo Hùng – Đào Tiến Đạt/nhandan)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi