![]() |
Đào mương dẫn nước về đồng. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh, vụ đông xuân toàn tỉnh đã gieo trồng được 48 nghìn 886 ha cây trồng các loại, đạt 89% so với kế hoạch. Riêng diện tích lúa nước đạt 23.279 ha, đạt 100% mức kế hoạch. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 3, diện tích cây trồng bị hạn trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 15 nghìn ha, trong đó có gần 5.000 ha lúa (hơn 2.000 ha bị mất trắng); 8.400 ha cà-phê; 1.600 ha hồ tiêu và 42 ha rau màu. Thống kê sơ bộ, thiệt hại ước tính khoảng 227 tỷ đồng.
Vụ đông xuân 2010-2011, toàn huyện Chư Prông gieo trồng 1.374 ha, trong đó lúa 990 ha, còn lại là dưa hấu, rau xanh và đậu đỗ các loại. Ðến thời điểm này, diện tích cây trồng bị hạn của huyện đã lên tới hơn 2.398 ha. Trong đó, hơn 707 ha diện tích lúa (mất trắng 325 ha), 1.693 ha cây công nghiệp dài ngày bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Diện tích cây trồng bị hạn và mất trắng sẽ còn tiếp tục gia tăng nếu trong một vài ngày tới vẫn không có mưa. Theo khảo sát thực tế, mực nước tại các hồ, đập dâng xuống thấp và sông suối, ao hồ hiện đã cạn kiệt.
Hai địa phương có diện tích lúa đông xuân lớn nhất và được xem là vựa lúa của huyện là xã Ia Lâu và Ia Piơr cũng đang trong cơn đại hạn (Ia Lâu có 80 ha mất trắng và Ia Piơr có 88 ha bị mất trắng). Toàn bộ diện tích 264 ha phía dưới công trình đập dâng Ia Lâu suối Ia Glai bị khô hạn do không còn nước tưới. Chủ tịch UBND xã Ia Boòng Ngô Văn Trường cho biết: Chưa năm nào địa phương lại bị hạn nặng như vậy. Lúa đông xuân coi như trắng tay. Diện tích lúa trên là của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các làng Nhat, Klũh, Klăh, Sơr vốn dựa vào cây lúa là chính. Chuyện thiếu đói của bà con nông dân trong thời gian tới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số có thể nhìn thấy được... Ngay tại thị trấn Chư Prông, dù được hưởng lợi trực tiếp từ hồ thủy lợi của huyện nhưng cũng có đến 35 ha lúa bị hạn (mất trắng khoảng 25 ha). Một số xã bị hạn khác là: Ia Phìn (50 ha), Ia Bang (40 ha), Ia Mơr (45 ha), Bình Giáo (40 ha)...
Không chỉ lúa đông xuân mà hơn 463 ha hồ tiêu và hơn 1.228 ha cà-phê cũng bị hạn và thiếu nước tưới trầm trọng. Anh Nguyễn Văn Hòa, làng Klũh, nói: Nhà trồng hơn một ha cà-phê mà đến nay vẫn chưa tưới xong đợt 1. Do cứ tưới khoảng một tiếng đồng hồ lại phải nghỉ để chờ nước lên. Nước tại các con suối giờ đã bị khô hết rồi. Ở đây có nhiều người tưới một ha cà-phê mất hơn nửa tháng cũng tưới chưa xong, thậm chí không có nước, đành phó mặc cho trời.
Trước thực trạng trên, huyện Chư Prông đã triển khai một số giải pháp nhằm cứu cây trồng. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Chư Prông Nguyễn Văn Gặp cho biết: Huyện hướng dẫn, chỉ đạo cho các địa phương sử dụng nguồn nước hợp lý, tận dụng các nguồn nước từ các khe suối, ao, hồ để tưới. Khuyến khích người dân nạo vét giếng, ao, hồ để trữ nước phục vụ tưới cho cây trồng. Huyện còn hướng dẫn nông dân các biện pháp chống hạn như tủ ẩm cho cây, khoanh vùng bị hạn, đánh giá đúng thực trạng mực nước tại các công trình thủy lợi để chủ động với những diện tích không có khả năng phục hồi, tập trung nước cho những diện tích còn có khả năng để tránh tốn công, lãng phí.
Ðiều đáng ghi nhận, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền, bà con nông dân ở nhiều địa phương đã chủ động tìm cách khắc phục. Ở xã Ia Sao (huyện Ia Grai), vùng đất hưởng lợi trực tiếp từ hồ chứa nước Biển Hồ nhưng cây trồng, nhất là cà-phê vẫn không thoát khỏi 'cơn khát'. Ðể cứu lấy vườn cây, nhiều hộ dân đã dùng tấm bạt bọc trong thùng xe tải, tạo ra 'bể' đựng nước chuyển nước từ những con suối còn nước ở vùng khác về tưới cà-phê. Anh Phạm Văn Tuấn, ở thôn Tân Lập cho biết: 'Chưa năm nào nước lại khô cạn như năm nay. Không có nước, gia đình tôi phải dùng ba xe tải liên tục chở nước về để cứu vườn cà-phê. Bình quân tưới một ha cà-phê theo phương pháp này người dân phải đầu tư gần mười triệu đồng. Mỗi niên vụ thường phải tưới từ ba đến bốn đợt'. Cũng như anh Tuấn, gia đình anh Ðặng Quốc Bình, làng Ó phải thuê xe tải chở nước cách xa vườn cà-phê hơn ba km về để tưới. Anh Bình cho biết: Thường, người trồng cà-phê tưới nước bằng phương pháp xả tràn. Nhưng năm nay không có nước, buộc người dân phải mua nước và thuê máy tưới. Ðể tưới một ha cà-phê người dân phải mua nước với giá một triệu đồng, rồi thuê máy bơm 100 nghìn đồng/giờ (mỗi ha cà-phê phải tưới từ 50 giờ đến 60 giờ).
Trước tình hình nói trên, tỉnh thành lập ba đoàn kiểm tra tình hình thực tế ở các địa phương; đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương hỗ trợ kinh phí để nông dân chống hạn, giảm thiệt hại vụ đông xuân như huy động lực lượng nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp để bảo đảm nước tưới; hướng dẫn các địa phương chủ động chuyển đổi một số diện tích cây trồng cần nhiều nước và không chủ động được nước sang trồng các loại cây khác...
(Theo Bài và ảnh: Hà Nguyên/nhandan)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com