Đây là hành trình được phát động với mong muốn mỗi người dân thủ đô là tấm gương sáng, tích cực tham gia các hoạt động đóng góp cho sự thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
![]() |
Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nhấn mạnh 3 nội dung để tiếp tục xây dựng đời sống văn hoá - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng đã phát động hành trình 50 ngày hướng tới Đại lễ vào tối 20/8.
“Chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không chỉ là việc dốc sức xây dựng những công trình đồ sộ, mà căn cốt hơn, sâu sắc hơn, kỳ công hơn, khó khăn hơn là làm cho xã hội đẹp hơn: đẹp hơn từ mỗi con người, đẹp từ tâm hồn, từ nhận thức đến hành vi”, Phó Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa Thăng Long – Hà Nội và Lễ Tổng kết Chương trình 08 của Thành uỷ về phát triển văn hóa, xây dựng nguời Hà Nội thanh lịch, văn minh thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (giai đoạn 2006 – 2010), 10 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 15 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 10 năm tổ chức “Hội nghị đại biểu nhân dân bàn xây dựng đời sống văn hóa”, 10 năm cuộc vận động " Ngày vì người nghèo ".
Ngày hội văn hóa Thăng Long chính là dịp để nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung hiểu thêm về những tinh hoa văn hóa Thăng Long từ cách ứng xử của người Hà Nội xưa đến những điệu múa, nhịp trống cổ, những bài hát sâu lắng.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau thời gian triển khai Chương trình 08, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng được triển khai khá bài bản, cụ thể. Các sinh hoạt tín ngưỡng được quan tâm trên cơ sở bảo tồn, phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc. Các nơi như huyện Đông Anh, quận Hà Đông đã thực hiện tốt phong trào này.
Cuộc vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo được triển khai dưới nhiều nội dung, hình thức phong phú đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Trong 10 năm, Quỹ Vì người nghèo TP đã quyên góp được 137, 4 tỷ đồng, giúp đỡ hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Riêng trong 2 năm 2009 – 2010, TP đã xóa 7.000 nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn.
![]() |
Những điển hình tiên tiến chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư - Ảnh: Chinhphu.vn |
Đặc biệt, phong trào Người Hà Nội thanh lịch – văn minh đã được triển khai theo các tiêu chí cụ thể.
Các phong trào thi đua cũng rất hiệu quả, thiết thực như “Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, “Tuổi trẻ Thủ đô Sức khoẻ, Trí tuệ, Đoàn kết, Sáng tạo, Thanh lịch, Tình nguyện” của Thành đoàn Hà Nội, “Người chiến sỹ công an nhân dân làm theo 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của công an thành phố…
Công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, phát huy các giá trị di sản văn hoá cũng được chú trọng. Toàn thành đã có 26/29 huyện, thị có nhà văn hoá, 2000 thôn, làng có nhà văn hoá.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cần được triển khai sâu rộng hơn nữa và chú trọng tới 3 nội dung: nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của Phong trào, coi văn hoá là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội; Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, định hướng đúng đắn cho các hoạt động văn hóa, lễ hội; kịp thời phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến thực hiện tốt phong trào.
(Theo Thu Cúc // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com