Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Ðông - vùng đô thị mới, hiện đại ở cửa ngõ Thủ đô

Khu đô thị Văn Quán (Quận Hà Đông, Hà Nội).

Quận Hà Ðông nằm ở cửa ngõ phía tây nam, cách trung tâm Thủ đô 11 km, với diện tích gần 5.000 ha, gồm 17 phường, 230 nghìn nhân khẩu. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Ðảng bộ quận Hà Ðông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa quận phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là thành tích trên lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị.  Quận đã hoàn thành quy hoạch chung tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng ngành, tạo tiền đề để các công trình hạ tầng cơ bản được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn quận có 132 dự án được phê duyệt và khởi công xây dựng. Hệ thống giao thông phát triển mạnh, tạo thành mạng lưới thông suốt, giải quyết tình trạng quá tải về giao thông ở khu vực trung tâm quận, đồng thời mở ra cho Hà Ðông nhiều trục không gian đô thị bề thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận, thu hút nhiều nhà đầu tư. Ðó là tuyến đường trục phát triển phía bắc quận, đường Lê Trọng Tấn, đường Phúc La - Văn Phú... Bốn cây cầu lớn gồm cầu Ðen, cầu Chùa Ngòi, cầu La Khê, cầu Kiến Hưng bắc qua sông Nhuệ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng.

Hà Ðông là quận lớn và có tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Trong bốn năm gần đây, trên địa bàn quận có 16 khu đô thị mới và 64 khu nhà ở, chung cư được triển khai xây dựng. Trong đó có nhiều dự án lớn đã và đang làm đổi thay diện mạo đô thị quận như: Dự án khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, khu đô thị Mỗ Lao, Văn Khê, khu trung tâm hành chính mới, khu đô thị Văn Phú, trục đô thị phía bắc và khu đô thị Dương Nội, trục đô thị phía nam và khu đô thị Thanh Hà. Quận đã thu hút và tạo điều kiện để triển khai các dự án trường đại học lớn, gồm: đại học Thành Tây, Ðại Nam, Hữu Nghị, Nguyễn Trãi; hai dự án Bệnh viện Y học cổ truyền tư nhân An Việt và bệnh viện quốc tế có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD với hơn 1.500 giường bệnh.

Quận tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh, phúc lợi xã hội tại các phường, nhất là bảy phường mới thành lập. Triển khai hàng trăm dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông, xây mới 15 trường học, 15 trạm y tế, xây dựng cải tạo 95 nhà văn hóa, trụ sở làm việc các phường. Ðầu tư nâng cấp và xây mới 115 trạm biến áp, bảo đảm cung cấp điện ổn định. Hệ thống nước sạch bảo đảm cung ứng cho người dân 15 phường và phấn đấu hết năm nay sẽ cung cấp đến những địa bàn còn lại. Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quy mô 46,3 ha đã được lấp đầy với 27 dự án đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Quận đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các điểm công nghiệp làng nghề Vạn Phúc, Ða Sĩ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, hoàn thành quy hoạch điểm công nghiệp Dương Nội, Biên Giang. Nhiều chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn quận được đầu tư xây dựng lại khang trang, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và mua sắm của nhân dân. Các công trình đã làm bộ mặt đô thị của quận thay đổi từng ngày, theo hướng hiện đại, làm đẹp khu vực cửa ngõ phía tây nam Thủ đô.

Bên cạnh chuyển biến về xây dựng và quản lý đô thị, Hà Ðông còn là quận có kinh tế tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 18,5%/năm. Ðặc biệt, sau khi hợp nhất về Hà Nội, quận nằm ở vị trí rất thuận lợi để giao thương phát triển kinh tế, càng có cơ hội phát triển nhanh hơn. Trên  địa bàn quận có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp có truyền thống hàng trăm năm, nay phát triển mạnh như làng Vạn Phúc với nghề dệt lụa, làng Ða Sỹ với nghề rèn dao, kéo. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hơn 20%/năm, năm nay ước đạt 4.456 tỷ đồng, vượt gần 149% so với mục tiêu Ðại hội nhiệm kỳ 2005 - 2010. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, năm 2005 đạt gần 1.600 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 7.600 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 48%. Thu ngân sách trên địa bàn kết quả tốt, năm 2010 ước đạt 1.600 tỷ đồng, gấp 11 lần so với tổng thu năm 2005.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, quận quan tâm giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa gắn với xây dựng nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong các gia đình, đơn vị, khu dân cư được đẩy mạnh. Quận đã xây, sửa 54 ngôi nhà cho các gia đình chính sách, cải tạo 226 ngôi nhà cho các hộ nghèo. Nhằm ổn định đời sống cho người lao động sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, 5 năm qua, quận đã dành hàng tỷ đồng đào tạo 7.700 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 12.500 người.

Công tác xây dựng Ðảng của Ðảng bộ quận trong nhiệm kỳ vừa qua có bước phát triển lớn về số tổ chức đảng và số lượng đảng viên. Từ 80 tổ chức cơ sở đảng và hơn 7.500 đảng viên, đến nay Ðảng bộ quận có 98 chi bộ đảng bộ trực thuộc với hơn 10.200 đảng viên. Toàn Ðảng bộ đã thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Công tác phát triển đảng được chú trọng, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn Ðảng bộ kết nạp được 1.172 đảng viên mới, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, quá "nóng" trong một thời gian ngắn cũng làm phát sinh một số bất cập. Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa nghiêm, hiệu quả còn thấp. Tình hình xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm xây dựng trái phép có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở một số phường mới thành lập như Dương Nội, Yên Nghĩa, Phú Lương... trong thời gian gần đây. Công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn còn nhiều yếu kém. Các vấn đề môi trường như nước sinh hoạt, nước thải, rác, ô nhiễm bụi trên địa bàn còn nhiều bức xúc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân, cảnh quan đô thị. Kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, nhưng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn thấp.

DỰ thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ quận nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt mục tiêu xây dựng quận Hà Ðông trở thành đô thị với tốc độ phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững, là một trong những quận phát triển hàng đầu của Thủ đô. Các khâu đột phá là cải cách hành chính gắn liền với nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị mà trọng tâm là hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường. Trong phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 19%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 85 triệu đến 90 triệu đồng/năm. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm 51%, dịch vụ chiếm 47%. Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2010-2015 từ 90.000 đến 95.000 tỷ đồng, tăng 35%/năm... Phát triển đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại gắn liền với bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với truyền thống quê hương cách mạng và những tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, con người, Ðảng bộ và nhân dân quận Hà Ðông đặt mục tiêu khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình đô thị hóa, nhanh chóng xây dựng Hà Ðông trở thành vùng đô thị mới, hiện đại ở cửa ngõ tây nam Thủ đô.

(Theo Việt Anh // Nhandan Online)

  • Tiêu thụ lúa ở ĐBSCL: Thương lái thờ ơ, nông dân lo lắng
  • ĐBSCL: "Chết đứng" với lúa hè thu Người nông dân vẫn mãi loay hoay
  • Xây dựng Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp tiêu biểu
  • Bệnh viện bay ORBIS trở lại Đà Nẵng
  • TP HCM kiến nghị biện pháp mạnh quản lý game online
  • Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố cảng
  • Cảnh báo sớm thiên tai cho miền Trung
  • Năm 2010, Hải Phòng phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 10%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi