Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðể khai thác hải sản ở Bạc Liêu đạt hiệu quả cao và bền vững

Đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ  của ngư dân Bạc Liêu.
Bạc Liêu có chiều dài bờ biển hơn 56 km với nguồn thủy, hải sản phong phú. Toàn tỉnh có 1.070 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản, nhưng chỉ có 360 phương tiện đánh bắt xa bờ.
 
Việc tập trung nhiều phương tiện khai thác ven bờ tác động xấu đến ngư trường khai thác và làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản của địa phương...

Tại huyện Hòa Bình, trong tổng số 217 phương tiện, chỉ có năm tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là khai thác gần bờ với các nghề như cào, te, thẹ... Ông Trần Văn Thành, chủ một tàu cho biết, nhiều người đều biết đánh bắt thủy sản gần bờ sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nhưng vì cái lợi trước mắt (như đánh bắt thời gian ngắn, ít chi phí, không cần nhiều lao động...) nên họ vẫn làm. Còn đánh bắt xa bờ đòi hỏi chi phí đầu tư nhiều, và cũng lắm rủi ro, có lúc còn thua lỗ. Từ đầu năm 2009 đến nay, có đến 30% số tàu, thuyền của huyện phải "nằm bờ" vì khai thác không hiệu quả...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, hơn một năm qua, do giá dầu, vật tư, các loại ngư, lưới cụ tăng mạnh, làm các chủ tàu đánh bắt xa bờ tăng 70% chi phí, khoảng 15 đến 20 triệu đồng/chuyến, còn các tàu thuyền đánh bắt ngắn ngày cũng tăng chi phí từ 6 đến 7 triệu đồng/ chuyến. Trong khi đó, giá sản phẩm không ổn định, có lúc giảm. Trước tình hình đó, nhiều chủ tàu, thuyền chuyển sang nghề cào đôi, cào đơn, "góp phần" tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Ngoài những nguyên nhân khách quan làm cho việc khai thác, đánh bắt hải sản kém hiệu quả, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan. Ðó là những bất cập trong quản lý. Do thiếu đầu tư, thiếu những giải pháp mang tính chiến lược để phát huy hiệu quả từ kinh tế biển, nên để xảy ra tình trạng tự phát quá nhiều tàu, thuyền khai thác gần bờ. Một vấn đề khác mà ngành quản lý và chính quyền cơ sở lâu nay chưa chú trọng, là giúp ngư dân liên kết, hình thành các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Són, chủ vựa cá Tư Dung, thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải), nói: "Nếu các phương tiện liên kết với nhau, sản lượng thủy sản sẽ tăng, làm giảm chi phí vận chuyển. Mặt khác, việc hình thành các tổ hợp tác dịch vụ hậu cần còn là điều kiện để chủ phương tiện tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thông qua tín chấp, thay vì phải thế chấp tài sản như hiện nay".

Ðầu tư hạ tầng cho hoạt động khai thác, đánh bắt cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Bạc Liêu chỉ có một Cảng cá Gành Hào (huyện Ðông Hải), còn dự án biển Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu) và cống Cái Cùng (huyện Hòa Bình) vẫn đang nằm trên giấy. Vì thế, nhiều tàu, thuyền của Bạc Liêu phải bán sản phẩm cho các doanh nghiệp ở Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh... Việc làm này đã khiến cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương thiếu nguyên liệu chế biến. Ðó là chưa kể những bất cập của hệ thống giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa và tạo thuận lợi cho các phương tiện neo đậu, bốc dỡ, lưu giữ hàng hóa trước khi xuất bán...

Ngoài ra, các ngành chức năng ở Bạc Liêu cũng chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn để giúp ngư dân thay đổi nhận thức, cách làm nhất là thay đổi tập quán sản xuất. Có thể lấy thí dụ trong chính sách hỗ trợ từ Quyết định số 289 của Chính phủ, phần lớn ngư dân đều không nhận được hỗ trợ từ việc mua mới, đóng mới, thay máy mới, vẫn giữ thói quen sử dụng máy cũ. Ðây cũng là nguyên nhân làm cho ngư dân chưa được tiếp cận với những thiết bị, công nghệ mới và chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới phục vụ cho hoạt động khai thác xa bờ như trang bị máy tầm ngư...

Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu Hồng Văn Thưởng cho rằng, để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, cùng với điều tra, đánh giá, thống kê tổng thể nguồn lợi thủy sản, nhất là thủy sản quý hiếm để có kế hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý, cần cơ cấu lại tàu, thuyền, nghề khai thác cho phù hợp, đồng thời tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ, chuyển nghề cho chủ tàu, thuyền đánh bắt ven bờ.

Từ thực trạng và bất cập nêu trên, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng Bạc Liêu cần sớm có giải pháp tháo gỡ, để lĩnh vực khai thác thủy sản của địa phương đạt hiệu quả cao và bền vững, đồng thời giúp ngư dân Bạc Liêu khai thác có hiệu quả cao hơn.

 

(Theo Bài và ảnh: TRỌNG DUY/nhan dan)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi