![]() |
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kom Tum. |
Theo thiết kế, chiều dài đường Hồ Chí Minh gần 3.200 km, nối từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Ðất Mũi (Cà Mau), đi qua 30 tỉnh, thành phố,là tuyến đường bộ dài nhất nước ta.
Giai đoạn 1 của dự án, đoạn từ Hà Nội đến Kon Tum đã đưa vào khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho những địa phươngcó con đường đi qua. Tuy nhiên, sau gần ba năm khai thác,tuyến đường này vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế...
Viết tiếp con đường Huyền thoại
Chưa có dự án đường giao thông nào ở nước ta có quy mô lớn, chiều dài và đi qua nhiều tỉnh, thành phố với nhiều địa hình phức tạp như đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 của dự án dài 1.350 km, vốn đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 của dự án bắt đầu từ năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm nay. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, giai đoạn 2 có khả năng đến năm 2013 mới hoàn thành. Giai đoạn 3 sẽ triển khai từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp quy hoạch được duyệt,...
Cách đây mười năm, ngày 5-4-2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) một trọng điểm bom đạn ác liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công đường Hồ Chí Minh, trục đường xuyên Việt thứ hai. Với khí thế "xẻ dọc Trường Sơn", các lực lượng thi công đã đồng loạt ra quân, "viết tiếp" kỳ tích mới trong thời bình, trên chính nền con đường đạn bom cày xới. Tuyến đường hiện đại tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, với hai làn xe, bảo đảm lưu thông cho xe siêu trường, siêu trọng đã hiện lên nhanh chóng. Gần 1.000 km đường từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) gồm 24 cây cầu lớn, 172 cầu trung đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2003. Trung bình mỗi ngày, các đơn vị thi công làm được gần 1 km, một kỷ lục về tiến độ của ngành giao thông.
Tại Nghệ An, đường Hồ Chí Minh dài 133 km, đi qua 29 xã của năm huyện, thị xã, đã tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, đồng thời kết nối các tuyến tạo thành mạng lưới giao thông giữa phía tây nam và tây bắc, nối các trục dọc giữa đồng bằng và miền núi. Các vùng có tuyến đường đi qua có cơ hội khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ chế biến; hình thành các cụm công nghiệp; kết nối các khu kinh tế cửa khẩu như Thanh Thủy, Nậm Cắn, Thông Thụ với nước bạn Lào và vùng đông bắc Thái-lan. Ngoài việc tạo cơ hội đổi đời cho người dân, đường Hồ Chí Minh còn thu hút các dự án đầu tư lớn để hình thành những khu công nghiệp như xi-măng Anh Sơn, Tân Kỳ; nhà máy chế biến gỗ ván ép hay chế biến sữa quy mô công nghiệp lớn nhất ngành nông nghiệp nước ta từ trước đến nay ở huyện Nghĩa Ðàn, Thái Hòa... Trên một vùng đất rộng lớn phía tây, đường Hồ Chí Minh đóng vai trò đắc lực trong việc quy hoạch, phân bố đất trồng cây công nghiệp, điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Tỉnh Nghệ An đang triển khai sắp xếp lại dân cư các xã dọc đường Hồ Chí Minh, gắn quy hoạch các điểm dân cư với phát triển sản xuất. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Nghệ An, sẽ hình thành mới ba thị trấn, bảy thị tứ và 13 điểm dân cư tập trung.
Ðường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chia làm hai nhánh đông và tây, trở thành tuyến huyết mạch giao thông nối liền miền núi và miền xuôi, nhiều bản làng sầm uất đã mọc lên dọc theo hai bên đường, tạo bộ mặt mới cho vùng nông thôn, miền núi. Qua địa bàn huyện Ða Krông, chúng tôi gặp anh Hồ La Hàm, ở thôn Xy Pa, xã Tà Long. Anh kể: Trước đây, sống trong rừng rậm, cái chân giẫm nát bao cánh rừng, mòn mấy bờ đá suối vậy mà dân bản miềng vẫn cứ thiếu đói quanh năm. Nay có đường Hồ Chí Minh đi qua bản, bà con miềng có cuộc sống ổn định, khá giả hơn, muốn ra thị trấn Krông Klang chỉ chạy xe máy nửa buổi là đến nơi. Ðiều đó, trước đây có nằm mơ dân bản miềng cũng không thể nghĩ đến.
Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn cho biết: Ðến nay, mặc dù mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đường Hồ Chí Minh đã đáp ứng hầu hết các mục tiêu mà Ðảng, Nhà nước đề ra khi xây dựng con đường. Ðưa vào sử dụng đoạn tuyến từ Hòa Lạc đến Ngọc Hồi, cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào thuộc các tỉnh phía tây Trường Sơn đã thay đổi rõ rệt từng ngày. Hy vọng trong tương lai, khi đường Hồ Chí Minh được nối thông từ Pác Bó đến Ðất Mũi, cùng hệ thống các đường ngang nối với các quốc lộ, tỉnh lộ trong cả nước và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ được đầu tư đồng bộ, hiệu quả khai thác sẽ lớn hơn rất nhiều.
Cần quan tâm đầu tư dịch vụ vận tải
Trong chuyến đi công tác miền trung mới đây, chúng tôi đi theo đường Hồ Chí Minh. Anh lái xe nhấn chân ga, chiếc xe lướt êm ru trên con đường rộng rãi, phẳng lỳ, với đường sơn vàng xa hút tầm mắt. Từ nơi đông đúc, chật hẹp phố thị, ra nơi thoáng đãng, êm ái, ai cũng có cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, rong ruổi hàng giờ trên đường mà thấy trước sau đều vắng bóng người xe qua lại. Theo ước tính, lưu lượng xe trên đường Hồ Chí Minh chỉ bằng 15 đến 20% so với quốc lộ 1A, chỉ những khi mưa lũ gây ách tắc quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh mới thật sự... phát huy tác dụng. Mặc dù cự ly gần hơn, không phải chịu phí cầu đường, nhưng từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào tổ chức chuyên chở khách cố định chạy suốt bắc - nam. Ngay cả các tuyến liên tỉnh có cự ly trung bình, cũng chưa tỉnh nào tổ chức được, trừ Hà Nội, Hòa Bình và Thanh Hóa. Lý do đơn giản: Mở tuyến vận tải mà vắng khách, không phá sản mới lạ.
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ đi kèm theo tuyến như xăng, dầu, sửa chữa, thông tin liên lạc vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người tham gia giao thông. Cung đường từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi dài hơn 300 km nhưng gần như không có trạm xăng, dầu nào. Ngay cả chỗ ăn nghỉ dọc đường cũng khó tìm, kiếm được quán ăn là đủ toát mồ hôi. Tuy nhiên, những bất tiện nói trên không đáng ngại bằng việc chẳng may gặp phải sự cố hỏng hóc. Có đoạn đường dài 500 - 600 km không có lấy một chỗ sửa chữa, bảo dưỡng ô-tô nào. Xe hỏng, lái xe chỉ còn cách tự sửa chữa hoặc gọi thợ từ nơi khác đến, nếu không thì đành thuê xe kéo xuống quốc lộ 1A để sửa. Việc mở những dịch vụ trên tuyến đường dường như đang sa vào vòng luẩn quẩn. Người và phương tiện tham gia giao thông thưa vắng nên chẳng ai muốn đầu tư hệ thống dịch vụ đi kèm, và khi chưa có hệ thống dịch vụ thì không doanh nghiệp nào dám mở tuyến vận tải. Vì thế, hiệu quả khai thác con đường vẫn ở dạng... tiềm năng.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2001 đến cuối năm 2008, trên tuyến đường đã có tới gần 2.000 điểm bị sụt trượt, tập trung phần lớn ở đoạn chạy trên dãy Trường Sơn, từ Quảng Bình đến Kon Tum. Ðịa hình chia cắt mạnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông và an toàn giao thông trên tuyến đường. Mỗi mùa mưa đi qua, kinh phí dành cho việc tu bổ, sửa chữa lên tới hàng chục tỷ đồng. Cùng với nguy cơ sạt lở, tính kết nối yếu là hạn chế không nhỏ của tuyến đường trong giai đoạn 1. Ðường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A dài 1.350 km (giai đoạn 1), nhưng hệ thống đường ngang kết nối hai con đường với nhau chỉ có hơn mười tuyến, trung bình 80 km mới có một đường ngang chạy qua. Tất cả hệ thống đường ngang này đều tận dụng từ những tuyến đường sẵn có từ trước, chất lượng công trình thấp.
Ðể khai thác một cách hiệu quả đường Hồ Chí Minh, việc làm cấp bách hiện nay là phải đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ dọc tuyến, cùng hệ thống các đường ngang nối con đường với các quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu, cảng biển,... Hy vọng trong tương lai gần, khi được hoàn thành, đường Hồ Chí Minh sẽ trở thành tuyến hành trình liền mạch phía tây, từ bắc vào nam và ngược lại, một biểu tượng của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
(Bài và ảnh : Hưng Thư và Văn Hai // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com