Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi ô nhiễm "vươn vai" lên vùng cao ở Phú Thọ

 
Sau mấy đêm không ngủ, mắt anh Trần Văn Mai đã thâm quầng lại, người vêu vao và xanh xám như thiếu đói lâu ngày. (Ảnh: Sơn Bách - Thông Chí/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Xệt vừa đi ra khỏi nhà lên đồng chè đã ôm miệng buồn nôn. Chỉ khoảng 2h sau, bà Xệt đã phải ở trung tâm y tế huyện để truyền nước. Rồi lần lượt cả tuần nay, khu Đồng Gạo, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, ngày nào cũng có người phải đi truyền nước, mặt mũi xám xịt mệt mỏi. 


Tất cả những hiện tượng trên là do khu vực này mới xuất hiện một trại gà ngay giữa khu dân cư. 44 chiếc quạt gió được thổi từ những chuồng gà hắt thẳng vào nhà dân mang theo mùi phân gà trộn lẫn mùi thuốc trừ sâu.

Dân cư khu Đồng Gạo tá hỏa gửi đơn khắp cả mấy tháng nay, nhưng đến giờ mọi chuyện vẫn y nguyên như lúc đầu.

“Xóm mùi thuốc trừ sâu”

Tân Sơn là huyện mới tách từ huyện cũ vùng cao Thanh Sơn. Đường dẫn trung tâm huyện mướt mắt bởi đồi chè xanh ngút ngát. Ở nơi đây, nhà nào cũng có vài trăm mét vuông trồng chè. Từ hơn chục năm nay, nguồn sống chủ yếu của người dân là những đồi chè. Cuộc sống thanh bình, không khí trong lành của huyện vùng cao bị biến mất bởi trại gà được đi vào hoạt động từ đầu năm.

Nhà ông trưởng khu Hà Hữu Thạo, cách trại gà cả đoạn đường vài trăm mét nhưng trong thời điểm chúng tôi có mặt 10h sáng vẫn thoang thoảng mùi khó chịu. Nhiều người dân xung quanh khẳng định mùi đó gần giống mùi thuốc trừ sâu.

Ông Thạo cho biết, mỗi lần có gió Đông, mùi phân gà lại bay vào, nồng nặc không tài nào chịu được. Nhất là khoảng thời gian từ 5h chiều đến đêm, dù có “úp mặt xuống gối vẫn nôn nao, khó ngủ”.

Trường hợp của ông Thạo vẫn còn đỡ hơn rất nhiều 70 hộ dân sống sát ngay cạnh trại gà. Mặc dù trước mỗi nhà đều có bóng cây che mát nhưng nhà nào cũng phải giăng bạt kín cửa, bật quạt cả ngày. Mọi khe hở đều được bịt chặt bằng xốp hay bìa các tông.

Vài tháng trở lại đây, giờ giấc sinh hoạt của những hộ dân cư tại đây cũng bị đảo lộn.

“Chúng tôi phải lên đồi chè từ 5h sáng, và cả ngày ở luôn trên đó. Trẻ con thì phải cho sơ tán gấp về nhà nội, ngoại. Mọi người đến khuya mới lác đác trở về “, anh Ân nói.

Theo thống kê chưa đầy đủ của bà Nguyễn Thị Hiền, cán bộ y tế thôn bản thì: Vài tháng trở lại đây, ngày nào cũng có người phải đi truyền nước ở trung tâm huyện.

Ngồi thần người trong căn nhà kín như bưng, anh Trần Văn Mai vẫn chưa hết kinh hoàng vì “mùi gà nồng nặc quá”. Sau mấy đêm không ngủ, mắt anh thâm quầng lại, người vêu vao và xanh xám như thiếu đói lâu ngày.

Nhà anh Nguyễn Công Nhị gần đó cũng chỉ cách trại gà một bức tường. Do đó, hầu như lúc nào, nhà anh cũng ngai ngái mùi thuốc trừ sâu. Khách khứa hay người lạ vào không quen ngay lập tức buồn nôn, người nào yếu chỉ ở khoảng một buổi là người lả dần.

“Mà mỗi đợt đi truyền nước cũng tốn khoảng vài chục đến hơn một trăm. Nhiều người ở đây đã cắn răng chịu đựng cho đến khi bệnh nặng như trường hợp của bà Xệt, bà Huệ phải ở nằm việc cả tuần trời.”, bà Hiền cho biết thêm. 

Ô nhiễm do thực hiện sai thiết kế? 

Trại gà 64.000 con này thuộc quản lý của công ty của công ty JapFa Comfeed VietNam (công ty 100% vốn nước ngoài). Khi PV Vietnam+ vào trại gà tìm hiểu nguyên nhân ô nhiễm thì không gặp được ban lãnh đạo công ty. 

Người dân xóm Đồng Gạo cũng khẳng định, từ khi xây trại gà tới nay họ chưa lần nào được “diện kiến”  ông chủ người nước ngoài của công ty này.

Ông Đỗ Văn Thuần, quản lý trại gà cho biết: “Mùi thuốc trừ sâu” mọi người ngửi thấy thực ra chỉ là mùi cám cộng với phân gà.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn, phải hết 64 tuần tương đương với một vòng đời của lứa gà, công ty mới cho thay phân một lần.

Bản thân ông Thuần cũng thừa nhận, mùi mà trại xả ra “vô cùng khó chịu”.

Đáng nói hơn, trong khi 70 hộ dân khu Đồng Gạo ngày ngày phải chiến đấu với ô nhiễm thì 64.000 con gà trong trại lại được hưởng “chế độ bảo hiểm” tối đa.

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống quạt thông gió của trại gà gồm 44 cánh quạt, đường kính dài 1,5m có nhiệm vụ xử lý mùi phân nhằm tránh gà mắc bệnh.

Bên cạnh đó, hệ thống vệ sinh ở trại gà cũng được kiếm soát nghiêm ngặt, người lạ vào trại gà phải đi qua một cánh cửa có phun hóa chất dạng sương mù để khử trùng.

“Vệ sinh cho gà thì cẩn thận còn cho cộng đồng bê tha vậy thì rõ ràng là không được”, bà Hiền -Trưởng y tế thôn bức xúc.

Không tìm được câu trả lời về biện pháp khắc phục ô nhiễm từ trại gà, chúng tôi tìm đến ông Đinh Công Thắng, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện Tân Sơn. Ông Thắng cho hay: Nguyên nhân chính của ô nhiễm là do trại gà thi công sai so với  thiết kế ban đầu.

Cụ thể, theo thiết kế 44 cánh quạt thông gió phải hướng ra phía bờ sông Bứa, nơi không tập trung dân cư. Đồng thời, toàn bộ lượng khí thải sẽ được dẫn qua hệ thống rãnh ngầm nhằm giảm thiểu mùi. Tuy nhiên, đến khi thi công, không hiểu sao, hướng quạt lại chĩa thẳng vào nhà dân và hệ thống ngầm thì… biến mất.

Về trách nhiệm của phòng Tài nguyên Môi trường huyện chỉ quản lý khi đi vào hoạt động. Còn khi dự án trại gà đặt ở đâu, thiết kế như thế nào thì cấp trên là Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường đã thông qua, huyện chỉ biết chấp hành.

Để khắc phục ô nhiễm, ông Thắng cho biết công ty JaFa đã thiết kế hệ thống thải khí ngầm theo rãnh đào dưới đất để mùi phân gà và cám thổi thẳng ra sông Bứa.

Còn hiện tại, khi hệ thống thải khí ngầm chưa hoạt động thì công ty JaFa xin phép vừa tiếp tục hoạt động vừa thi công hệ thống thải khí ngầm.

Có điều lạ là, khi xảy ra tình trạng ô nhiễm, người dân xóm Đồng Gạo đã gửi đơn khắp nơi ở tất cả các cấp. Theo thông tin từ những người dân, cũng có các đoàn về thanh kiểm tra, nhưng tới giờ trại gà vẫn hoạt động. 

“Chúng tôi đề nghị tạm dừng hoạt động của trại gà cho đến khi nào khắp phục được lỗi ô nhiễm. Thu hút đầu tư cũng quan trọng, nhưng đời sống của người dân cũng không thể xem nhẹ được”, trưởng thôn Hà Hữu Thạo cho biết./. 

Cũng trong buổi làm việc với Vietnam+, ông Thắng khẳng định Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có công văn yêu cầu phía JapFa Comfeed VietNam phải trả lời dân cư khu Đồng Gạo bằng văn bản. Song song với đó, chậm nhất đến ngày 20/8, toàn bộ hệ thống xử lý thải phải được hoàn tất. 
 

Chí - Bách (Vietnam+)

 

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi