Nét đặc biệt ở khu thương mại Tịnh Biên là không chỉ hàng ngoại giá rẻ mà rất nhiều sản phẩm nội địa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất bán chạy như tôm tươi.
Hàng Việt... vẫn được chuộng
Những ngày cuối tuần, con đường từ cầu sắt Xuân Tô vào khu thương mại Tịnh Biên chật kín người đến mua sắm hàng giá rẻ ở khu miễn thuế. Anh Phan Phát Đạt, Phó Giám đốc siêu thị miễn thuế Thiên Thiên Phú cùng 40 nhân viên tất bật tiếp đón, giới thiệu sản phẩm cho khách.
Hàng hóa ở siêu thị miễn thuế rất đa dạng từ hàng tiêu dùng đến mỹ phẩm, thực phẩm… thứ nào cũng có. Rất nhiều sản phẩm ngoại nhập từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc… được bày bán san sát với giá thấp hơn thị trường từ 10% - 30%.
Anh Lê Văn Lề, ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cầm chai sữa tắm White Care của Malaysia xem đi xem lại: “Sữa tắm ngoại giá 65.000 đồng nhưng chưa biết chất lượng ra sao, trong khi sữa tắm nội X-men giá thấp hơn một chút và chất lượng đảm bảo. Thôi thì chọn hàng nội!”.
Không chỉ anh Lề, mà chị Nguyễn Thị Thu Ba, ở Chợ Mới (An Giang), sau khi xem xét các loại bột giặt của Trung Quốc loại 4 - 5 kg được bán miễn thuế với giá 95.000 – 107.000 đồng, nhưng cuối cùng vẫn chọn mua hàng nội.
Anh Phan Phát Đạt cho biết: “Khi tận mắt chứng kiến hàng nội bày bán tại đây với giá rẻ hơn thị trường nhờ được miễn thuế, cộng với mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo nên nhiều người đã thay đổi quyết định”. Nếu như trước đây, siêu thị Thiên Thiên Phú đa số là hàng ngoại thì nay số lượng hàng nội đã chiếm tỷ lệ 50%.
Bà Phan Thị Mỹ Nhựt, Giám đốc siêu thị miễn thuế Mỹ Nhựt, tiết lộ: “Chúng tôi nhập khoảng 1.500 mặt hàng các loại từ nhiều nước về phục vụ nhu cầu mua sắm ở khu miễn thuế. Dù hàng ngoại khá dồi dào nhưng hàng nội, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn bán khá chạy”.
Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu An Giang Nguyễn Minh Trí phấn khởi khi mỗi ngày có trên 1.000 người đến mua sắm ở khu miễn thuế, doanh số bán ra khoảng 1 tỷ đồng. Riêng những ngày cuối tuần lượng người đến tăng gấp 3 lần, doanh số bán hàng cũng tăng tương tự.
Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm ở khu vực biên giới rất lớn. Đáng mừng là hàng Việt đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng trước sự cạnh tranh của hàng ngoại giá rẻ.
Xâm nhập mạnh vào thị trường Campuchia
Mới hoạt động không bao lâu nhưng khu thương mại Tịnh Biên đã có bước phát triển vượt bậc. Ngoài việc bán hàng miễn thuế phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước với mức không quá 500.000 đồng/người/ngày, khu thương mại còn là nơi “nhập” hàng Việt khá lớn của các doanh nghiệp từ TPHCM, ĐBSCL và các nơi khác.
Hàng Việt vào khu thương mại sẽ được áp dụng chính sách miễn thuế, và khi xuất khẩu trực tiếp sang Campuchia cũng được miễn thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… Có thể nói, khu thương mại Tịnh Biên là khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên ở nước ta đang phát triển mô hình “dựng tiền đồn” để đưa hàng Việt áp sát biên giới xuất sang Campuchia.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá cao tiềm năng thị trường Campuchia với sức mua ngày càng tăng mà không đòi hỏi quá cao về chất lượng. Để khai thác sâu hơn trong thời gian tới, thành phố đang xúc tiến quan hệ với An Giang và Tây Ninh để xây dựng các kho trữ hàng sẵn sàng cung ứng hàng hóa sang Campuchia liên tục.
Ông Nguyễn Trọng Đức, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đưa ra những con số thực tế để chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Campuchia.
Ông Đức phân tích, từ năm 2003 - 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia có mức tăng trưởng 36,7%. Các ngành chức năng dự báo năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước ước đạt 2,31 tỷ USD và đến năm 2015 giá trị kim ngạch đạt 6,55 tỷ USD.
Hiện tại đã có trên 150 doanh nghiệp Việt Nam thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty, cửa hàng… tại Campuchia. Đáng mừng là người tiêu dùng Campuchia chọn hàng Việt sử dụng ngày càng tăng để thay cho hàng Trung Quốc và Thái Lan.
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài 1.137 km, với 9 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, 34 cửa khẩu phụ… là điều kiện thuận lợi để giao thương buôn bán. Những năm qua chính sách quan hệ thương mại giữa 2 nước ngày càng thắt chặt, đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đưa hàng hóa sang Campuchia. Nhiều mặt hàng như nông sản, mì ăn liền, thức uống, thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, sắt, thép, sản phẩm nhựa, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng… tiêu thụ mạnh tại thị trường Campuchia. Vấn đề còn lại là Nhà nước nên có những chính sách dài hạn về kinh tế cửa khẩu để doanh nghiệp an tâm đầu tư. Điển hình như chính sách miễn thuế chỉ áp dụng đến năm 2012 là quá ngắn khiến các doanh nghiệp ngán ngại, không dám đầu tư dài hạn để phát triển kinh tế cửa khẩu. |
(Theo Huỳnh Phước Lợi // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com