Trong số 3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức cũ, nếu như quận 2 đang phát triển theo hướng một đô thị trung tâm, quận Thủ Đức tập trung phát triển về công nghiệp - thương mại - dịch vụ, quận 9 có đặc thù giữ được diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn để phát triển thành khu đô thị sinh thái - lá phổi xanh nằm ở hướng Đông Bắc của TPHCM. Đây cũng được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển quận 9.
Hình thành các khu du lịch
Tận mắt chứng kiến cơ ngơi của gia đình bà Huỳnh Thị Hồng (khu phố Lân Ngoài, phường Phước Long, quận 9), với 3 ngôi nhà mới xây bề thế nằm giữa vườn trái cây rộng 2ha, ít ai ngờ 30 năm trước, nơi đây còn là vùng đất hoang vu, sình lầy. Ngày đó, gia đình bà đến đây nhận đất khai hoang, làm rẫy với hai bàn tay trắng. Bà Hồng nhớ lại: “Phá hoang đến đâu, gia đình tôi trồng hoa màu đến đó. Ngày thu hoạch khoai mỡ, tự tôi chèo xuồng theo sông Đồng Nai xuống Biên Hòa bán, lấy khoai đổi lúa, sống đắp đổi qua ngày.
![]() |
Một góc khu quy hoạch 100ha vườn cây ăn trái tại phường Long Phước, quận 9. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Tới năm 1995, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tôi được tặng nhà tình nghĩa. Đến năm 1996, gia đình tôi mới quyết định thế chấp 2ha đất rẫy để vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội quận 9, đầu tư cải tạo đất làm vườn, trồng cây ăn trái”. Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Hồng đúng dịp những cây bưởi da xanh đang mùa ra trái, chôm chôm chín đỏ vườn. Dọc con đường dẫn vào nhà là hàng dừa xiêm trĩu quả. Khu vườn tuy không rộng nhưng có đủ các loại cây ăn trái như dâu, bưởi, xoài, sầu riêng, mít, ổi… Ở mấy con mương quanh vườn, còn nuôi cá rô phi, cá mè. Giờ cá đã to bằng 2 bàn tay, có con nặng gần 4 kg. Bà Hồng cho hay, đã bắt đầu có nhiều đoàn khách tới tham quan, mua trái cây ở vườn nhà.
Cách đó không xa, tại phường Trường Thạnh, khu vườn của ông Trần Công Danh đang trong giai đoạn hoàn tất. Với hơn 2,3ha đất vườn, ông Danh thiết kế khu vườn của mình theo kiểu vườn sinh thái với cây ăn trái, hoa kiểng, nhà thủy tạ, hòn non bộ, nhà gỗ… Khu vườn này đã từng đoạt giải nhất hội thi Vườn sinh thái đẹp TPHCM lần 2 năm 2005 - 2006. “Hiện chúng tôi đang xây dựng bờ kè và mở rộng đường sông, chuẩn bị ghe đưa đón khách tham quan. Chúng tôi cũng sẽ xây thêm nhà nghỉ để phục vụ du khách”, ông Danh chia sẻ. Trong số 54 vườn sinh thái được Ban Tổ chức hội thi Vườn sinh thái đẹp TPHCM lần 3 công nhận dựa trên điểm số về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, riêng quận 9 đã đoạt 4/6 giải cá nhân về vườn sinh thái đẹp, 2 giải cụm vườn sinh thái (thuộc ấp Lân Ngoài, phường Phước Long và ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ).
Những ngày này, trở về quận 9, đặc biệt khi đi đến những phường “vùng xa” như Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, dễ dàng nhận thấy nhiều con đường nhỏ dẫn vào các khu vườn đã được trải bê tông, lót đan hay rải đá sạch sẽ, xe 4 bánh có thể vào được. Bà con đang đầu tư chuẩn bị đón khách du lịch.
Phát triển du lịch bền vững
Không phải ngẫu nhiên mà các hộ dân ở quận 9 lại chịu khó làm vườn, đào ao, thả cá. Khi cơn sốt đất bùng phát, miếng vườn, miếng ruộng bỏ cho cỏ mọc bấy lâu bỗng có khả năng đổi thành vàng, thành tiền. Về địa hình, quận 9 nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, là vùng cao của TP với địa hình lượn sóng. Bên cạnh vùng đất cao còn có những vùng trũng như vùng bưng 6 xã. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Thấy trước quy hoạch đô thị chung của quận có nguy cơ bị phá vỡ khi đất nông nghiệp mất dần, Đảng bộ quận 9 đã định hướng xây dựng đề án 100ha vườn cây ăn trái tại phường Long Phước.
Trong đó, mục tiêu chủ yếu là vận động nhân dân đầu tư cải tạo vườn kết hợp tạo mảng xanh, cây kiểng, thảm cỏ, tổ chức tập huấn kỹ thuật làm vườn kết hợp trang trí hoa viên; tham quan các mô hình vườn du lịch và khởi động dịch vụ du lịch: ăn uống, nghỉ dưỡng, câu cá giải trí… Đến nay, sau một thời gian triển khai thực hiện, mặc dù khu du lịch vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng cây trái đã cho quả và một số nhà vườn đã bắt đầu mở cửa đón khách. Vóc dáng của một khu du lịch sinh thái nằm ở của ngõ Đông Bắc TP đang dần hé lộ.
Anh Nguyễn Văn Nam, Phó phòng Kinh tế quận 9 cho biết: Quận đang vận động một số nhà vườn có thế mạnh về vốn, về kinh nghiệm trồng vườn, làm du lịch để xây dựng những mô hình mẫu. Một khi mô hình mẫu thành công, những nhà vườn khác sẽ làm theo. Nhận định về khả năng phát triển của khu du lịch sinh thái nằm giữa lòng TP này, nhiều nhà vườn lạc quan khi cho rằng: Nếu đầu tư đúng mức và đúng hướng, với ưu thế nằm gần trung tâm TP, giao thông ngày một thuận tiện, nơi đây sẽ là điểm thu hút khách từ nội thành TPHCM và các tỉnh lân cận về nghỉ ngơi, giải trí. Điểm hạn chế của khu vực 100 ha vườn cây ăn trái là nhiều nơi vẫn còn chưa có nước sạch. “Có thể sử dụng nước sông để tưới tiêu nhưng đến khi có khách tham quan, phải có nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Vấn đề này, lãnh đạo quận sẽ có biện pháp giải quyết trong thời gian tới”, anh Nam cho biết.
(Theo THANH HỢP - MAI HƯƠNG // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com