Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Long An Rút ruột ruộng đồng làm khu công nghiệp

Một hầm đất đang khai thác ở xã Lương Hoà, huyện Bến Lức

Long An hiện có 20 khu công nghiệp dang dở với tổng diện tích hơn 7.600ha và hàng chục cụm công nghiệp khác đang được quy hoạch. Vì nhu cầu san lấp mặt bằng rất lớn nên dịch vụ đào hầm lấy đất san nền ngày càng nở rộ, biến nhiều vùng đất thành những “biển hồ”.

Theo tính toán của dân kinh doanh, trên diện tích 1 hecta, nếu đào sâu xuống 1m thì thu được 10.000m3 đất. Khai thác một hầm đất rộng một hecta, sau khi trừ mọi chi phí chủ hầm có thể bỏ túi vài tỉ đồng. Chính vì lợi nhuận quá lớn nên người ta đua nhau rút ruột những cánh đồng.

Những vùng đất chết

Ông Nguyễn Văn Thiệp, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Long An, thừa nhận do không có đất để san lấp mặt bằng các khu, cụm công nghiệp nên tỉnh này đã chấp thuận cho các doanh nghiệp đào hầm lấy đất san nền. Ba khu vực được quy hoạch lấy đất hầm là huyện Bến Lức, Đức Hoà và Thạnh Hoá, mỗi huyện chỉ cho phép khai thác vài chục hecta, với độ sâu tối đa là 8m, theo đúng luật Khoáng sản. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi có giấy phép đào hầm trong tay, hầu như doanh nghiệp nào cũng đào bới vô tội vạ. Ở xã Lương Hoà huyện Bến Lức, theo quy hoạch có 50ha dành để khai thác đất san lấp, nhưng hiện nay đã có cả trăm hecta đất nông nghiệp bị đào hầm với hàng chục hầm đất sâu hơn 13m. Tham gia đào hầm ở xã Lương Hoà có công ty TNHH Mai Phương, công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Long, công ty TNHH Nam Phong...

Phạt như phủi bụi

Theo thanh tra sở Tài nguyên môi trường Long An, hành vi khai thác đất hầm trái phép hoặc khai thác không đúng quy định chỉ bị phạt khoảng 15 triệu đồng và buộc khôi phục hiện trạng cũ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy không doanh nghiệp nào phục hồi lại được hiện trạng ban đầu, còn mức phạt vài triệu đồng thì các chủ hầm đất… xem như đồ bỏ. Ông Nguyễn Văn Thiệp, giám đốc sở Tài nguyên môi trường Long An, cho biết trong chín tháng đầu năm 2009 cơ quan này xử phạt các doanh nghiệp khai thác hầm đất hơn 1,7 tỉ đồng, nhưng do mức phạt quá nhẹ nên doanh nghiệp không ngán, thậm chí có doanh nghiệp còn chây ỳ, không thèm đóng phạt.

Ông Út Chiến, người dân xã Lương Hoà, cho biết nơi những hầm đất sâu hút trước đây là đất trồng mía. Sau khi các doanh nghiệp có giấy phép khai thác, họ đến mua đất của dân với giá 500 – 800 triệu đồng/ha để đào hầm. “Sau khi họ đào sâu 13 – 15m để lấy đất, khu vực này trở thành vùng đất chết”, ông Út Chiến nói.

Kề bên xã Lương Hoà, xã Lương Bình cũng đang có hàng chục hầm đất đã khai thác sâu hun hút như những hố bom tấn, nước ngập mênh mông, độ sâu đo được đều vượt trên 10m. Trong khi đó ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, có khoảng 100 hầm đất lớn nhỏ đang khai thác. Một cán bộ của UBND xã Lộc Giang cho biết, những diện tích đang được đào hầm trước đây là đất sản xuất nông nghiệp còn bây giờ thì nuôi cá cũng không được do quá sâu, nước rất lạnh. Tuy vậy, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường Long An vẫn khẳng định: “Đất cho phép đào hầm là đất xấu hạng 4 – 5 không có hiệu quả kinh tế”.

Chết vì hầm đất

Tại xã Lương Hoà, mới đây nguyên một đoạn đường giao thông ở ấp 9 đã rơi xuống hầm đất của công ty Hoàng Long, khiến người dân mất lối đi lại. Bà Nhung, người dân ấp 9 xã Lương Hoà cho biết, công ty Hoàng Long có một hầm đất khai thác ngay sau lưng nhà bà, gây sạt lở nghiêm trọng. Ở xã Lộc Giang, trong mấy tháng qua đã có ba người chết vì hầm đất. Thậm chí, ở huyện Tân Thạnh còn có người bị chết vùi trong đất do bị xe cuốc xúc đổ… nhầm.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đối với người dân là những đoàn xe ben chở đất ngày đêm phóng bạt mạng trên các tuyến đường. Trên quốc lộ 62, suốt 70km từ thành phố Tân An đi huyện Mộc Hoá đã bị xe ben cày nát. Nhiều đoạn ổ gà chen chúc với ổ voi, thỉnh thoảng giữa đường lại nổi lên những “ụ mối” to đùng do nhựa đường bị cày lên. Tỉnh lộ 830 từ huyện Bến Lức đi Đức Hoà chiều dài hơn 40km cũng bị cày nát như tương, người dân bị té xe liên tục. Con đường từ các hầm đất ở Lương Hoà ra cầu Gia Miện (tỉnh lộ 830) tải trọng chỉ có năm tấn nhưng xe ben hàng chục tấn vẫn chạy ầm ầm mà không thấy cơ quan nào xử lý.

Chính ông Nguyễn Văn Thiệp cũng thừa nhận: “Xe ben đang là nguyên nhân chính gây hư hại đường sá trong tỉnh Long An”. Về phía người dân, ông Tư Hoà, dân chạy xe ôm ở thị trấn Thạnh Hoá (huyện Thạnh Hoá, Long An) lắc đầu: “Người dân sinh sống trên quốc lộ 62 sợ những đoàn xe ben chở đất như… sợ cọp”.

(Bài và ảnh Hùng Anh // SGTT Online)

  • Cửa khẩu Cầu Treo – Hà Tĩnh : Mô hình ba tầng kiểm soát
  • Xây luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu
  • TP.HCM đảm bảo đủ hàng hóa cho thị trường Tết
  • Bình Định: Doanh nghiệp đông, nhưng năng lực yếu
  • TP Hồ Chí Minh - Biến đổi khí hậu đã hiển hiện
  • Từ ngày 1-1-2010: Nhiều dịch vụ công tại TPHCM có mức thu phí mới
  • Tổ chức GTZ giúp Trà Vinh nâng cao giá trị nông sản
  • Thiếu phối hợp, sông Đồng Nai sẽ “chết”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi