Nhìn lại quý I và II năm nay, công nghiệp Ðà Nẵng vẫn gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. So cùng kỳ năm 2007 có tăng nhẹ, nhưng so đầu năm 2008 thì giảm mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp giảm khoảng 8,1%. Hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là nền tảng của công nghiệp địa phương đã phải ngừng hoạt động, hoặc thu hẹp sản xuất. Lĩnh vực xuất khẩu, từng là thế mạnh, cũng giảm 9,8%. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một hướng chủ yếu để thay đổi và nâng nhanh tỷ trọng, cơ cấu, giá trị... cũng chững lại dần, chỉ tăng chậm khoảng 3%. Từ đó, kéo theo một số khó khăn khác về việc làm, thu nhập, tiêu dùng và ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Ðà Nẵng.
Từ đầu quý III đến nay, công nghiệp Ðà Nẵng đã có dấu hiệu hồi phục. Ngay trong lúc sản xuất công nghiệp suy giảm, lãnh đạo ngành công nghiệp Ðà Nẵng phối hợp một số ban, ngành và các chủ doanh nghiệp đã biết vượt khó bằng một số giải pháp mang tính chủ động cao. Giám đốc Sở Công thương Ðà Nẵng Phan Văn Kha tâm sự: "Là cơ quan quản lý, điều phối và chỉ đạo, chúng tôi không thể ngồi chờ vận may. Từng ngành hàng, từng doanh nghiệp của chúng tôi đều phải cơ cấu lại, tiết kiệm hơn về nhiên liệu, nguyên liệu, năng lượng và kiên nhẫn níu giữ thị phần. Ðồng thời chủ động kích thích sức mua, mở rộng thị phần đối với một số mặt hàng, ngành hàng có thế mạnh. Trong đó, coi trọng các yếu tố quảng bá, tiếp thị và củng cố lòng tin với hệ thống ngân hàng thương mại...". Kết quả, trong thực tế, công nghiệp Ðà Nẵng từng bước lấy lại sức mạnh khá rõ nét. Ðến đầu tháng 9-2009, giá trị sản xuất công nghiệp (lũy kế) đạt khoảng 7.233 tỷ đồng, đạt 55% mức kế hoạch năm, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp trung ương tăng khoảng 6,5%. Các doanh nghiệp có tiềm lực khá, chiếm tỷ trọng cao, như Tổng Công ty cổ phần dệt - may Hòa Thọ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản miền trung, Công ty cổ phần cơ - điện miền trung, Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Thuận Phước, Công ty cổ phần Hóa chất Ðà Nẵng... đã hồi phục và lấy lại được đà tăng trưởng tương đối nhanh. Công nghiệp địa phương cũng đạt kế hoạch năm hơn 60%, tăng khoảng 2,4% so cùng kỳ. Ðáng mừng là khối công nghiệp Nhà nước địa phương, đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong tái cấu trúc doanh nghiệp và cho thấy năng lực trong việc mở rộng thị trường vùng nông thôn. Tuy vậy, khối này vẫn bộc lộ sự bấp bênh về thị trường ngoài nước, về năng lực quản lý - điều hành, tồn tại nhiều vướng mắc về vốn, công nghệ, sử dụng nguồn nhân lực, nên tính bền vững chỉ là tương đối, mang tính thời điểm. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Ðà Nẵng đến cuối tháng 8-2009 vẫn giảm gần 11% so cùng kỳ, cho thấy do ảnh hưởng từ bên ngoài, các doanh nghiệp loại này hồi phục chậm nhất và sức bật "nội lực" của các doanh nghiệp đó không dễ gì phát huy được ngay.
Ðánh giá đúng tình hình, triển khai các nhóm giải pháp theo hướng cụ thể hóa, trong quý IV - 2009, Ðà Nẵng tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp bằng bảy giải pháp cơ bản. Trước hết, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, tiếp tục khuyến khích, tổ chức cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được vay, được giảm qua các Chương trình kích cầu, kích thích tiêu dùng. Hai là, trong 1.279 thủ tục hành chính ba cấp ở Ðà Nẵng, địa phương cố gắng lựa chọn những thủ tục liên quan trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh công nghiệp, thương mại, để "tháo gỡ" khó khăn trước. Lãnh đạo các sở: Công thương, Tài chính, Cục thuế, Hải quan... phối hợp xuống cơ sở nhiều hơn, gỡ khó cho từng doanh nghiệp khó khăn. UBND thành phố cũng tập trung giải quyết cụ thể, dứt điểm một số vướng mắc đối với doanh nghiệp, như giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, giải tỏa, bảo đảm khi vay vốn, v.v. Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc hạ giá thành sản phẩm, thi đua nhân rộng sáng kiến trong lao động, giảm các khâu trung gian. Bốn là, phối hợp giữa các cấp quản lý, các doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn đọng, nhưng có chất lượng khá. Năm là, tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thêm dự án mới. Bởi vậy, các dự án xây dựng mới tại các doanh nghiệp như Thép Xuân Hưng, Thép Ðà Nẵng - Ý, Cáp Tàu thủy đã phát huy được tác dụng, góp phần gia tăng số lượng mặt hàng và tỷ trọng công nghiệp. Sáu là, ưu tiên cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khá được vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển của Ðà Nẵng. Nếu có triển vọng tốt, sẽ được vay tiếp.
Cùng với việc một số ngân hàng thương mại mạnh trên địa bàn như BIDV - Chi nhánh Ðà Nẵng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng An Bình... đã áp dụng nhiều "gói kích thích" nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp. Và với cách làm này, Ðà Nẵng đã giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng trưởng đều. Bảy là, tăng cường xúc tiến thương mại theo hướng có diện rộng ở nước ngoài, có trọng điểm ở trong nước. Bằng cách đó, Ðà Nẵng đã tiến hành được vài đợt đưa hàng công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nhẹ) về nông thôn, miền núi và bán thẳng hàng (không qua trung gian) cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, các trường chuyên nghiệp quy mô lớn trên địa bàn và khu vực, nguồn lợi thu về rất khá, khoản lãi tăng đáng kể. Qua đây cho thấy, sức mua của 92 nghìn sinh viên, học sinh và gần 19 nghìn công nhân trên địa bàn là không nhỏ...
Bắt đầu từ giữa tháng 9 này, công nghiệp Ðà Nẵng tăng trưởng rõ hơn và có xu hướng tăng nhanh hơn vào các tháng cuối năm. Ðể duy trì tốc độ tăng trưởng này, UBND Ðà Nẵng đang chỉ đạo ngành công thương Ðà Nẵng, các cơ quan quản lý liên quan phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn, phối hợp tốt các nhóm giải pháp và chú ý nhiều hơn đến khả năng tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của thành phố.