Giá sắn trong nước liên tục tăng cao khiến nông dân ở các vùng nông thôn Phú Yên ồ ạt chuyển đổi cây trồng, đổ xô phá rừng tự nhiên và cả rừng mới trồng cây lâm nghiệp để trồng sắn. Thực trạng này làm cho diện tích rừng đang bị thu hẹp, phá vỡ quy hoạch các vùng nguyên liệu nhà máy chế biến nông sản, nguy cơ khủng hoảng thừa nguyên liệu sắn.
Diện tích sắn tăng kỷ lục
Chưa bao giờ phong trào trồng sắn lại rầm rộ như hiện nay ở các vùng nông thôn Phú Yên. Đặc biệt, nông dân ở 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh đua nhau khai thác đất hoang hóa, chuyển đổi đất trồng mía, bắp, đậu các loại sang trồng sắn. Hai xã Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được xem là “thủ phủ” trồng sắn với diện tích tăng cao từng ngày.
Mùa này sắn xanh ngát trên khắp các nương rẫy. Chị Bùi Thị Út – nông dân ở xã Sơn Thành Đông - cho biết: “Hiện thời giá sắn tươi ở mức 2.200 đồng/kg, sắn khô dao động từ 4.800 – 5.000 đồng/kg - tăng gấp đôi so với niên vụ sắn năm trước. Trồng sắn với chi phí thấp, công chăm sóc ít và cứ mỗi hécta sắn thu lãi từ 15-35 triệu đồng, tùy theo năng suất, sản lượng thu hoạch. Chính hấp lực này mà bà con đã đổ xô mở rộng diện tích trồng sắn, riêng gia đình tôi phát triển thêm 1ha sắn”.
Diện tích sắn trong tỉnh hiện đã hơn 14.000ha - tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch vùng nguyên liệu đến năm 2011. Theo quy hoạch, diện tích trồng sắn ở huyện Sông Hinh chỉ 3.500ha, nhưng hiện đã tăng hơn 7.000ha và đang tiếp tục tăng. Diện tích sắn ở huyện Đồng Xuân tăng lên 3.400ha; huyện Sơn Hòa tăng gần 1.800ha...
Diện tích sắn tăng nhanh, trong khi 2 nhà máy sắn trong tỉnh với công suất chế biến hiện tại chỉ tiêu thụ khoảng một nửa. Điều này gây nguy cơ khủng hoảng thừa sản lượng nguyên liệu sắn, sẽ tạo điều kiện để tư thương ép giá và nông dân sẽ chịu thiệt. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Phú Yên đã vận động, khuyến cáo bà con không tăng thêm diện tích trồng sắn, trồng sắn xen canh với các loại cây khác để hạn chế đất bạc màu; nhưng dường như nông dân không mấy “mặn mà” làm theo lời khuyến cáo này.
Phá rừng trồng sắn
Diện tích đất tự nhiên không tăng, trong khi diện tích sắn, mía đều liên tục tăng nhanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh – ông Trần Thanh Định – bức xúc nói: Không chỉ chuyển đổi cây công nghiệp khác sang trồng sắn, hiện tình trạng phá rừng tự nhiên, rừng trồng cây lâm nghiệp để trồng sắn đang diễn ra phức tạp ở các vùng rừng rộng lớn nằm giáp ranh các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông, Sơn Giang...
Hiện có rất nhiều khu rừng tự nhiên, nhất là rừng khoanh nuôi, rừng cấm và rừng phòng hộ đầu nguồn bị đốt, “cạo trọc” để trồng sắn. Từ đầu năm đến nay, các đội quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương trong tỉnh đã phát hiện hơn 200 vụ phá rừng tự nhiên để trồng sắn, gây thiệt hại 66,17ha rừng. Rừng cấm quốc gia Krông Trai (huyện Sơn Hòa) đang là “điểm nóng” phá rừng để trồng sắn. Chỉ tính riêng trong tháng 4.2011, Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đã phát hiện 51 vụ phá rừng cấm nằm dọc theo các xã Ea Chàrang, Suối Trai, Krông Pa với diện tích thiệt hại hơn 19ha...
Ông Đào Thanh Tuấn - ở thôn Xuân Trung, xã An Dân (huyện Tuy An), một trong những người nông dân chặt rừng keo non để trồng sắn - cho biết, keo lai trồng phải 7-8 năm mới thu hoạch, bán giá thu lợi nhuận không nhiều, trong khi trồng sắn chỉ 10 tháng thu hoạch và bán thu lãi cao. Vì vậy, tôi và bà con ở đây quyết định phá bỏ các rừng keo gần 4 năm tuổi để trồng sắn...
Cây sắn chen chân đến tận rừng già và nơi có độ dốc lớn, không những gây bạc màu, thoái hóa đất mà còn bị bào mòn, rửa trôi lớp đất màu mỡ dưới tác động mạnh của mưa lũ. Và thiệt hại do mất rừng gây ra sẽ khó có thể tránh khỏi!
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com