Từ quý 2/2009, tình hình sản xuất công nghiệp (CN) ở Đồng Nai đã có dấu hiệu phục hồi và đang tăng tốc trong những tháng cuối năm. Năm 2010, các DN nhận định tình hình sản xuất sẽ lạc quan hơn.
Chạy nước rút
Ông Tạ Đức Văn - Phó TGĐ Cty CP Hòa Bình cho biết, vào những tháng cuối năm 2009, ngành chế biến gỗ phát triển khá tốt, các đơn hàng của Cty có nhiều hơn. Dự kiến, trong năm nay, doanh thu xuất khẩu sản phẩm gỗ của Hòa Bình đạt khoảng 20 triệu USD. Theo ông Văn, lợi nhuận năm 2009 tuy không bằng các năm trước vì giá sản phẩm giảm 5 - 10% do khủng hoảng kinh tế, song cty cũng rất phấn khởi bởi trong tình hình khó khăn nhưng DN vẫn có được đơn đặt hàng để tạo công ăn việc làm cho công nhân. Cty Hòa Bình hiện xuất khẩu sản phẩm gỗ sang bốn thị trường lớn là Anh, Mỹ, Italia và Nhật Bản. Đến thời điểm này, các khách hàng truyền thống của Hòa Bình đã ký đơn hàng ổn định cho năm 2010. "Chúng tôi đã có đơn hàng đến tháng 4/2010. Dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng, nhưng vừa qua DN đã chủ động đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới trị giá 15 tỷ đồng để đáp ứng cho sản xuất. Chính vì vậy, hiện nay đơn hàng mặc dù được ký khá dồn dập nhưng chúng tôi rất tự tin đảm bảo số lượng và chất lượng cho khách. Hiện chúng tôi đang tuyển thêm 300 - 500 lao động nữa để đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Có thể nói, sự phục hồi khá tốt của ngành chế biến gỗ trong quý IV/2009 đã giúp Hòa Bình cũng như nhiều DN khác "gỡ" lại được những thua lỗ do tình hình khó khăn của ba quý đầu năm" - ông Văn nói.
Ở những ngành CN khác, các DN cũng đang tăng tốc cho sản xuất, chạy nước rút vào thời điểm cuối năm này. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn thép Tiến Lên - Nguyễn Mạnh Hà cho hay, Cty đang đẩy nhanh sản xuất nhằm cung ứng kịp thời sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện tình hình xuất khẩu thép của Cty đi các thị trường: Campuchia, Lào, Trung Đông đang thuận lợi. Dự kiến doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn thép Tiến Lên năm 2009 đạt trên dưới 10 triệu USD. Cty này đang tuyển thêm 300 công nhân để mở rộng sản xuất vào năm 2010. Các ngành sản xuất CN khác như: giày da, may mặc; vật liệu xây dựng; cơ khí... cũng đang tất tả chạy nước rút cho năm 2009.
Ổn định và mở rộng sản xuất
Ông Phan Văn Dân - Phó phòng Kế hoạch Sở Công thương, chia sẻ: "Qua theo dõi sự phục hồi của các ngành CN ở trong tỉnh, tôi thấy thời điểm cuối năm này nhiều DN không chỉ trở lại hoạt động bình thường mà còn mở rộng thêm sản xuất. Điều này cho thấy, sang năm 2010 tình hình sản xuất CN sẽ tốt hơn năm 2009. Đến nay hầu hết các ngành sản xuất đã có chiều hướng phục hồi nhanh trở lại". Cũng theo ông Dân, việc tái cấu trúc của các DN trong thời gian qua giúp DN có những phản ứng về thị trường nhanh hơn và không bị động trong thời gian tới. Qua khảo sát cho thấy, đến thời điểm này các DN đã hoàn tất kế hoạch và phương án sản xuất cho năm 2010. Nhận định về vấn đề sản xuất năm tới, ông Bùi Quang Cường – TGĐ Cty TNHH Đồng Nai Long Châu (sản xuất thức ăn chăn nuôi) tỏ ra lạc quan. Theo kế hoạch, sang năm 2010 Đồng Nai Long Châu ngoài việc mở rộng thị trường Campuchia, DN sẽ phát triển thêm thị trường sang một vài nước Đông Nam Á.
Ở lĩnh vực may mặc, có những DN đã ký đơn hàng cho cả năm 2010, điển hình như Cty CP may Đồng Nai (Donagamex). Ông Bùi Thế Kích - TGĐ Donagamex cho biết: một số khách hàng truyền thống của Donagamex đã ký hợp đồng đến hết năm 2010. Dự kiến, năm 2010 tổng doanh thu đạt khoảng 550 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2009; trong đó doanh thu xuất khẩu khoảng 30 triệu USD. Cty cũng đang xây dựng thêm nhà máy với quy mô 1.000 công nhân sẽ đi vào hoạt động ở quý I/2010. Tổng vốn đầu tư của Donagamex để mở rộng sản xuất cho năm tới vào khoảng 50 tỷ đồng. Ông Kích nói: "Sau khủng hoảng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng, vì vậy đơn hàng của các DN có nhiều hơn. Nhìn chung sang năm tới sản xuất của ngành may mặc không khó khăn như năm nay". Ông Kích cũng cho biết thêm, để không bị vướng bởi rào cản kỹ thuật ở thị trường Mỹ sắp tới (đạo luật bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng ở Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010), Donagamex cũng đã đàm phán xong với các nhà cung ứng nguyên liệu và chuẩn bị đầy đủ các chứng từ về đảm bảo sự an toàn của sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường này. Một thuận lợi nữa cho DN dệt may là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Theo đó, các DN dệt may xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật được hưởng ưu đãi về thuế, đây cũng là cơ hội để DN tăng sức cạnh tranh ở thị trường này.
(Báo Thanh Niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com