Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vĩnh Phúc đổi mới công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Kiên cố kênh dẫn nước hồ chứa xạ Hương, huyện Tam Đảo.

Từ đầu năm 2008 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện việc bàn giao thí điểm các công trình thủy lợi do UBND xã, HTX quản lý về các công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) quản lý. Ðây là quyết định nhằm thống nhất việc quản lý các công trình thủy lợi về một mối, vận hành đồng bộ tưới, tiêu nước nâng cao hiệu quả công trình.

Giải pháp hợp lý


Về nguyên tắc, một hệ thống công trình thủy lợi sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi nó đảm nhận được nhiệm vụ tưới, tiêu nước đúng với năng lực thiết kế. Trong thực tế ở nước ta, các hệ thống công trình thủy lợi hầu hết đã xây dựng cách đây vài chục năm, thậm chí nhiều công trình đã đưa vào vận hành, khai thác gần một trăm năm nay. Do khả năng kinh tế của đất nước có hạn, cho nên mức đầu tư cho tu bổ, sửa chữa hằng năm chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì năng lực của hầu hết các công trình thủy lợi. Mức thu thủy lợi phí được ban hành vào năm 1984 theo Nghị định 112-HÐBT (nay là Chính phủ) chỉ là một khoản thu để chi phí cho sửa chữa thường xuyên, trả tiền điện và lương cho cán bộ, công nhân vận hành nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân trong chi phí sản xuất. Bộ máy tổ chức trong quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi cũng được phân chia theo nhiều hình thức. Ở những hệ thống thủy lợi lớn thì công ty KTCTTL của Nhà nước đảm nhận khâu tưới, tiêu nước từ công trình đầu mối đến đầu các kênh cấp 3. Từ kênh cấp 3 trở vào đến mặt ruộng do đội thủy nông ở các HTX đảm nhận điều tiết theo yêu cầu tưới, tiêu. Ðối với những công trình thủy lợi nhỏ như hồ, đập, trạm bơm điện có diện tích phục vụ nằm trong một xã hoặc một HTX thì được giao cho chính quyền cấp xã hoặc Ban chủ nhiệm HTX đảm nhận, tự quản lý, vận hành và thu thủy lợi phí theo sự thỏa thuận với các hộ nông dân. Từ đặc thù này, hầu hết các cán bộ, công nhân thủy nông ở các HTX đều chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cho nên vận hành công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, lãng phí nguồn điện do thất thoát nước; chưa phối hợp nhịp nhàng với các công ty KTCTTL trong việc tưới, tiêu, hiệu quả phục vụ đạt thấp. Ở nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng khai giảm diện tích phục vụ của các công ty KTCTTL, thất thoát nguồn thu thủy lợi phí và sử dụng nguồn thủy lợi phí sai mục đích, dẫn đến nợ đọng kéo dài, không có khả năng chi trả.

Theo Nghị định số 154/2007/NÐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2008, Nhà nước hỗ trợ phần thủy lợi phí cho nông dân đến đầu kênh cấp 3, nông dân chỉ còn phải nộp cho HTX phần thủy lợi phí nội đồng. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép làm thử việc hỗ trợ toàn bộ thủy lợi phí cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Từ thuận lợi này, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đổi mới việc quản lý và khai thác công trình thủy lợi, bước đầu thí điểm bàn giao các công trình thủy lợi do xã, HTX đang quản lý về cho các công ty KTCTTL đảm nhận quản lý, tổ chức vận hành khai thác. Việc làm này vừa phù hợp tình hình thực tế, vừa đúng với yêu cầu kỹ thuật của công tác thủy lợi. Ðó là, tuy không phải nộp thủy lợi phí, người nông dân vẫn yêu cầu bảo đảm nước tưới, tiêu tốt nhất cho họ. Muốn đáp ứng được yêu cầu này, các công ty KTCTTL phải quy hoạch lại hệ thống tưới, tiêu một cách đồng bộ, sửa chữa, nâng cấp công trình, mua sắm thêm máy bơm dầu để chống hạn cục bộ, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và công nhân thủy nông ở các HTX để quản lý, vận hành công trình đạt hiệu quả cao hơn. Việc vận hành tưới, tiêu từ công trình đầu mối đến mặt ruộng được phối hợp chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí nguồn điện, nguồn nước và đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước kịp thời, hiệu quả cao hơn.

Hiệu quả thiết thực

Thực hiện Quyết định về việc bàn giao các công trình thủy lợi, đến nay các công ty KTCTTL trong tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận bàn giao để quản lý vận hành 312 công trình, gồm 224 hồ, đập nhỏ, 88 trạm bơm và 1.122 km kênh các loại trước đây do xã và HTX quản lý. Các công ty cũng đã tiếp nhận, quản lý và trả lương cho hơn 500 cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp, công nhân thủy nông. Sau khi nhận bàn giao, các công ty KTCTTL đã đầu tư hơn năm tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hồ đập, kênh mương, trạm bơm và các trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành công trình. Riêng Công ty Liễn Sơn đã mua thêm 18 máy bơm chân không để mồi nước cho các trạm bơm, 25 máy bơm dầu đáp ứng yêu cầu tưới cho những vùng hạn cục bộ chưa có công trình tưới ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi về vấn đề này, giám đốc các công ty KTCTTL đều khẳng định: Nhận các công trình thủy lợi nhỏ lẻ về quản lý rất vất vả, khó khăn vì hầu hết công trình đã xuống cấp, diện tích tưới phân tán, cao thấp cục bộ, nhưng chủ trương của tỉnh là đúng đắn. Các công ty quản lý thì công trình mới có điều kiện được sửa chữa, nâng cấp, đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông được đào tạo nghiệp vụ. Hệ thống tưới, tiêu nước được quy hoạch lại rõ ràng, tránh được lãng phí trong việc xây dựng những công trình kém hiệu quả. Chấm dứt được tình trạng tranh chấp diện tích được tưới của công ty với công trình do xã, HTX quản lý, ngăn chặn thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc khống chế, điều tiết mức nước trên hệ thống tốt hơn, rút ngắn được thời gian đưa nước mà vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về nước cho cây trồng. Nhiều thời điểm trong ba vụ sản xuất lúa vừa qua gặp hạn gay gắt, nhưng đồng ruộng vẫn đủ nước kịp thời cho gieo cấy, diện tích được tưới, năng suất, sản lượng đều tăng so với trước. Hệ thống điện cung cấp cho các trạm bơm được các công ty ký trực tiếp với điện lực tỉnh, bảo đảm đủ công suất cho vận hành, không còn tình trạng bị cắt điện do các HTX chậm trả tiền như trước đây. Nhiều vùng nguồn nước tưới khó khăn, nông dân rất phấn khởi vì đủ nước cho sản xuất, mặc dù có nơi phải bơm nhiều bậc như một số diện tích ở xã Thài Hòa (huyện Lập Thạch).

Hiệu quả của việc bàn giao các công trình thủy lợi về một đầu mối quản lý đã được các công ty KTCTTL điều tra qua hàng nghìn phiếu thăm dò ý kiến nông dân. Hầu hết nông dân ở các xã, HTX có công trình đã bàn giao về công ty quản lý đều cho rằng, việc phục vụ tưới tiêu tốt hơn trước đây, diện tích tưới được tăng lên, bảo đảm yêu cầu về nước cho cây trồng.

Những vấn đề đặt ra

Tuy các công trình đã bàn giao về cho Công ty KTCTTL quản lý, nhưng đội ngũ cán bộ HTX, công nhân thủy nông chỉ là những lao động hợp đồng, chưa có quy định thống nhất cho các công ty về việc trả lương, định mức phụ trách diện tích tưới..., cho nên việc trả thù lao cho cán bộ thủy nông ở các HTX còn cao, thấp khác nhau. Hầu hết cán bộ, công nhân thủy nông ở HTX chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, cho nên còn hạn chế trong quản lý, vận hành công trình và khó xếp vào ngạch bậc lương theo quy định.

(Theo TRẦN HƯNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • An Giang: Điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
  • Hà Nam áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Tháng 7, Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giảm 22,7%
  • Sản phẩm gỗ, giày da, dệt may: Chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh
  • Doanh nghiệp gặp khó... vì kẹt xe
  • Cơ quan kiểm dịch: không có chuyện thịt nhập khẩu ách tắc
  • Đà Lạt: Trồng thử nghiệm thành công nho Ý
  • Thành lập mới hơn 200 doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi