Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vĩnh Phúc : Tỉnh công nghiệp năm 2015

Những năm qua kinh tế của Vĩnh Phúc phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 14% - 16%

 
Những năm qua kinh tế của Vĩnh Phúc phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 14% - 16%

Từ năm 2005 – 2008, Vĩnh Phúc luôn là tỉnh đứng trong “top 10” toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, thành phố.  Điều này thể hiện những nỗ lực phát triển của Vĩnh Phúc trong thời gian qua và nhất là trong giai đoạn lạm phát, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và 2009.

Là một tỉnh trung du nằm phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội và cũng chính là cửa ngõ nối các tỉnh khu vực Tây Bắc với Thủ đô bằng các tuyến giao thông quan trọng như QL2, QL2C, những năm qua kinh tế của Vĩnh Phúc phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng GDP từ 14% - 16%, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với việc phát triển các khu công nghiệp.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ có thêm 14 khu công nghiệp với diện tích 5.576 ha. Với hệ thống các khu công nghiệp đã được quy hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc có đủ cơ sở để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.

Khó khăn thể hiện nghị lực

Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc - Thành công của DN chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền các cấp, cộng đồng DN và nhân dân trong tỉnh, năm 2008 Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều khó khăn về thiên tai, khủng hoảng tài chính, lạm phát, suy giảm kinh tế thế giới, tăng giá vật tư, xăng dầu… thu hút đầu tư có sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực… đưa tăng trưởng kinh tế đạt 17,77 %, GDP bình quân đầu người 21,1 triệu đồng, tăng 34,4% so với năm 2007, thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay: 9.228,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 21,2 ngàn lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,4%. Đặc biệt, lĩnh vực thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả cao với 124 dự án đầu tư mới, trong đó có 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 93 dự án đầu tư trong nước (DDI), đưa tổng số dự án FDI đến hết năm 2008 đạt 100 dự án với tổng vốn đăng ký 1,98 tỷ USD và 265 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 15,5 ngàn tỷ đồng. Tính đến hết năm 2008, đã có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc,  trong đó có các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn điện tử công nghệ cao của Đài Loan như: Compall, Hồng Hải. Kết quả thu hút đầu tư trong năm qua tiếp tục đưa Vĩnh Phúc vào tốp các tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư trong cả nước và xếp thứ ba về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương. Nhìn chung các dự án đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các dự án FDI đều triển khai xây dựng nhanh và đi vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư mới, nhiều dự án sau khi hoạt động có hiệu quả đã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thêm vốn đầu tư. Điều này chứng tỏ sự tin tưởng và an tâm của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Phúc. Niềm tin đó xuất phát từ việc tỉnh luôn sát cánh, cùng tháo gỡ khó khăn với DN; DN chia sẻ khó khăn chung với tỉnh.

Đột phá về giao thông

Nhằm góp phần thu hút, mời gọi đầu tư, nhiều tuyến đường quan trọng đã và đang được khởi công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghiệp và đô thị. Bên cạnh việc chi trên 1.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực mời gọi các DN có năng lực đầu tư vào lĩnh vực này theo hình thức BOT và BT. Đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các DN đến đầu tư. Con đường xương sống của tỉnh là quốc lộ 2A đoạn Vĩnh Yên - Nội Bài đã hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ giải quyết sự ùn tắc của lượng xe cộ lưu thông mà còn mở rộng hơn cánh cửa thu hút đầu tư đối với Vĩnh Phúc, bởi trước đây không ít nhà đầu tư ngại đến Vĩnh Phúc vì đường sá bất tiện. Đường từ quốc lộ 2A nối khu công nghiệp Bình Xuyên với khu công nghiệp Bá Thiện đã hoàn thành; một loạt tuyến đường khác như đường Nguyễn Tất Thành nối 4 khu công nghiệp, quốc lộ 2B, 2C, Đại Lải - Đạo Tú cũng đang triển khai thi công phục vụ chủ trương “Đưa công nghiệp lên đồi”. Về nguồn cấp nước sạch cho các KCN, tỉnh có kế hoạch triển khai dự án nhà máy cung ứng nước từ nguồn nước mặt sông Lô với quy mô lớn, hiện đang trong quá trình mời gọi đầu tư. Trong tình trạng khó khăn chung về điện, bên cạnh việc xây mới, cải tạo mạng lưới, tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để bố trí cung ứng đủ điện cho sản xuất của các DN. Hệ thống liên lạc viễn thông cũng đáp ứng được nhu cầu đến tận chân hàng rào các khu công nghiệp…

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Đến năm 2010, Vĩnh Phúc phấn đấu vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 50-60% tổng vốn đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu từ các dự án đầu tư hằng năm chiếm 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đóng góp trên 80% tổng thu ngân sách, mỗi năm, giải quyết việc làm cho từ 1,5 đến 2 vạn lao động. Giai đoạn hiện nay, tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút các dự án điện tử công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ nhằm từng bước hình thành một trung tâm sản xuất  sản phẩm công nghệ cao tại Vĩnh Phúc. Đồng thời, tập trung khai thác các dự án đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hướng tới các dự án đầu tư  từ Mỹ và khối EU. Các lĩnh vực được ưu tiên thu hút là du lịch, dịch vụ và nông nghiệp nhằm bảo đảm sự phát  triển đồng bộ, khuyến khích các dự án công nghiệp sạch, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Năm 2009, dự báo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện rất nhiều khó khăn: kinh tế thế giới diễn biến khó lường do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các DN, việc làm của người lao động và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh đó, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát đi đôi với chống giảm phát, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên tinh thần “Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững”. Bằng những hành động cụ thể, Vĩnh Phúc đang nỗ lực hơn để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Nhất là đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch, giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính cho người dân và DN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế ưu đãi đầu tư,… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh.

Năm 2005: điều tra 6.200 DN tại 42 tỉnh, thành phố. Vĩnh Phúc đứng vị trí thứ 5.

Năm 2006: Tiến hành điều tra trên 6.300 DN địa phương của cả 64 tỉnh, thành phố. Vĩnh Phúc đứng vị trí thứ 4.

Năm 2007: Chỉ số PCI điều tra 6.700 DN dân doanh trên 64 tỉnh và thành phố. Vĩnh Phúc đứng vị trí thứ 7.

Năm 2008: Kết quả điều tra dựa trên ý kiến của 7.820 DN trên 64 tỉnh, thành phố. Vĩnh Phúc đứng vị trí thứ 3.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đối với kinh tế một địa phương có cơ cấu đầu tư nước ngoài cao như Vĩnh Phúc. Trong cả nước, các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm hơn 60 % nền kinh tế như Vĩnh Phúc là địa phương chịu tác động rõ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. Sau một thời gian dài có tốc độ tăng trưởng cao, việc suy giảm là quy luật thường thấy của kinh tế. Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh đều đạt thấp so với yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch và giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 4.068 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2009, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.821,8 tỷ đồng, giảm 40,9% so cùng kỳ và đạt 38,2% dự toán năm HĐND tỉnh giao, trong đó: thu nội địa ước đạt 3.121,8 tỷ đồng, giảm 24,2%; thu thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu ước đạt 700 tỷ đồng, giảm 33,6% so cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2009 thu hút được 5 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 80,5 triệu USD, giảm 61,5% về số dự án và giảm 45,4% về vốn đăng ký và 35 DDI, với số vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng, giảm 5,41% về dự án và giảm 38,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI ước đạt 89,8 triệu USD, tăng 42,77% so với cùng kỳ và dự án DDI đạt 620 tỷ đồng, bằng 100%so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp khu vực FDI vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là hai sản phẩm chủ lực là ôtô và xe máy. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phi nhận định, với những tác động bên ngoài không thuận lợi, nhiều vấn đề chủ quan trong thực trạng, công tác quản lý kinh tế của Vĩnh Phúc cũng bộc lộ nhiều vấn đề, dẫn tới kết quả ứng phó với các “cú sốc” kinh tế không được linh hoạt, hiệu quả không cao. “Tuy nhiên, suy giảm kinh tế của tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi. Với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ, cùng những tín hiệu lạc quan trong những tháng gần đây, Vĩnh Phúc sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3,5%”. Trước những khó khăn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Vĩnh Phúc đang đưa ra giải pháp khắc phục những điểm còn hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực để nhanh chóng phát triển “hậu” khủng hoảng. Từng bước chiếm lĩnh những lĩnh vực đã có thế mạnh, tiếp tục mở rộng xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư và các DN đã, đang và sẽ đầu tư vào Vĩnh Phúc.

(Theo Khắc Lãng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Kinh doanh bán lẻ ở TP Cần Thơ Hiệu quả siêu thị mini...
  • Bình Dương: 9 tháng đầu năm 2009, GDP trong tỉnh tăng 8,6%
  • Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long 9 tháng tăng 71,28% so với cùng kỳ
  • TP.HCM phấn đấu tăng trưởng cả năm 7,5%-8%
  • Nghệ An rà soát, bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo
  • "Tuyên Quang cần đẩy mạnh hạ tầng kỹ thuật"
  • Cần Thơ: Tăng trưởng kinh tế trong nhiều mối lo!
  • Hà Nội: Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi