Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Xẻ thịt” rừng U Minh Hạ lấy than!

Tỉnh Cà Mau đang lập dự án khai thác than bùn dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Giới khoa học đang âu lo viễn cảnh cánh rừng nổi tiếng này sẽ bị “xoá sổ”

Cuối tháng 7.2009, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo, công bố việc tỉnh này sẽ tổ chức khai thác, tận thu than bùn dưới tán rừng tràm U Minh Hạ. Ông Tống Lê Thắng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường (TN–MT) Cà Mau, cho biết theo những khảo sát gần đây, dưới tán rừng tràm U Minh Hạ có khoảng 13 triệu tấn than bùn, sản lượng có thể khai thác, tận thu khoảng hơn 4,2 triệu tấn.

Rừng U Minh Hạ sẽ bị đào xới để tận thu than bùn. Ảnh: Trần Việt Đức

Khai thác than để… chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo ông Thắng, hiện nay rừng U Minh Hạ còn hơn 35.000ha đất có rừng, trong đó có khoảng 14.000ha đất rừng có than bùn, tầng than nơi dày nhất khoảng 1,5m, nơi mỏng nhất khoảng 40cm. Theo khảo sát của sở TN–MT Cà Mau, có thể khai thác than bùn trên diện tích khoảng 4.000 – 5.000ha rừng tràm xung quanh khu vực vườn quốc gia U Minh Hạ (rộng hơn 8.000ha, có tầng than bùn dày đến 1,5m). Vùng khai thác than bùn được xác định thuộc vùng đệm vườn Quốc gia và các phân khu thuộc lâm trường U Minh III, Trần Văn Thời.

Việc khai thác 4,2 triệu tấn than bùn sẽ mang về cho tỉnh Cà Mau số tiền 1.500 tỉ đồng. “Tuy nhiên, do tầng than bùn không thể trồng được cây ăn trái, hoa màu, cũng không chăn nuôi được (!?), nên chúng tôi quyết định tận thu than bùn để vừa sản xuất phân bón vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho vùng này. Tỉnh có thêm tiền thu vào ngân sách, người dân trong khu vực có thêm phân bón và có thể nuôi cá, trồng hoa màu”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, tỉnh sẽ triển khai dự án này trong mười năm (từ năm 2010 – 2020) và yêu cầu các đơn vị trúng thầu khai thác than bùn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, có phương án khai thác cụ thể, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: không được khai thác hết tầng than bùn, mà phải chừa lại một lớp dày 20cm.

Mặc dù tỉnh Cà Mau xác định tầng than bùn ở rừng tràm U Minh Hạ lộ thiên, rất dễ khai thác, tận thu, nhưng một điều chắc chắn là khi khai thác than, sẽ phải đốn hạ hàng ngàn hécta rừng tràm, và tình trạng ô nhiễm môi trường rất khó tránh khỏi.

Lợi ít, hại nhiều!

U Minh Hạ là một trong ba khu rừng thuộc hệ sinh thái rừng ngập nước còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm rừng U Minh Hạ Cà Mau, rừng U Minh Thượng Kiên Giang và vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp). Rừng tràm U Minh Hạ được giới nghiên cứu khoa học đánh giá là bảo tàng sinh thái sống về các loài động, thực vật thuộc hệ sinh thái ngập úng của đồng bằng sông Cửu Long, là nơi sinh trưởng của hơn 250 loài thực vật đặc hữu, nhiều loài cá, hơn 20 loài bò sát, lưỡng cư (trong đó nhiều loài quý hiếm như: rắn hổ mang chúa, rái cá lông mũi, tê tê, rùa vàng, trăn gấm, kỳ đà…) và 182 loài chim, 40 loài thú, nhiều loài côn trùng. Riêng khu vực vùng đệm rộng hơn 25.000ha của rừng U Minh Hạ, trong đó bao gồm vùng rừng sẽ khai thác than bùn, lâu nay là khu bảo vệ thiết yếu, đảm bảo cho sự phục sinh của các giống loài đặc hữu thuộc hệ sinh thái rừng tràm ngập nước.

Việc tỉnh Cà Mau sẽ tiến hành triệt hạ hàng ngàn hécta rừng tràm để khai thác than bùn khiến các nhà khoa học và những người yêu mến rừng U Minh Hạ hết sức lo lắng. Ông Huỳnh Biên Cương, một cán bộ về hưu tâm huyết với rừng tràm U Minh Hạ, cho rằng lợi nhuận thu được không đáng là bao, nhưng việc khôi phục lại nguyên trạng rừng tràm sau khi khai thác than sẽ rất tốn kém, mất thời gian. “Số tiền 1.500 tỉ đồng thu được từ việc khai thác than bùn trong mười năm chỉ bằng một năm thu ngân sách của tỉnh, tính ra số tiền thu được từ khai thác than bùn trong một năm chỉ xấp xỉ 150 tỉ đồng, không lớn. Tỉnh Cà Mau có nhiều thế mạnh phát triển kinh tế để thu ngân sách, hà cớ gì phải phá rừng tràm để khai thác than?”, ông Cương bức xúc.

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, tỉnh Cà Mau nên giữ nguyên hiện trạng của rừng tràm U Minh Hạ: “Nếu không cẩn thận, việc khai thác than bùn sẽ làm tầng phèn tiềm tàng dưới tán rừng U Minh Hạ trỗi dậy. Khi đó việc khắc phục nước phèn để khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập nước sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, trưởng khoa quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên (đại học Cần Thơ): “Dưới rừng tràm U Minh Hạ là một túi phèn rất lớn. Nếu túi phèn này trở lại hoạt động sẽ là một thảm hoạ cho hệ sinh thái rừng ngập nước U Minh Hạ. UBND tỉnh Cà Mau cần khảo sát kỹ chuyện được gì, mất gì sau khi khai thác than bùn, bởi khả năng mất trắng hệ sinh thái sẽ thiệt hại gấp nhiều lần so với số tiền 1.500 tỉ đồng thu được từ than bùn”.

Được biết, cách đây không lâu, UBND tỉnh Cà Mau đã từng “xẻ thịt” rừng tràm U Minh Hạ để triển khai một dự án “không tưởng”: phá hàng chục ngàn hécta rừng tràm để trồng cây keo lai làm bột giấy. Dự án này vừa triển khai một phần, thì đã bị các nhà khoa học và dư luận phản đối kịch liệt, buộc phải “phá sản”.

( Theo Hùng Anh // SGTT Online)

  • Quảng Nam: Mưa lũ làm thiệt hại hơn 20 tỷ đồng
  • Gia Lai: toàn tỉnh thu ngân sách đạt 1.220 tỉ đồng
  • Đồng Tháp ‘rộng cửa’ đón nhà đầu tư
  • Cần Thơ: chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,14%
  • Cần Thơ: Doanh nghiệp nhà nước sau khi sắp xếp lại đã sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn
  • Bình Định: Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giảm 40%
  • Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2012: Đầu tư cho công nghiệp chế biến là ưu tiên hàng đầu
  • Tiền Giang: Xuất khẩu thành công lô thanh long ruột đỏ đầu tiên sang Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi