Tại Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội sẽ không xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế giá trị gia tăng như dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nếu Chính phủ chuẩn bị kịp thì có thể xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Thưa ông, đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính (BTC) đề nghị sửa theo hướng nào?
Theo quy định hiện hành, chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm Dương lịch (31/1 hàng năm), bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm. Nếu chậm nộp, DN phải nộp đủ tiền thuế còn thiếu và bị xử phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Năm đầu tiên thực hiện quyết toán thuế theo Luật Quản lý thuế, nhiều DN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế, dẫn đến chậm nộp thuế và phải nộp số tiền phạt rất lớn (bình quân mỗi tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải nộp 15 - 20 tỷ đồng tiền phạt). Để hỗ trợ DN, BTC đề nghị kéo dài thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế.
Vì sao ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng ý với đề xuất này, thưa ông?
Thứ nhất, thời hạn quyết toán thuế của năm trước (chậm nhất được ấn định vào ngày 31/3 của năm sau) được thực hiện từ khi có Luật Thuế TNDN và đến nay, không có vấn đề gì gây khó khăn, phức tạp cho DN. Quy định này cũng phù hợp với luật thuế của nhiều nước trên thế giới.
Thứ hai, chỉ có một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quyết toán thuế năm 2008 gặp khó khăn, do vậy, không vì một số ít DN mà phải sửa đổi cả Luật. Thứ ba, nếu kéo dài thời gian quyết toán thuế sẽ kéo theo nhiều phiền phức trong việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Trong bối cảnh này, theo ông, cần phải có giải pháp gì?
Trước hết phải khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ quản lý DN của nước ta đã tiến thêm những bước rất dài trong thời gian gần đây. Do vậy, không có lý do gì các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước lớn lại không thể quyết toán thuế đúng thời hạn.
Trong bối cảnh các DN gặp khó khăn trong việc quyết toán thuế do nguyên nhân khách quan, chủ yếu là do suy thoái kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cần hỗ trợ DN, thậm chí có thể mở các lớp đào tạo, tập huấn về kế toán, lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế để DN theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế.
Thế còn đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNDN thì sao, thưa ông?
BTC đề xuất cho phép những DN mở rộng sản xuất - kinh doanh được hưởng chính sách ưu đãi thuế cao nhất như Luật Thuế TNDN cũ (được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo).
Thưa ông, quan điểm của ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này thế nào?
Có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Quan điểm ủng hộ cho rằng, trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn, việc thực hiện ưu đãi, cũng tương tự như thực hiện kích cầu, hỗ trợ DN, là cần thiết nhằm giúp DN phục hồi sản xuất - kinh doanh. Ngược lại, quan điểm phản đối thì cho rằng, Luật Thuế TNDN vừa mới triển khai, khó khăn chỉ là tạm thời, do đó không nên mở rộng ưu đãi.
Quan điểm của cá nhân ông thế nào?
Thực tế cho thấy, Luật Thuế TNDN cũ thực hiện ưu đãi thuế theo đối tượng, lĩnh vực đầu tư, địa bàn hoạt động, với quá nhiều ưu đãi khác nhau, nên đã tạo kẽ hở cho không ít DN lợi dụng nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách. Với đề xuất của BTC, theo tôi, nếu quản lý được thì cũng nên thực hiện nhằm hỗ trợ DN sử dụng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất dài hạn để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ mới trong điều kiện giá cả công nghệ, thiết bị, máy móc trên thị trường đang rất thấp. Còn nếu không quản lý được, việc mở rộng đối tượng ưu đãi thuế sẽ bị DN lợi dụng làm giảm nguồn thu ngân sách thì dứt khoát không thực hiện ưu đãi.
Ông có thể cho biết, khi nào các dự án luật đó có thể trình Quốc hội xem xét thông qua?
BTC cần thời gian để hoàn chỉnh Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNDN và Luật Thuế giá trị gia tăng. Nếu kịp thì các dự án luật này có thể trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
( Theo Mạnh Bôn - Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com