Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”

Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Sự ảm đạm của nền kinh tế khiến cho những hạn chế, bất cập của giáo dục, y tế càng bị khoét sâu hơn, đưa các lĩnh vực này “lên ngôi” về mức độ không hài lòng của người dân cũng như của đại biểu Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, lĩnh vực giáo dục và y tế “đang có quá nhiều bất cập ngày càng phát sinh gây bức xúc nhiều hơn”.

Nhìn về tổng thể hiện nay của nền kinh tế, điều gì khiến ông còn nhiều băn khoăn?

Tôi cho rằng cũng đã có quá nhiều ý kiến ở Quốc hội phân tích cũng như nhận định về tình hình của nền kinh tế rồi và Chính phủ cũng đã có những đánh giá, nhìn nhận tương đối đầy đủ.

Nhận xét chung thì Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt và thực hiện đúng theo mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đã đề ra là chúng ta phải kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, điều mà tôi còn nhiều băn khoăn không phải chỉ trong năm nay mà trong nhiều năm qua là: các chỉ tiêu cơ bản như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và các chỉ tiêu liên quan khác đều không đạt như nghị quyết của Quốc hội đặt ra nhưng vấn đề này dường như chưa được xem xét một cách thấu đáo.

Chính phủ cũng chưa đánh giá được mức độ chịu đựng của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực. Ông Nguyễn Thành Tâm

Theo tôi cần phải phân tích là có phải do các chỉ tiêu của chúng ta đưa ra thiếu căn cứ, không được phân tích cặn kẽ, mang tính chủ quan hay là các chỉ tiêu đưa ra không được dự báo, nắm bắt, đánh giá các nhân tố đóng góp vào trong mức tăng trưởng nên thiếu chính xác.

Nếu điều này không được làm rõ thì dù Chính phủ có đưa nhiều chính sách, nhiều giải pháp cũng vẫn khó cải thiện được tình hình. Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa đánh giá được mức độ chịu đựng của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực.

Tái cơ cấu đầu tư công đang được xem là điểm sáng hiếm hoi trong toàn cảnh chậm trễ của tình hình tái cơ cấu nền kinh tế. Ông có bình luận gì về điểm sáng này?

Chúng ta chỉ có thể khẳng định đó có phải thực sự là điểm sáng hay không khi Chính phủ có tổng kết, đánh giá và báo cáo toàn diện hơn về việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công.

Theo đó, các nội dung cần đánh giá là về việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, thứ tự ưu tiên trong rà soát, sắp xếp lại đầu tư công theo quan điểm đầu tư mới: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chống dàn trải và đầu tư theo trung hạn.

Thực trạng các dự án công trình, dự án chịu ảnh hưởng bởi các chính sách đổi mới đầu tư này như thế nào, cả ở cấp bộ, ngành và ở cấp địa phương? Bởi vì rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay cho rằng khi thực hiện tái cơ cấu như vậy, hiệu quả tích cực chưa rõ bằng lãng phí do việc thực hiện tiến trình này gây ra.

Chính phủ cũng cần phải có đánh giá kết quả ban đầu, khả năng cân đối các nguồn lực và các nguy cơ hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế trước mắt cũng như mục tiêu dài hạn.

Phải khẳng định lại các quan điểm, mục tiêu và giải pháp để làm sao chúng ta thực hiện chúng vừa nhằm giải quyết những khó khăn trong ngắn hạn, vừa kiên trì mục tiêu chung và dài hạn để có sự phát triển bền vững, tránh sự không thống nhất trong cách thực hiện.

Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế hai năm qua, năm ngoái, mũi dùi được chĩa mạnh sang lĩnh vực tham nhũng và phòng chống tham nhũng. Còn năm nay, theo ông, xu hướng này chĩa mạnh vào đâu?

Tôi cho đó là lĩnh vực giáo dục và y tế đang có quá nhiều bất cập ngày càng phát sinh gây bức xúc nhiều hơn. Như trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã tiếp tục đổi mới nhưng có lẽ còn quá bị động và chưa lường trước hết những hậu quả của nó. 

Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế càng khó khăn thì vấn đề y đức lẽ ra càng phải được ngành y tế chú trọng hơn để giảm bớt bức xúc cho người dân. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Thành Tâm

Đổi mới giáo dục là chủ trương đã được Đảng thông qua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ trương này thu hút được sự quan tâm và đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên việc triển khai còn phải chờ vào đề án đổi mới căn bản đang trong quá trình xây dựng, nên những vấn đề cốt lõi về quan điểm, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân chưa được xác định cụ thể.

Trong khi đó giáo dục phổ thông là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân lại đang chuẩn bị để thay đổi chương trình và sách giáo khoa vào năm 2015. Đây là một vấn đề rất lớn và dự kiến chi phí cũng không ít, vừa có tác động đến một thế hệ trẻ em cùng với hàng triệu gia đình và cả xã hội.

Còn trong lĩnh vực y tế. Hiện nay cử tri có rất nhiều ý kiến không đồng thuận về chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập, nhất là việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và y đức của đội ngũ thầy thuốc. Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế càng khó khăn thì vấn đề y đức lẽ ra càng phải được ngành y tế chú trọng hơn để giảm bớt bức xúc cho người dân. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. 

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • Không thể “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất!
  • Thủ tướng: “Các con số đã nói lên tất cả”
  • Vì sao án kinh tế “treo” nhiều?
  • Giải pháp đúng, vì sao kết quả hạn chế?
  • “Bảo vệ” nhà thầu nội trong Luật Đấu thầu sửa đổi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi