Giải thưởng Nobel hóa học 2009 tưởng thưởng những công trình nghiên cứu ribosome (nhóm hợp chất hữu cơ) của bà Ada Yonath (70 tuổi) và hai người Mỹ là Venkatraman Ramakrishnan (57 tuổi) và Thomas Steitz (69 tuổi).
Ribosome làmột trong những bộ phận then chốt của cỗ máy phức tạp mang tên tế bào sống.
Mỗi tế bào có hàng triệu ribosome. Bộ phận này đóng vai trò một nhà máy sản xuất protein có khả năng đọc những thông báo ẩn chứa trong bộ gien của chúng ta.
Những công trình của ba người nói trên lần lượt được công bố trong thập niên 1980, 1990 và đầu thế kỷ 21. Chúng “mở đường cho việc sản xuất thuốc kháng sinh mới”, theo lờicủa Ủy ban Nobel.
Đằng sau núi Everest có một núi Everest khác
Bà Ada Yonath là người đầu tiên tinh thể hóa được ribosome với phương pháp tinh thể hóa bằng X-quang. Đối với các đồng nghiệp, bà “giống như một người điên trong làng” bởitinh thể hóa ribosome lúc đó và hàng chục năm saulà mộtlĩnh vựckhó hiểu và phức tạp.
Ngay chính bà cũng nghi ngờ chính mình: “Chuyện người ta nói tôi điên khùng không làm cho tôi bận tâm. Chính tôi cũng nghi ngờbản thân mình. Lúc đầu tôi hoang mang không chắc có thành công hay không”.
Công đầu của bà Ada là“chụp” được cận cảnh các ribosome. Tuy nhiên, do hạn chế của X-quang,bà chưa thể có được một bức ảnh ở cấp độ hạt nhân.
Giáo sư - tiến sĩ Ada Yonath. Ảnh: L’Oréal-UNESCO
Mãi đến giữa thập niên 1990, Thomas Steitz và ê-kíp nghiên cứu của ông mới đạt được những tiến bộ đáng kể trong vấn đề này. Và đầu thế kỷ 21, Venkatraman Ramakrishnan mới giải thíchđược một cách chi tiết và chuẩn xác hoạt động của ribosome.
Phát biểu trên đài phát thanh Israel về những công trình nghiên cứu kể trên, bà Ada Yonath vừa kể vừa khóc: “Những nghiên cứu của chúng tôi kéo dài nhiều năm, theo nhiều hướng khác nhau. Mỗi lần tôi gặp khó khăn cỡ núi Everest, tôi lại phát hiện thêm một dãy núi Everest khác ở đằng sau. Khi tôi phát hiện cấu trúc của ribosome, tôi thật sự hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc”.
Trong lịch sửgiải Nobel Hóa học, bà Ada là người phụ nữ thứ tư được trao giải này và là phụ nữ thứ nhất kể từ năm 1964. Đây cũng là giải Nobel thứ 9 của người Israel, giải đầu tiên cho một nhà khoa học nữ Israel và vinh dự đầu tiên cho Học viện Weizmann - nơi bà Ada đang giảng dạy và điều hành phòng thí nghiệm tinh thể học proteinduy nhất ở Israel.
Tò mò là chìa khóa tiến bộ
Bà Ada sinh ra tại quận Geuta, thành phố Jerusalem, năm 1939. Lúc đó, Jerusalem nằm dưới quyền đô hộ của Anh. Cha mẹ bà là người Do Thái sinh ra ở Ba Lan. Bà kể lại: “Cha tôi là một giáo sĩ Do Thái giáo mưu sinh bằng nghề bán thịt. Ông không biết gì nhiều vềkhoa học. Gia đình tôi nghèo nên mẹ tôi cũng phải ra cửa hàng phụ giúp chồng”.
Lúc còn nhỏ, bà đã thích làm những cuộc thử nghiệm “động trời” – theo lời những người hàng xóm – nhưnhảy từban công xuống đất để đo chiều cao.
Hậu quả, bà bị gãy tay. Rồi có một lầnbà đổ dầu lửa để xem có phải nước di chuyển nhanh hơn dầu lửa không. Hậu quả, đúng lúc đó cha bà vừa châm điếu thuốc liền xảy ra một vụ cháy. Nhưng bà cũng rút được một bài học mà sau này bà luôn luôn dặn dò các học trò: tò mò là chìa khóa của tiến bộ khoa học.
Bà Ada mất cha năm 10 tuổi, lúc ông mới 42 tuổi. Mẹ bà lúc đó 38 tuổi, một mình bươn chải rất vất vả với quầy thịt. Chịu không xiết, mẹ bà mang con cái lên thủ đô Tel Aviv làm nhân viên cho sở ngân khố với đồng lương ba cọc ba đồng.
Dù nghèo khó nhưng Ada vẫn được mẹ lo vào học Trường Trung họcTichon Hadash. Không có tiền đóng tiền học, Ada đi dạy thêm môn toán để kiếm tiền. Mộng của bà là theo đuổi ngành nghiên cứu khoa học “như bà Marie Curie”.
Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự (ở Israel, thanh niên nam nữ đều phải nhập ngũ vài năm), Ada trở lại Jerusalemhọc tiếp lấy bằng cử nhân hóa học (1962) và thạc sĩ hóa sinh (1964) tại Trường Đại học Hebrew. Năm 1968, bàđậu bằng tiến sĩ X-quang tinh thể học tại Học viện Khoa học Weizmann (Israel).
Sau đó bà đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, năm 1969) và Trường Đại học Carnegie Mellon của Mỹ (1970) với tư cách nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.
Phụ nữ có thể làm việc lớn
Những cống hiến quan trọng của Ada Yonath cho ngành sinh học phân tử Israel và thế giới đã đem lại cho bà cả chục giải thưởng trong nước và quốc tế bao gồm những giải cao quý như giải thưởng L’Oréal-UNESCO 2008 dành cho các nhà khoa học nữ và giải Nobel Hóa học 2009. Nhưng giải thưởng mà bà cho là quý giá nhấtlà giải “Bà ngoại trong năm”của cô cháu ngoại Noa 12 tuổi.
Phát biểu tại diễn đàn UNESCO nhân dịp nhận giải L’Oréal-UNESCO, bà Ada nhận xét: “Phụ nữ là phân nửa của nhân loại. Bộ não của nhân loại sẽmất đi một nửa khả năng nếu không khuyến khích phụ nữ làm công tác khoa học. Phụ nữ có thể làm được những chuyện lớn nếu được tạo điều kiện”.
Bà Ada Yonath có một người con gái tên Hagit Yonath, bác sĩ nghiên cứu công tác tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Hashomer, Israel.
(Theo THẢO HƯƠNG // Người lao động online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com