Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam

 
Việc tìm hiểu, tham khảo những mô hình tiến bộ trong quản lý quỹ khoa học của quốc tế để áp dụng một cách phù hợp vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Bài viết này điểm qua một số so sánh giữa Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) và Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) trên các khía cạnh: tổ chức hội đồng, thẩm định đề cương, cơ chế tài chính, và đàm phán tài chính.

 

Tổ chức hội đồng khoa học thẩm định đề cương

Một khác biệt cơ bản giữa NSF và Nafosted là với từng ngành khoa học, NSF không lập ra một hội đồng ngành cố định chung cho tất cả mọi đề cương thẩm định (các Hội đồng khoa học ngành của Nafosted là do Hội đồng quản lý Quỹ thành lập theo từng chuyên ngành với nhiệm kỳ 3 năm). NSF sẽ chỉ chọn thành viên hội đồng thẩm định một đề cương sau khi đã xem xét kỹ đề cương, trong đó cân nhắc cả đề xuất của người làm đề cương về việc chọn ai hoặc không chọn ai làm thành viên hội đồng thẩm định đề cương. Cơ chế này cho phép NSF lựa chọn các hội đồng thẩm định một cách linh hoạt, tùy thuộc vào đặc thù của từng đề cương.

Do không bị lệ thuộc vào một hội đồng chung cố định nên với từng đề cương, NSF có thể đưa ra rất nhiều yêu cầu về chuyên môn của thành viên hội đồng được mời, cả về chiều sâu lẫn bề rộng chuyên môn, tùy thuộc vào nội dung và lĩnh vực của đề tài thẩm định. Các tiêu chí lựa chọn hội đồng thẩm định của NSF đòi hỏi thành viên hội đồng không chỉ có kiến thức chuyên môn sâu về khoa học và kỹ thuật mà cần phải có kiến thức tổng quát hơn phạm vi chuyên ngành của đề tài để có thể đánh giá với tầm nhìn mang tính liên ngành, và trong trường hợp cần thiết thì có nhận thức toàn diện các vấn đề ở tầm quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, trong chừng mực có thể, NSF tính đến nhiều đại diện khác nhau trong tổ thẩm định để nhằm đạt được sự cân bằng về tính đại diện của các cơ quan liên quan cũng như vùng miền, đa dạng về tuổi tác và thành phần các chuyên gia.

Khi đối chiếu với đặc thù của Việt Nam là nước có trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, chúng ta thấy rằng sự linh hoạt trong việc lựa chọn thành viên hội đồng thẩm định các đề cương như trong mô hình NSF là rất đáng học tập đối với Nafosted. Nhưng để làm được như vậy, Nafosted sẽ phải tăng cường xây dựng hệ thống dữ liệu về đội ngũ các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước, để khi cần có thể nhanh chóng đánh giá được ai là lựa chọn thích hợp và ngay lập tức thiết lập mối liên lạc được với những người này.  

Có lẽ do chưa hoàn thiện được một hệ thống dữ liệu về các chuyên gia như vậy nên cách thức xây dựng các hội đồng khoa học ngành của Nafosted còn thiếu tính chủ động, đó là chỉ đơn thuần ra thông báo trên website của Quỹ và chờ đợi các nhà khoa học trong nước đề cử hoặc tự ứng cử vào vị trí thành viên hội đồng thẩm định trước mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm hội đồng thẩm định mới. Và cũng vì thiếu chủ động như vậy nên tuy đã đặt ra tiêu chí mời nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm chuyên gia đánh giá độc lập hoặc tham gia hội đồng khoa học nhưng đến nay Nafosted vẫn chưa làm được điều này.

Ngoài ra, NSF còn dành thời gian thẩm định cho tổ thẩm định hoặc các nhà khoa học độc lập lâu hơn Nafosted. Nếu như Nafosted dành 3 tháng cho công tác thẩm định đề cương và thảo luận các vấn đề về tài chính thì thông thường, NSF có tới 6 tháng để thẩm định hoặc xem xét mọi vấn đề phát sinh cũng như trao đổi với người làm đề cương trước khi ra quyết định cuối cùng. 

Cơ chế tài chính dành cho Quỹ

NSF có một cơ chế tài chính hoàn toàn chủ động với một nguồn vốn được Tổng thống phê duyệt, Quốc hội thông qua cho mỗi năm, NSF cũng chỉ báo cáo trước Tổng thống và cơ quan quyền lực cao nhất này một lẫn vào mỗi cuối năm về tình hình hoạt động. NSF trực tiếp nhận nguồn vốn này và cấp tới các đề tài khoa học hằng năm theo các quy định tài chính hiện hành mà không phải thông qua một cơ quan nào khác.

Còn ở Việt Nam, Nafosted mới chỉ nhận được một cơ chế “bán chủ động” bởi Nafosted vẫn phải thông qua kế hoạch hoạt động trước Bộ Tài chính rồi mới được cấp kinh phí hoạt động. Và nguồn kinh phí hoạt động này không được Bộ Tài chính cấp một lần ngay từ đầu năm mà được chia ra làm hai kỳ, và cấp theo tiến độ thực hiện. “Tức là Bộ Tài chính cấp trước một phần, rồi tới thời điểm gần hết vốn, Nafosted lập một báo cáo sử dụng kinh phí từ đầu năm cũng như kế hoạch thời gian tới sẽ tài trợ cho những đề tài, dự án nào gửi bộ KH&CN và Bộ Tài chính để thẩm định”, bà Đỗ Phương Lan, Phó giám đốc Nafosted cho biết. “Thẩm định xong thì Bộ Tài chính sẽ cấp tiếp kinh phí đã có trong kế hoạch.”

Hiện nay, các đề tài khoa học cơ bản do Nafosted tài trợ thực hiện đang áp dụng thí điểm phương thức lập dự toán theo quyết định số 14 của Bộ KH&CN, thực hiện trả tiền lương, tiền công tháng cho các thành viên đề tài nên hồ sơ chứng từ cũng gọn nhẹ hơn. Mỗi thành viên đề tài chỉ cần một bộ hồ sơ gồm: 1 hợp đồng công việc, 1 thanh lý hợp đồng, 2 báo cáo công việc đã làm trong 2 năm. Và nhóm nghiên cứu của đề tài cũng chỉ có tối đa 7 người nên số lượng chứng từ không quá nhiều. Khi quyết toán, cán bộ Nafosted sẽ tới đơn vị chủ trì đề tài để kiểm tra chứng từ gốc, khi đủ công bố quốc tế rồi mới quyết toán. Với những đơn vị Nafosted không có điều kiện đi kiểm tra thì chủ nhiệm đề tài copy chứng từ gửi Nafosted kiểm tra.

(Theo bà Đỗ Phương Lan, Phó giám đốc Nafosted)



Với cơ chế này, cứ đến thời điểm gần hết kinh phí cấp cho các đề tài, Nafosted lại phải chờ đợi sự thẩm định của Bộ Tài chính. Trong thời gian đó, các đề tài khoa học sẽ chờ nguồn kinh phí một cách bị động, và điều này ít nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế này cũng khiến trong mỗi một năm, Nafosted phải nhiều lần nộp kế hoạch và báo cáo tiến độ thực hiện công việc cho những cơ quan quản lý không có nhiều am hiểu về những đặc thù của hoạt động khoa học, làm gia tăng lượng thủ tục hành chính không cần thiết.

Như vậy, một cơ chế tài chính tạo sự chủ động hoàn toàn cho quỹ khoa học và công nghệ như NSF là điều mà các nhà quản lý ở Việt Nam nên cân nhắc tham khảo. Việc cấp tiền cho Nafosted ngay một lần sẽ tạo sự chủ động cho cơ quan này, rút gọn được quy trình gửi kế hoạch, báo cáo và chờ đợi sự thẩm định của Bộ Tài chính bởi mọi hoạt động của Nafosted đã có Bộ KH&CN kiểm soát. Lượng tiền trong tài khoản của Nafosted khi chưa dùng tới vẫn sinh lãi và lãi đó sẽ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Một số điểm khác

Nafosted không có quy định cụ thể về quy trình đàm phán tài chính giữa quỹ và các tác giả đề tài, nhưng NSF có quy định rõ về việc tạo điều kiện cho người làm đề cương có cơ hội thảo luận với văn phòng chương trình của NSF về việc tăng hoặc giảm kinh phí sẽ ảnh hưởng ra sao tới đề cương nghiên cứu. Văn phòng chương trình có thể đề xuất giảm kinh phí cho các mục cụ thể của đề cương nếu thấy các hoạt động đó không cần thiết, hoặc không hợp lý, đặc biệt là khi kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định cũng nhất trí với yêu cầu cắt giảm như vậy. Nhưng khi giảm kinh phí ở mức 10% trở lên so với dự toán kinh phí của đề tài, chủ nhiệm đề tài sẽ phải gửi lại một đề cương chỉnh sửa trong đó có báo cáo về tác động của việc cắt giảm này đối với kết quả và quy mô dự kiến của đề tài.

Trong số các tiêu chí lựa chọn đề tài, NSF có sự hướng tới các giá trị cộng đồng bằng cách đưa ra tiêu chí Ảnh hưởng phổ rộng vào trong quá trình xét duyệt đề cương. Trong đó khuyến khích đề cương nên mở rộng sự tham gia của các nhóm mà xã hội chưa có nhận thức đầy đủ (ví dụ, về giới, tộc người, nhóm yếu thế, yếu tố địa lý…) và kết quả nghiên cứu phải tính đến các vấn đề giáo dục cũng như phổ biến rộng để nâng cao hiểu biết về KH&CN của xã hội. Đây là yếu tố mới mẻ và chưa có điều kiện để thực hiện trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nhưng cũng nên được xem xét và suy nghĩ đến trong tương lai.

Kết luận

Qua đây, có thể thấy 3 mấu chốt cơ bản ở NSF mà các nhà quản lý Việt Nam và Nafosted có thể tham khảo. Một là, NSF có sự độc lập tự chủ cao hơn về tài chính. Hai là, các quy trình thủ tục của NSF thể hiện một sự linh hoạt và lắng nghe cao hơn đối với các tác giả đề cương nghiên cứu, từ việc cân nhắc lựa chọn thành viên hội đồng thẩm định tới việc đàm phán tài chính cho đề tài. Ba là NSF rất quan tâm tới tác động lan tỏa của đề tài nghiên cứu, không chỉ trong phạm vi chuyên ngành mà liên ngành, và không chỉ trong cộng đồng khoa học mà cả cộng đồng xã hội, kể cả với các đề tài nghiên cứu cơ bản.

Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) là một cơ quan liên bang độc lập được Quốc hội mở ra từ năm 1950 với khoản ngân sách hàng năm vào khoảng 6,9 tỉ đô la. Đây là nguồn quỹ cung cấp cho gần 20% nghiên cứu cơ bản được thực hiện ở các trường đại học và học viện của Mỹ. Ở nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học máy tính và khoa học xã hội, NSF là nguồn hỗ trợ chính trên toàn liên bang.

Hội đồng thẩm định của NSF phải đảm bảo các tiêu chí:

1.    Có kiến thức đặc biệt về những lĩnh vực khoa học và kỹ thuật của đề cương để có thể xem xét đánh giá năng lực người thực hiện, giá trị tri thức và lợi ích của các hoạt động trong đề cương đó.

2.    Có kiến thức rộng hoặc tổng quát hơn về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật của các đề cương nhằm đánh giá các tác động rộng hơn của các hoạt động trong đề tài. Yêu cầu những người thẩm định có chuyên môn rộng để đánh giá đề cương những đề tài có quy mô lớn và phức tạp, nội dung chuyên ngành rộng hoặc có tính liên ngành, hoặc có tầm quan trọng quốc gia hay quốc tế.

3.    Có kiến thức rộng về tổ chức hạ tầng cơ sở của khoa học và kỹ thuật và các hoạt động giáo dục, nhằm đánh giá về những đóng góp cho các mục tiêu xã hội, nhân lực khoa học và kỹ thuật, và sự phân bổ nguồn lực cho các tổ chức và các khu vực địa lý.

4.    Trong chừng mực có thể, có nhiều đại diện khác nhau trong tổ thẩm định để nhằm đạt được sự cân bằng về tính đại diện của các cơ quan liên quan cũng như vùng miền, đa dạng về tuổi tác và thành phần các chuyên gia.

Theo http://www.nsf.gov


Tác giả: Thu Quỳnh
Nguồn:
Tia Sáng



 

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị
  • Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Qua bộ gen, xác định nguy cơ bị hen khi trưởng thành
  • Những điều có thể nhiều người chưa biết về trái tim
  • Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi
  • Rối loạn giấc ngủ dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến
  • Cà chua và đậu nành ngừa ung thư tuyến tiền liệt
  • Phương pháp tốt nhất để tăng cường trí nhớ tuổi già
  • Các nhà khoa học đã có thể “đọc” được giấc mơ
  • Hạt quả óc chó giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường
  • Aspirin làm giảm nguy cơ ung thư vùng đầu và cổ
  • Anh: Vắcxin mới chống lở mồm long móng động vật
  • Điều trị chứng run tay không cần phẫu thuật não
  • Thực phẩm chức năng có thể giúp điều trị bệnh tự kỷ