Hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm. Vì thế, không có gì khó hiểu khi nước ta vẫn "trung thành" với chiến lược xuất khẩu nguyên liệu thô và nuôi giấc mơ công nghệ cao.
10 năm không thay đổi
Số liệu của UN Comtrade (Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại tiêu dùng của Liên Hợp Quốc) cho thấy, bình quân một lao động ở Việt Nam tạo ra giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng công nghiệp (MVA) quá thấp so với các nước trong khu vực. Điều này hầu như không thay đổi sau 10 năm.
Cụ thể, năm 2000, MVA/lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3,5 so với Trung Quốc, 1/3 so với Indonesia, 1/5 so với Thái Lan, và thậm chí chỉ bằng 1/20 so với Malaysia. Sau 10 năm, các tỷ lệ tương ứng vẫn ở mức rất thấp là 1/5; 1/3; 1/5,5 và 1/10. Tỷ trọng MVA/GDP của Việt Nam cũng thuộc vào loại thấp nhất trong khu vực, chỉ chiếm 20% GDP, trong khi ở Trung Quốc và Thái Lan là khoảng 34%.
Không những tạo ra ít giá trị gia tăng công nghiệp, hàm lượng công nghệ trong các ngành sản xuất cũng rất thấp so với các nước khác, và hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Tỷ trọng ngành có hàm lượng công nghệ trung bình và cao chỉ chiếm 25% giá trị công nghiệp trong giai đoạn 2005-2009, so với hơn 60% ở Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.
Xét về hàm lượng công nghệ trong hàng công nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu trong nhiều năm gần đây và hầu như không có xu hướng tăng, trong khi nhóm nông lâm thủy sản vẫn duy trì ở mức 20%.
Trong cơ cấu của các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, tỷ trọng của nhóm ngành máy vi tính, linh điện điện tử (thuộc ngành hàng có hàm lượng công nghệ trung bình) chỉ chiếm 10%, trong khi phần lớn đều thuộc nhóm ngành hàng có công nghệ thấp hoặc dựa vào tài nguyên thô (giày dép, may mặc, sản phẩm đồ gỗ... ).
Theo cách phân loại của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO), hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm.
Tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, ngành sử dụng công nghệ trung bình khoảng 10%, trong khi ngành công nghệ thấp chiếm trên 60%. Còn các quốc gia khác trong khu vực đều có các ngành công nghệ trung - cao chiếm tỷ trọng phần lớn trong cơ cấu xuất khẩu.
Điều này cho thấy sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với các nước khác trong việc xác lập năng lực cạnh tranh công nghệ.
Rõ ràng với trình độ công nghệ hiện nay, không có gì khó hiểu khi Việt Nam vẫn buộc phải "trung thành" với chiến lược xuất khẩu nguyên liệu thô và tiếp tục nuôi giấc mơ công nghệ cao.
Phải giải lại bài toán phát triển công nghệ cao
Nhưng làm sao có thể làm ra được những sản phẩm đỉnh cao như vậy để xuất khẩu thay cho nguyên liệu thô? Trước hết, có lẽ phải giải lại bài toán phát triển công nghệ cao - mà chúng ta loay hoạy suốt trong mươi, mười lăm và hai mươi năm qua... ?
Theo báo cáo mới đây nhất của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm nay, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII), còn Việt Nam xếp thứ 76, tụt 25 bậc so với năm ngoái. Sự chững lại của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản - mà nỗ lực đổi mới sáng tạo là một yêu cầu quan trọng.
Tai buổi ra mắt bộ sách "Đổi mới và sáng tạo - chìa khóa cho các doanh nghiệp Việt duy trì tốc độ tăng trưởng", nhiều chuyên gia cho rằng cho rằng sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ ở bề rộng chứ chưa sâu. Các DN Việt còn thiếu sự liên kết với nhau, ít chịu cập nhật các kinh nghiệm của quốc tế để áp dụng đổi mới sáng tạo trong DN mình.
Thông thường, theo cách truyền thống, khi nhắc tới đổi mới sáng tạo người ta thường nghĩ đến những cải tiến trong công nghệ và kỹ thuật, đưa ra những phát minh mới... Song, giờ đây, phạm trù của đổi mới sáng tạo đã trở nên rộng hơn, cách tiếp cận với đổi mới sáng tạo cũng đi từ nhiều khía cạnh khác nhau.
TS. Đinh Thế Phong, một chuyên gia kinh tế, cho rằng đổi mới sáng tạo chính là đổi mới chính mình. Ở nước ta hiện nay, các DN cần phải đổi mới từ cái đơn giản nhất. Cần chấp nhận văn hóa thất bại và có sự hợp tác cạnh tranh, đam mê sáng tạo. Có như thế DN mới thực sự phát triển bền vững.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hồng Lam - CEO Công ty TNHH Hồng Lam cho biết, để cho DN phát triển bền vững như ngày hôm nay từ hai lao động lên thành một công ty với đội ngũ lao động sản xuất và mạng lưới bán hàng bao phủ nhiều tỉnh thành trên cả nước thì ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của các DN nước ngoài ông còn tham gia nhiều khóa đào tạo về đổi mới và sáng tạo cho bản thân và cho DN.
Dựa trên thực tế, để giúp các DN Việt trong đổi mới sáng tạo, việc thiết lập dự án "Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo" (IPP) Việt Nam - Phần Lan thực sự rất có ích ở thời điểm hiện tại. Qua đó, với sự hỗ trợ tích cực của IPP, Alphabooks đã ấn hành bộ sách với nội dung trên gồm 5 cuốn: "Mã gen của nhà cải cách", "Đổi mới từ cốt lõi", "Quản trị quá trình đổi mới và sáng tạo", "Giải pháp cho đổi mới và sáng tạo" và "Steve Jobs - những bí quyết đổi mới và sáng tạo" mà tác giả đều là những nhân vật có tên tuổi.
Nhưng dù theo cách nào chăng nữa cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc và lựa chọn phù hợp với điều kiện, thế mạnh cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường - ông Nguyễn Hồng Lam cho hay.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com