Cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng Sở KHCN Thái Bình đã quan liêu, chủ quan chưa xem kỹ lò đốt của ông Bùi Khắc Kiên
Hành trình bảo vệ "lò đốt rác"
Ngày 9/7/2014, trao đổi với phóng viên báo Đất Việt, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng nhận hoạt động Công nghệ cao của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Phan Vinh Quang đã xác nhận thông tin giúp đỡ nông dân Bùi Khắc Kiên đăng ký sở hữu trí tuệ với công nghệ lò đốt rác phát điện tự nghiên cứu chế tạo này.
Về nguyên nhân vì sao ông Quang biết tới công nghệ của người nông dân Thái Bình, ông cho biết qua những thông tin từ phía báo chí thời gian đó khiến ông quan tâm, và đã xuống tận nơi để tận mục sở thị sản phẩm của ông Kiên.
"Hồi đó là tháng 5/2012, tôi cùng một số chuyên gia của Đại học Bách Khoa và Sở Khoa học Công nghệ Thái Bình tới thăm lò đốt rác. Khi đó ông Kiên cũng chuẩn bị nhiều rác để đốt "biểu diễn" cho chúng tôi xem. Nhưng khi đó hỏng chiếc máy bơm áp lực nên không thể làm được.
Lúc này một vị tiến sĩ của địa phương (ông Quang giấu tên - PV) đứng ra chỉ đạo nhiều thứ, mặc dù tôi là người chủ trì còn đoàn của Sở KHCN chỉ là khách mời. Cảm thấy buổi làm việc diễn ra không đúng theo ý muốn. Tôi đã đề nghị kết thúc và mọi người rời đi."
Lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên thử nghiệm ở chợ năm 2011 (Ảnh tư liệu) |
Ông Quang kể tiếp hành trình của mình: "Sau đó 3 tháng, vào cuối tháng 8/2012 đoàn của tôi có quay lại nhà ông Kiên và tiến hành tìm hiểu riêng. Được biết có doanh nghiệp trong tỉnh đã thuê ông Kiên chế tạo lò đốt cỡ lớn để ứng dụng. Chúng tôi lập tức đến đó nghiên cứu. Sau khi tận mục sở thị, bản thân tôi đã nắm được phần nào và hiểu rằng đây là một sáng tạo rất đáng quý.
Tôi nghĩ rằng cần phải làm điều gì đó để giúp bảo vệ sáng chế này. Trong khả năng của tôi, giúp ông ấy đăng ký sở hữu trí tuệ là điều thiết thực nhất, nhanh nhất mà tôi có thể làm."
Ông Phan Vinh Quang cho biết thêm: "Theo quy định của quốc tế là 18 tháng đổ lại sẽ có được chứng nhận sở hữu trí tuệ. Nhưng ông ấy đã được chấp nhận đơn hợp lệ và thông báo khắp thế giới rồi, không trùng với ai cả. Thậm chí còn được đánh giá sáng chế của ông ấy đạt 4, 5 sao, có thể đăng ký quốc tế được."
"Phải nói đây là một thành quả sáng tạo rất lớn của người Việt Nam. Trên thế giới mới chỉ có một đăng ký của người Nga gần tương đồng nhưng không cho kết quả khả quan như ông Kiên. Nhưng cái khó nhất là phí đăng ký khoảng 2.000 USD, nhưng thời điểm này ông ấy không đủ tiền, cũng là một sự thiệt thòi cho bản thân ông ấy." - Phó Giám đốc Phan Vinh Quang cho biết.
Và hiện trạng bây giờ, chiếc lò đốt bị dỡ bỏ tan hoang tại vườn nhà |
Trước thông tin liệu có cần những "Mạnh Thường Quân" giúp đỡ kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm sáng chế này, hoặc giúp đỡ ông Kiên đưa công trình của mình ra quốc tế, ông Quang bày tỏ:
"Nếu được như thế thì quá tốt, tôi cùng các đơn vị bên Cục Sở hữu trí tuệ sẽ giúp đỡ nhiệt tình."
Sở KHCN Thái Bình đã quan liêu!
Cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: "Khi ông Bùi Văn Kiên chế tạo chiếc lò đốt tại nhà, tôi đã đưa đoàn công tác của Tổng cục đo lường chất lượng của Việt Nam đến đo lường và cho kết quả an toàn."
Theo báo cáo của đoàn khảo sát này, đã đo 5 điểm và chỉ trong mấy tiếng đốt lo của buổi sáng hôm thử nghiệm tháng 8/2012 đã cho kết quả rất thuyết phục như sau: Tại Nhiệt độ cửa nhập nguyên liệu cho nhiệt độ trung bình là 631,85 độ C, tại nhiệt độ trên thân lò 30 cm cho nhiệt độ trung bình là 902,57 độ C.
Còn về chỉ số mẫu khí đều đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, lượng bụi của ông Kiên là 160mg/Nm3, còn tiêu chuẩn VN là 150mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể). Chỉ số CO của ông Kiên là 324mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 300mg/Nm3 (vượt chuẩn không đáng kể).
Chỉ số SO2 của ông Kiên là 110 mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 300mg/Nm3, NO2 của ông Kiên là 130mg/Nm3 còn tiêu chuẩn VN là 500mg/Nm3. Đây là những con số rất đáng thuyết phục cho lò đốt rác của người nông dân này.
Kết quả đo mẫu khí thải ra môi trường từ lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên |
Tuy nhiên, với những kết quả thuyết phục như vậy, ông Bùi Khắc Kiên vẫn bị Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình ngăn cấm, không cho thử nghiệm, chế tạo chiếc lò đốt này, ông Quang phân tích:
"Ông Kiên đã vi phạm về luật môi trường theo quy định của nhà nước là không được phép chuyển rác về nhà, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Việc đốt rác, khí thải... cũng phải có tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, cái nồi hơi theo quy định của nhà nước muốn sử dụng là phải đi học về các biện pháp an toàn thì mới được cho vận hành.
Về luật pháp mà nói thì ông ấy không được sử dụng công nghệ nồi hơi vào đây vì không có chứng chỉ đó. Như vậy là có hai điều vi phạm theo quy định của nhà nước."
"Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết máy móc, còn thực tế, sáng chế của ông Kiên có rất nhiều ưu điểm mà chỉ cần tâm huyết, nghiên cứu một chút là có thể nhìn nhận ra được. Nhưng cách làm của Sở KHCN Thái Bình cũng là chủ quan, chưa xem xét kỹ, chưa gì đã quan liêu cấm đoán người ta rồi. Họ không đánh giá đúng mực, không nhìn thấy mặt mạnh mặt yếu của sáng chế này." - Ông Phan Vinh Quang nhận định.
Minh Tú// Báo Đất Việt
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com